Xi măng, sắt thép đồng loạt tăng giá

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau một thời gian giữ giá bán ổn định, những ngày cuối tháng 10 hàng loạt doang nghiệp (DN) xi măng, sắt thép đã đồng loạt ra văn bản gửi các đại lý tiêu thụ công bố điều chỉnh giá bán mặt hàng này.

Với mặt hàng xi măng, các DN sản xuất đồng loạt thông báo điều chỉnh giá các sản phẩm tăng 5 - 7% tùy từng khu vực và chủng loại. Theo đó, từ ngày 20/10, Công ty CP xi măng Hoàng Long điều chỉnh tăng giá bán các loại xi măng bao PCB30, PCB40 thêm 80.000 đồng/tấn trên giá hiện đang áp dụng.
Tương tự, Công ty CP xi măng Vicem Bút Sơn điều chỉnh tăng 80.000 đồng/tấn so với thời điểm hiện tại (đã bao gồm VAT) đối với tất cả các chủng loại ximăng (bao và rời). Công ty xi măng Long Sơn cũng áp dụng điều chỉnh tăng 90.000 đồng/tấn so với đơn giá đang áp dụng đối với sản phẩm xi măng bao Hà Trung (PCB30, PCB40). Nhiều loại xi măng Duyên Hà, xi măng Nghi Sơn hay xi măng Vicem Hoàng Mai cũng đều thông báo tăng giá.
Không chỉ mặt hàng xi măng nhiều DN sản xuất thép như Hòa Phát, Việt Đức, Kyoei, Pomia… cũng đồng loạt điều chỉnh tăng giá bán lên mức 16.610 - 18.120 đồng/kg tùy từng thương hiệu… Hiện, thép Thái Nguyên CB240 đã tăng 860.000 đồng/tấn so với những ngày đầu tháng 10, hiện được bán với giá  17,2 triệu đồng/tấn, thép D10 CB300 tăng 260.000 đồng/tấn lên mức 17,26 triệu đồng/tấn. Thép CB240 của Hòa Phát cũng tăng 460.000 đồng/tấn, lên mức 16,77 triệu đồng/tấn. Thép cây D10 CB300 tăng 410.000 đồng/tấn, lên mức 16,82 triệu đồng/tấn. Các thương hiệu thép khác như Việt Đức, Việt Nhật, Việt Ý...cũng có mức tăng từ 450.000-800.000 nghìn đồng/tấn.
 Dây chuyền sản xuất xi măng Nghi Sơn.

Lý giải nguyên nhân khiến doanh nghiệp sản xuất xi măng tăng giá bán, tại công văn gửi các đơn vị phân phối, Giám đốc Công ty CP xi măng Vicem Hoàng Mai Nguyễn Đình Dũng nêu rõ, thời gian qua giá nguyên liệu đầu vào để sản xuất xi măng như than, dầu tăng cao đột biến. Theo đó giá than tăng từ 7- 10%, dầu DO dùng để đốt khi mới sấy lò tăng giá trên 10%  nên đã ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm.
“Việc than tăng giá đã tăng tạo áp lực lớn cho các công ty sản xuất xi măng bởi xi măng là ngành tiêu thụ nhiều than. Giá than chiếm 40 - 45% giá thành sản xuất xi măng. Các DN đã áp dụng các biện pháp tiết giảm tối đa chi phí, tối ưu hoá sản xuất nhưng việc tăng giá nhiều nguyên liệu đầu vào, cộng việc giá than tăng, buộc nhiều DN xi măng điều chỉnh tăng giá bán”, ông Dũng nêu rõ.
Đồng tình với phản ánh này, đại diện Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) thông tin, mặc dù giá quặng sắt giảm mạnh, nhưng giá than mỡ luyện cốc và giá thép phế liệu vẫn tăng. Chẳng hạn giá than mỡ luyện cốc xuất khẩu tại cảng Australia ngày 8/10/2021 giao dịch ở mức khoảng 332,5 USD/tấn FOB, tăng mạnh 32,5 USD so với đầu tháng 9/2021. Giá thép phế liệu nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 516 USD/tấn CFR Đông Á ngày 8/10/2021, mức giá này tăng 33USD/tấn so với hồi đầu tháng 9/2021. “Thị trường sắt thép Việt Nam chịu tác động mạnh từ giá nguyên liệu đầu vào nhập khẩu nên dự báo sẽ còn tiếp tục tăng theo diễn biến thị trường thế giới”, đại diện VSA thông tin.