Thời tiết chuyển từ đông sang xuân, lúc lạnh, lúc ấm lại ẩm ướt khiến các bé không thích nghi kịp và dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Khi thấy con có biểu hiện nhẹ của các bệnh mũi họng, tâm lý chung của các bậc phụ huynh là không muốn con phải dùng kháng sinh nên đã "phòng còn hơn chống" bằng cách xịt rửa mũi liên tục và ép con xì mũi thật nhiều. Có đến 99% người bị viêm tai giữa xuất phát từ viêm mũi họng. Và một số trường hợp viêm tai giữa bắt nguồn từ chính thói quen xì mũi không đúng cách. Một bác sĩ chuyên khoa Tai - Mũi - Họng tại TP.HCM chia sẻ: "Tôi từng chứng kiến cách nhiều bà mẹ xì mũi cho con: 'Xì mũi đi con! Một hai ba xì', ngay lúc đó mẹ bịt ngay hai cánh mũi lại, mục đích là vuốt mũi cho bé, đến tối lại cháu sốt và đau tai, sáng hôm sau mẹ đưa cháu đến khám, soi tai thấy màng nhĩ đỏ phồng, đây đã là viêm tai giữa rồi!".
Phụ huynh dạy trẻ cách xì mũi không đúng, trẻ có thể bị điếc |
Chị Huyền chia sẻ trường hợp của con gái mình trên một diễn đàn làm mẹ: "Cháu nhà mình năm này 6 tuổi, thời gian giao mùa vừa rồi cháu có bị cúm, dẫn đến tình trạng bị ngạt mũi, nên mũi lúc nào cũng ứ đọng nước mũi rất khó thở. Mới đầu mình mua công cụ hút mũi về hỗ trợ bé lấy mũi ra, tuy nhiên sau đọc được nhiều thông tin nói rằng sử dụng dụng cụ đó dễ gây ảnh hướng đến não, nên mình để con tự xì mũi. Vì con còn nhỏ nên mỗi lần con xì mũi mình đều hỗ trợ, mình dùng khăn giấy rồi bóp nhẹ hai bên cánh mũi của con, rồi bảo con xì thật mạnh, ngày 3-4 lần. Hôm sau, thấy con kêu đau tai, mình cũng lo lắng kiểm tra nhưng không thấy gì, cứ nghĩ là bị ngạt mũi nên đường tai cũng có chút ảnh hưởng. Ngày hôm sau, mình tiếp tục cho con xì mũi như thế và vệ sinh lại bằng nước muối vì thấy con có vẻ dễ thở hơn, nhưng đến đêm thì bé lên cơn sốt và liên tục khóc kêu "mẹ ơi con đau tai lắm", mình cho bé uống thuốc hạ sốt, chườm khăn lạnh cho bé dễ chịu ngủ tiếp vì lúc đấy đã là nửa đêm rồi. Sáng hôm sau cho con ăn uống xong mình tức tốc đưa con đi viện, đến nói bác sĩ kiểm tra xong kết luận là bé bị viêm tai giữa. Mình giật mình, không hiểu nguyên nhân vì sao, rõ ràng hàng ngày mình vệ sinh cho con rất sạch sẽ. Sau đó, bác sĩ có hỏi qua cách mình vệ sinh mũi cho con, bác sĩ bảo, cháu bị viêm tai giữa là do mình cho cháu xì mũi sai cách, dẫn đến dịch mũi dễ chảy ngược vào trong, gây ứ đọng ở tai, có nguy cơ dẫn đến viêm tai giữa thanh dịch, tuy không thấy dịch chảy ra ngoài nhưng làm cho trẻ nghe kém, nghễnh ngãng, giao tiếp khó khăn. Không được điều trị kịp thời, bố mẹ và trẻ sẽ đối mặt với nguy cơ khó lường đó là bị điếc. Mình nghe vậy mới tá hỏa và hối hận vô cùng, chỉ vì sự bất cẩn và thiếu hiểu biết của mình mà thiếu chút nữa mình để lại hậu quả nặng nề cho con. Do bé nhà mình tình trạng ứ đọng đã xảy ra hơn 2 ngày nên không thể điều trị bằng thuốc thông thường, bé phải ở lại để bác sĩ chữa trị và theo dõi để không gây di chứng về sau (có thể dẫn đến trẻ bị điếc nếu không chữa trị kịp thời và đúng cách). Cũng may, con không bị làm sao, nếu không mình sẽ hối hận cả đời mất. Mình chia sẻ lên đây để mong những bà mẹ trẻ như mình rút ra kinh nghiệm để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của các con!".
Việc xì mũi sai cách, mũi có thể đi ngược vào trong và ứ đọng ở tai |
Khi trẻ bị sổ mũi hoặc nghẹt mũi, dịch ứ đọng trong mũi rất nhiều và đặc. Nếu xì mũi quá mạnh hoặc bố mẹ bịt hai lỗ mũi của con khi con xì mũi sẽ khiến dịch này dễ dàng bị đẩy ngược lên tai bởi ống dẫn từ mũi họng lên tai trẻ em rất ngắn, chỉ khoảng 0,5cm, lại nằm ngang, thẳng. Từ đó khiến trẻ bị viêm tai giữa hoặc ù tai. Trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo, do cấu trúc vòi nhĩ ngắn, dịch mũi dễ chảy ngược vào trong, gây ứ đọng ở tai, có nguy cơ dẫn đến viêm tai giữa thanh dịch, tuy không thấy dịch chảy ra ngoài nhưng làm cho trẻ nghe kém, nghễnh ngãng, giao tiếp khó khăn. Không được điều trị kịp thời, bố mẹ và trẻ sẽ đối mặt với nguy cơ khó lường đó là bị điếc. Ngoài ra, thói quen rửa mũi quá nhiều cũng làm hại hệ hô hấp của trẻ. Theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), mũi của trẻ bình thường luôn có cơ chế tự làm sạch. Nếu trẻ hoàn toàn bình thường mà ngày nào cũng cẩn thận xịt, rửa mũi là bố mẹ đang làm mất đi chất nhầy tự nhiên trong khoang mũi. Trong khi đó, chất nhầy này có tác dụng tạo độ ẩm, ngăn chặn bủi bẩn. Khi bị mất đi chấy nhầy này, trẻ càng dễ bị khô mũi, nhiễm khuẩn mũi, gây tổn thương niêm mạc mũi dẫn đến tình trạng dễ bị viêm mũi họng hơn. Không những thế việc sử dụng thuốc xịt, rửa mũi quá thường xuyên cũng có thể làm teo niêm mạc mũi, ảnh hưởng đến chức năng thở, khứu giác. Khi trẻ bị sổ mũi, ngạt mũi, việc bố mẹ dùng xi lanh xịt rửa mũi sai cách như xịt quá mạnh, trẻ nuốt phải nước rửa cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ dễ mắc phải các bệnh đường hô hấp khác. Cách xử lý khi trẻ bị ngạt, sổ mũi 1. Tăng cường cho bé uống nhiều nước, bú mẹ. 2. Với trẻ nhỏ chưa biết cách xì mũi, bố mẹ có thể hỗ trợ xịt mũi và hút mũi cho bé. Khi trẻ nhiều mũi, nước mũi đặc, ngạt mũi, sổ mũi, bố mẹ nhỏ nước muối sinh lý vào mũi bé để nước mũi ẩm và loãng sau đó mới hút dịch ra rồi dùng thuốc điều trị ngạt mũi, sổ mũi. Nếu trời lạnh, trước khi nhỏ nước muối vào mũi, các mẹ nên ngâm nước muối sinh lý vào nước nóng cho ấm rồi nhỏ vào mũi trẻ, thực hiện khoảng 3-4 lần/ngày. 3. Với trẻ lớn khi trẻ bị sổ mũi, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ tập xì mũi. Không nên dùng tay bịt hai bên lỗ mũi khi bé xì mũi vì sẽ làm tăng áp lực đột ngột vào mũi, dễ dẫn đến viêm tai giữa, viêm xoang, viêm họng, viêm khí phế quản. Dùng giấy mềm, sạch cho trẻ xì mũi để tránh lây lan cho người xung quanh và chỉ dùng một lần. 4. Xì mũi đúng cách: Chỉ bịt một bên lỗ mũi trẻ, một bên để thông thoáng. Hướng dẫn trẻ hơi cúi đầu xuống, ngậm miệng và thở mạnh ra. Mỗi bên mũi làm 2-3 lần cho sạch. 5. Tuyệt đối không ép trẻ xì mũi ngay khi trẻ đang bị ngạt hoặc tắc mũi. Trước tiên, phải nhỏ thuốc co mạch cho trẻ, đợi 1-2 phút sau đó mới hướng dẫn trẻ thực hiện xì mũi 6. Để trẻ không bị sổ mũi, viêm mũi nên giữ ấm cho trẻ khi đi ra ngoài trong tiết trời lạnh, giữ vệ sinh cho trẻ thật sạch sẽ.