Hiện tượng lừa bịp đó không chỉ ở các vùng xa xôi, mà còn xuất hiện tràn lan ngay giữa Thủ đô.
Khán giả Chương Mỹ suýt... bị lừa
Ba ngày qua, nhiều gia đình ở huyện Chương Mỹ vẫn xôn xao chuyện hụt buổi xem xiếc hôm 3/4. Mấy ngày trước đó, một đoàn người liên tục lượn xe máy vòng các thôn xóm của huyện, bắc loa mời gọi inh ỏi chương trình “Xiếc chọn lọc, ngày hội của những chú hề”. Theo quảng cáo, đây là chương trình "xịn", do Sở VH&TT Hà Nội kết hợp với Rạp Xiếc T.Ư thực hiện. Chương trình biểu diễn một đêm duy nhất tại Sân vận động huyện Chương Mỹ. “Chẳng mấy khi có chương trình biểu diễn xiếc về tận huyện, nên tôi hứa với bọn trẻ sẽ mua vé cho chúng đi xem dịp cuối tuần. Chưa kịp mua thì có thông tin chương trình không diễn ra nữa. Tôi không hiểu lý do vì sao” – chị Nguyễn Thị Ngát (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ) chia sẻ.
Poster quảng cáo chương trình xiếc vi phạm tại huyện Chương Mỹ hôm 3/4.
|
Người dân chưa kịp hiểu lý do chương trình không biểu diễn, bởi đến ngày 6/5, cán bộ Phòng VHTT, Công an huyện Chương Mỹ rốt ráo vào cuộc xử lý sai phạm của Công ty TNHH Thương mại, truyền thông Phong Luân – đơn vị tổ chức chương trình “Xiếc chọn lọc, ngày hội của những chú hề” này. “Ngày 30/3, đại diện Công ty Phong Luân mang các giấy tờ như: Giấy cấp phép biểu diễn, nội dung chương trình… xin phép biểu diễn tại huyện. Lúc đó tôi đi vắng, Phó trưởng Phòng VHTT huyện tiếp nhận và đề nghị phía công ty trình hồ sơ gốc trước buổi biểu diễn. Trước giờ biểu diễn chừng 4 - 5 tiếng, tôi phát hiện ra có dấu hiệu sai phạm nên yêu cầu dừng chương trình” – ông Nguyễn Văn Lợi – Trưởng phòng VHTT huyện Chương Mỹ cho biết.
Sau rất nhiều lần làm việc, đại diện Công ty Phong Luân là ông Nguyễn Hữu Thanh thừa nhận đơn vị này đã giả danh Liên đoàn Xiếc Việt Nam, sử dụng Giấy cấp phép biểu diễn hết hạn… Những vi phạm này đang có dấu hiệu hình sự, nên phòng VHTT đã chuyển hồ sơ cho công an huyện, thanh tra Sở VH&TT Hà Nội tiếp tục điều tra xử lý.
Vô số lần bị giả mạo
Cuộc sống của diễn viên xiếc nhiều năm nay khá khốn đốn. Sân khấu giữa trung tâm Thủ đô (67 - 69 Trần Nhân Tông) không thể "đỏ đèn" liên tục. Trước những cuộc cạnh tranh với loại hình giải trí hiện đại, diễn viên xiếc sống lay lắt. Nguồn thu chính của ngành xiếc chủ yếu dựa vào các buổi lưu diễn ngoại tỉnh, đặc biệt là vùng sâu vùng xa. Nhưng nay, nguồn sống này cũng đang bị đe dọa, trước hiện tượng giả danh làm giảm uy tín ngành xiếc vì những chương trình kém chất lượng.
Sự việc ở huyện Chương Mỹ vừa qua, không phải lần đầu tiên Liên đoàn Xiếc bị các công ty tư nhân giả danh để lừa khán giả. Theo ông Tạ Duy Ánh – Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam: “Chúng tôi liên tục bắt gặp những đơn vị giả danh chương trình của Liên đoàn Xiếc. Không chỉ ở các vùng xa xôi, mà ngay cả các địa điểm biểu diễn ở nhà văn hóa quận, huyện Hà Nội cũng xuất hiện tràn lan”.
Các công ty biểu diễn giả danh này đa phần sử dụng hình thức quảng cáo cuốn hút, nhưng nội dung biểu diễn luôn mang tính lừa bịp. Các tiết mục xiếc rất ngô nghê, hoặc đôi khi giới thiệu là xiếc nhưng chủ yếu là các màn ca múa nhạc như kiểu văn hóa quần chúng làng. Nhiều khán giả đi xem la ó, tẩy chay xiếc. “Mỗi khi Liên đoàn Xiếc đến những địa phương đã bị các công ty giả danh sẽ phải tổ chức 1 - 2 đêm biểu diễn nháp để lấy lại lòng tin cho khán giả. Sau đó, chương trình mới có thể bán vé, thu tiền. Chính vì vậy, chúng tôi thiệt hại rất lớn về hình ảnh và kinh tế. Chúng tôi đã báo cáo với thanh tra sở ở các tỉnh, thành, thanh tra Bộ VHTT&DL… về các trường hợp cụ thể, nhưng vẫn chưa hạn chế được mấy” – ông Ánh cho biết thêm.
Chấn chỉnh hoạt động biểu diễn mang tính giả danh không chỉ góp phần trả lại chỗ đứng cho các chương trình nghệ thuật đích thực, mà còn bảo vệ quyền lợi của người xem. Để làm được điều này, không chỉ đòi hỏi sự lên tiếng của Liên đoàn Xiếc, mà các cơ quan quản lý địa phương cũng nên thận trọng hơn trong việc cấp phép và tiếp nhận giấy phép biểu diễn. Chỉ có cách quản lý nghiêm túc mới ngăn chặn được các chương trình mang tính lừa đảo, giúp nghệ sĩ xiếc giữ được chỗ đứng trong lòng khán giả.