Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xóa bỏ định kiến giới trong báo chí

Hoàng Yến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội Nhà báo Việt Nam vừa phối hợp cùng tổ chức Oxfam tại Việt Nam thực hiện chương trình Tọa đàm và trưng bày mang tên “Báo chí qua lăng kính giới”.

Thời gian qua, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu về bình đẳng giới, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho trẻ em gái. Công tác truyền thông về bình đẳng giới xuất hiện nhiều hơn trên mọi loại hình báo chí. Tuy nhiên, định kiến giới vẫn ẩn mình trong các tác phẩm truyền thông, gây tác động về nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữ.

Quang cảnh buổi toạ đàm. Ảnh: Hoàng Yến
Quang cảnh buổi toạ đàm. Ảnh: Hoàng Yến

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam nhận định, hiện nay còn nhiều định kiến không đúng về vị trí, vai trò của người phụ nữ trong đời sống gia đình và cả xã hội; có nhiều biểu hiện lệch lạc về trách nhiệm giới, vai trò giới vẫn tồn tại cần sớm được loại bỏ.

Nhấn mạnh những khó khăn trong truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới, nhà báo Lê Quỳnh Trang, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do ảnh hưởng của văn hóa phong kiến, tư tưởng trọng nam khinh nữ; phụ nữ bị bạo hành nhưng nạn nhân ít lên tiếng, không muốn chia sẻ câu chuyện của mình lên báo chí.

Vì vậy, để thay đổi nhận thức, hành vi, thúc đẩy bình đẳng giới, theo Tổng Biên tập báo Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thục Hạnh, các sản phẩm báo chí cần hướng tới thay đổi, xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu về giới, giúp hiểu đúng và tôn trọng đa dạng về giới. Cần có hành động cụ thể, có chính sách đào tạo và cần phải huy động sự chung tay vào cuộc của các giới để phát huy bình đẳng giới.

Trong buổi tọa đàm, chuyên gia Lê Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng đã nêu một số biểu hiện của định kiến giới vẫn còn tồn tại trong các tác phẩm báo chí hiện nay đồng thời gợi ý các nội dung nhằm bảo đảm nhạy cảm giới trong truyền thông như: không sử dụng hình ảnh làm nặng thêm định kiến giới, khuôn mẫu giới vốn có; sử dụng hài hòa hình ảnh minh họa, ý kiến của nam, nữ trong sản phẩm báo chí; bảo đảm sự hiện diện bình đẳng về hình ảnh, ý kiến của nam, nữ trong sản phẩm báo chí…

Thêm vào đó, chuyên gia cũng gợi ý các kỹ thuật giúp nhà báo trong công tác truyền thông về bình đẳng giới: sử dụng hình ảnh, cốt truyện, thông điệp, nhân vật, ngôn ngữ. 5 khía cạnh này nhà báo có thể sử dụng thay đổi góc nhìn theo hướng không định kiến, khách quan, trung thực.

Ngoài ra, chuyên gia Lê Minh Sơn cũng đề xuất ý kiến về chuyên môn: nhà báo tham gia ở bất cứ lĩnh vực nào cũng cần thay đổi góc nhìn về trách nhiệm giới khi phản ánh vấn đề; và sử dụng các dữ liệu để lưu trữ các vấn đề đó. Như vậy, việc thay đổi góc nhìn về bình đẳng giới sẽ giúp nhà báo nhìn nhận sâu sắc hơn, vấn đề được khai thác triệt để hơn.

Trong khuôn khổ sự kiện, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã trưng bày chuyên đề có tính lịch sử về các sản phẩm báo chí đề cập đến vấn đề giới tại Việt Nam trong hơn một thế kỷ qua. Đây là một điểm nhấn sinh động và ý nghĩa phục vụ các mục tiêu đề ra của chương trình.