Thông tin trên được nhiều chuyên gia đưa ra tại Hội thảo tham vấn "Đề án chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTT&DL) vừa tổ chức.
Tạo hơn 1 triệu việc làm
Năm 2022, các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ, đóng góp ước đạt 4,04% GDP, tạo 1 triệu việc làm cho xã hội. Doanh thu xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ văn hóa, số lượng DN và các không gian văn hóa, trung tâm sáng tạo, thành phố sáng tạo trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong cả nước tăng lên.
Nhiều sản phẩm, dịch vụ, sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật đã thể hiện sống động bản sắc, tinh thần sáng tạo Việt Nam, góp phần phát huy sức mạnh mềm văn hóa trong hội nhập quốc tế.
Những kết quả khả quan này là tổng hòa của sự nỗ lực hợp tác của Bộ VHTT&DL và nhiều cơ quan khác trong việc xây dựng, cải thiện khung khổ chính sách, cơ chế liên quan... cho tới việc triển khai các kế hoạch và nhiệm vụ cụ thể ở cả cấp trung ương và địa phương.
Quan trọng nhất là sự tích cực, chủ động tham gia của các cá nhân nghệ sĩ, người thực hành, doanh nhân, nhà nghiên cứu, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức quốc tế... đã kết nối và dần hình thành một hệ sinh thái văn hóa, sáng tạo sống động ở nước ta trong những năm vừa qua.
Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng đánh giá: “Trong vòng chục năm qua, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo đã đạt được sự tăng trưởng đáng kể. Từ điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, thiết kế, thủ công mỹ nghệ, trò chơi điện tử... không chỉ làm phong phú thêm đời sống vật chất và tinh thần của người dân mà còn đang trở thành động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc”.
Rào cản trong nhận thức
Qua thực tiễn, 7 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa còn một số tồn tại nhiều điểm nghẽn. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, đó là nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của đất nước chưa rõ. Thói quen trông chờ ngân sách Nhà nước cho các hoạt động sản xuất các sản phẩm, dịch vụ văn hóa vẫn tồn tại.
Bên cạnh đó là quan niệm “ngành văn hóa là ngành tiêu tiền” đang tạo rào cản trong nhận thức về đầu tư nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Sự kết nối phối hợp giữa các ban, ngành, cơ quan các cấp, giữa khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ. Quá trình hoàn thiện thể chế chưa tạo điều kiện ưu tiên và khuyến khích các ngành công nghiệp văn hóa phát triển...
Ở góc độ quản lý Nhà nước, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng cho rằng, hành trình phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh mới với xu hướng toàn cầu hóa mạnh mẽ, sự phát triển như vũ bão của công nghệ.
“Bản chất năng động của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo đòi hỏi chúng ta phải có những đánh giá thường xuyên, điều chỉnh kịp thời, thích ứng liên tục với bối cảnh mới để tối đa hóa nguồn lực hiện có, nắm bắt xu hướng phát triển của tương lai trong lĩnh vực này” – ông Trần Hoàng nhấn mạnh.
Mặt khác, từ kinh nghiệm tổ chức Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, việc DN tư nhân muốn sử dụng các thiết chế văn hóa Nhà nước còn nhiều rào cản về kinh phí, giấy tờ, thủ tục. Do đó, nhiều thiết chế văn hóa do Nhà nước đầu tư bị lãng phí, chưa được vận hành hiệu quả.
“Hiện nay Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể cho các DN tư nhân phát triển công nghiệp văn hóa, trong khi đây là lĩnh vực đòi hỏi quá trình đầu tư. Sự hỗ trợ từ phía Nhà nước nên được chia đều cho các đơn vị trong và ngoài Nhà nước để thúc đẩy sự công bằng, khích lệ các DN tư nhân có đóng góp vào công nghiệp văn hóa vì họ cũng có đóng thuế, có trách nhiệm xã hội đầy đủ” - nhạc sĩ Quốc Trung bày tỏ.
Theo các chuyên gia, cần phải xây dựng một chiến lược mới về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm phát huy có hiệu quả hơn tiềm năng văn hoá và sáng tạo của quốc gia. Đồng thời giải quyết triệt để các thách thức hiện nay về cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực, công nghệ, sở hữu trí tuệ..., đưa các ngành công nghiệp văn hóa phát triển có trọng tâm, trọng điểm hơn.