Gần 44% hộ dân được dùng nước sạch
Tháng 2/1998, trạm cấp nước sạch thị trấn Phúc Thọ chính thức đi vào hoạt động. Đây là công trình cấp nước tập trung đầu tiên được xây dựng trên địa bàn huyện Phúc Thọ, do Sở NN&PTNT Hà Nội làm chủ đầu tư. Trạm có công suất là 500m3/ngày đêm, đang cung cấp nước sạch cho 1.161 hộ dân tại thị trấn Phúc Thọ.
Ngoài trạm cấp nước sạch nêu trên, người dân huyện Phúc Thọ còn tiếp nhận nguồn nước từ một số trạm khác. Cụ thể là trạm cấp nước sạch Bảo Lộc ở xã Võng Xuyên (công suất 1.000m3/ngày đêm), hiện cấp cho 1.728 hộ dân; trạm cấp nước sạch xã Tam Hiệp (công suất 600m3/ngày, đêm), phục vụ 2.960 hộ dân; trạm cấp nước sạch tại huyện Đan Phượng cung cấp nguồn nước cho 240 hộ dân xã Thanh Đa.
Một dự án khác là trạm cấp nước sạch liên xã Liên Hiệp - Hiệp Thuận cũng đang hoạt động tương đối hiệu quả. Công trình có công suất 2.950m3/ngày đêm, được xây dựng bằng nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng thế giới, hiện do Sở NN&PTNT Hà Nội quản lý, đang cung cấp nước sạch cho 3.092 hộ dân.
Cùng với các trạm cấp nước nêu trên, hơn 12.000 hộ dân thuộc 8 xã, thị trấn khác trên địa bàn huyện Phúc Thọ cũng đã được tiếp cận nguồn nước sạch từ Công ty CP cấp nước Sơn Tây. Thống kê đến nay, toàn huyện đã có khoảng 21.400 hộ dân thuộc 12 xã, thị trấn được tiếp cận nước sạch từ nguồn cấp tập trung, chiếm gần 44% tổng số hộ gia đình trên địa bàn huyện.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Cấn Văn Hồng cho biết, để sớm hoàn thành mục tiêu cấp nước sạch cho 100% hộ dân, UBND huyện đang phối hợp với Công ty CP cấp nước Sơn Tây và Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục triển khai việc đấu nối, lắp đặt đồng hồ cho các hộ dân tại những xã, thị trấn nằm trong vùng cấp.
“Đối với 9 xã chưa có hệ thống cấp nước sạch tập trung, huyện đang tập trung đôn đốc liên danh Công ty CP Ao Vua và Công ty CP đầu tư xây dựng cấp thoát nước và môi trường Ba Vì sớm hoàn thiện các thủ tục cần thiết, chuẩn bị các điều kiện để triển khai thi công đường ống cấp nước phục vụ người dân…” - ông Cấn Văn Hồng thông tin thêm.
Cần sự ủng hộ của người dân
Thực tế, để đẩy nhanh tiến độ cấp nước sạch, yếu tố cộng đồng là hết sức quan trọng. Phó Chủ tịch UBND xã Võng Xuyên Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong khi người dân nhiều xã khác mong muốn có nước sạch để sử dụng, thì một bộ phận người dân trên địa bàn xã lại tỏ ra không mấy mặn mà.
“DN đã lắp đặt hệ thống đường ống chính và ống nhánh đến các thôn của xã. Tuy nhiên, nhiều hộ dân không muốn đấu nối để sử dụng, do quen dùng nước giếng khoan qua lọc và không muốn tốn thêm chi phí hàng tháng để mua nước sạch...” - ông Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.
Theo Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn, những năm qua, địa phương thường xuyên phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức các lớp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch đối với an toàn sức khỏe. Nhận thức của đại bộ phận người dân dù đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đồng đều.
Hiện, UBND huyện Phúc Thọ đang tiếp tục vận động cán bộ, đảng viên gương mẫu, đi đầu trong việc sử dụng nước sạch. Yêu cầu các cơ sở giáo dục và đào tạo, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn huyện đăng ký sử dụng nước sạch khi có nguồn cấp.
Chất lượng nguồn nước cấp cũng được huyện Phúc Thọ đặc biệt quan tâm. Theo đó, địa phương thường xuyên phối hợp với các nhà đầu tư lấy mẫu nước xét nghiệm, bảo đảm nguồn nước cấp cho nhân dân đạt tiêu chuẩn chất lượng QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế. Đồng thời, thông tin rộng rãi trên hệ thống truyền thanh cơ sở để người dân nhận biết, tin dùng.
“Huyện đã giao chỉ tiêu số hộ sử dụng nước sạch, số hộ được đấu nối ở các xã đã có trạm cấp nước tập trung để gắn trách nhiệm của Đảng ủy, UBND xã trong công tác vận động, tuyên truyền nhân dân nhằm tăng tỷ lệ sử dụng nước sạch trên địa bàn huyện…” - Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn.