Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xóa hành vi ăn mặc phản cảm tại nơi tâm linh: Hãy học Lào và Thái Lan

Bài và ảnh: Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Giám đốc Công ty TransViet Travel Nguyễn Tiến Đạt là người tiên phong trong việc nghiên cứu, xây dựng bộ quy tắc ứng xử “Du lịch văn minh” để phổ biến tới du khách của TransViet Travel, được Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhân rộng mô hình. Ông cho rằng, Việt Nam có thể học Lào hay Thái Lan để “xóa sổ” hành vi ăn mặc hở hang, không phù hợp tại khu du lịch tâm linh.

 Từ Tết Nguyên đán Dinh Dậu 2017 đến nay, các điểm du lịch tâm linh thu hút lượng lớn du khách đến hành hương, lễ bái kết hợp du xuân. Dù báo giới đã nói nhiều về chuyện ăn mặc phản cảm, không phù hợp nhưng tình trạng này vẫn chưa chấm dứt. Vì sao vậy, thưa ông?

- Theo tôi, nhiều người vô ý thức trong việc tôn trọng phong tục tập quán, quy tắc ứng xử nên vẫn vô tư ăn mặc hở hang, phản cảm, không phù hợp khi vào những cơ sở tôn giáo, tâm linh. Một số người khác không biết quy định hoặc đi lễ đền chùa kết hợp chụp ảnh, du lịch… nên dù biết nguyên tắc nhưng vẫn vi phạm.

 Khách nước ngoài mặc áo phông, quần soóc tại chùa Hương. Ảnh: Hồ Hạ.

Người Việt Nam ta hay có tâm lý dĩ hòa vi quý, ngại va chạm, nhất là ở nơi tâm linh nên quá dễ dãi, thấy chướng tai gai mắt nhưng không dám phản hồi. Vì thế, khi nhìn thấy người khác ăn mặc không phù hợp thường phớt lờ kiểu không liên quan. Mặt khác, hầu hết các chùa đều có bảo vệ nhưng thấy người dân và du khách ăn mặc phảm cảm cũng không ngăn lại. Họ mới chỉ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cơ sở vật chất mà quên rằng bảo đảm không gian thanh tịnh, linh thiêng của điểm đến còn quan trọng hơn. Trong khi đó, bên ngoài các điểm đến tâm linh đa phần không có quy định hay hướng dẫn mặc trang phục trước khi vào chùa. Không nhắc nhở, không kỳ thị, không bị ngăn cản hay xử phạt… là những yếu tố khiến vấn nạn mặc phản cảm vào chùa chưa được đẩy lùi.

Là người đi nhiều, theo quan sát của ông, các quốc gia trên thế giới ứng xử như thế nào với các du khách ăn mặc trang phục không phù hợp khi vào khu du lịch tâm linh? 

- Ở hầu hết các quốc gia, chính quyền kiểm soát rất nghiêm ngặt trang phục mọi người mặc ngay từ cổng khu tâm linh. Điển hình nhất phải kể đến Thái Lan. Dù khá cởi mở về tình dục, cho phép hành nghề mại dâm. Tuy nhiên, tất cả các điểm du lịch tôn giáo ở “xứ sở chùa vàng” quản lý rất nghiêm ngặt về các quy tắc ăn mặc. Nếu lỡ mặc áo hai dây, quần short, váy bó ngắn trên đầu gối, bạn bắt buộc phải thuê hoặc mua tấm vải có tên xà rông ở cổng ngoài và phải đặt cọc từ 100-200 baht. Do đó, tất cả các du khách vào chùa đều ăn mặc rất kín đáo. Trong khi đó, những trang phục như “hở đùi, lưng, không mang áo ngực” đều liệt trong danh sách bị cấm khi tới đền Angkor Wat, Campuchia. Những vị khách cố tình vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo và trục xuất khỏi quốc gia này…

 Là người tiên phong trong việc nghiên cứu, xây dựng bộ quy tắc ứng xử “Du lịch văn minh” để tuyên truyền, phổ biến tới du khách, theo ông, DN lữ hành cần làm gì để khách hàng không mắc sai lầm này?

 Phó Giám đốc Công ty TransViet Travel Nguyễn Tiến Đạt tuyên truyền "Du lịch văn minh" cho du khách tại Sân bay Quốc tế Nội Bài, Hà Nội.

- Trong qúa trình thực tiễn điều hành tour, tôi thấy rất nhiều du khách vô tình hoặc cố ý đã vi phạm những quy tắc, luật lệ, có hành vi không văn minh, lịch sự. Trong đó, bao gồm cả việc ăn mặc chưa phù hợp khi đến chốn tâm linh. Vì thế, TransViet Travel đã xây dựng bộ quy tắc “Du lịch văn minh” triển khai tới đội ngũ hướng dẫn viên để họ nhắc nhở du khách trước và trong quá trình tham gia tour cũng như giám sát hành vi của họ. Kết quả nhận được rất khả quan khi thống kê cho thấy có đến hơn 80% hành vi kém văn minh được giảm bớt. Tại Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam – VITM Hanoi 2016, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã nhân rộng mô hình của TransViet Travel, phát động phong trào ứng xử văn minh khi đi du lịch. Hiệp hội đã xây dựng bộ quy tắc để kêu gọi các công ty du lịch thực hiện. Nếu các DN và du khách thực hiện đúng bộ quy tắc này, hình ảnh du khách Việt Nam ở trong nước cũng như quốc tế sẽ được nâng lên rất nhiều.

Việt Nam có những đặc thù về văn hóa, tín ngưỡng riêng, theo ông, chúng ta cần làm gì để sớm “xóa sổ” vấn nạn ăn mặc phản cảm khi vào khu du lịch tâm linh cũng như nâng cao văn hóa du lịch của du khách?

- Theo tôi, mỗi điểm đến tôn giáo cần có quy định về trang phục hoặc hình minh họa những trang phục bị cấm trong đền, chùa. Mặt khác, bảo vệ phải kiên quyết không cho những người ăn mặc không đúng quy định vào khu tâm linh. Chỉ khi nào người vi phạm không được vào lễ bái hay tham quan, họ mới để thay đổi và khuyên ngăn người khác. Cùng với đó, cần có chế tài xử phạt nghiêm minh, đủ sức răn đe đối với hành vi này. Báo giới trong nước nên tăng cường tuyên truyền ý nghĩa của việc lễ chùa. Theo quan niệm của đạo Phật thì ở nơi thờ tự linh thiêng, sự giản dị, tôn nghiêm luôn được đưa lên hàng đầu. Ăn mặc phản cảm là xúc phạm thánh thần, thậm chí còn bị thần linh phạt nặng. Đồng thời, chúng ta có thể nghiên cứu để đưa ra mẫu trang phục áo dài hoặc áo choàng với màu sắc phù hợp giống các phật tử Việt Nam thường sử dụng để các điểm đến mở dịch vụ cho thuê hoặc bán cho du khách vô tình vận trang phục chưa phù hợp có cơ hội khám phá không gian tâm linh.

Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc vấn đề này, quan trọng nhất vẫn là giáo dục ý thức để người dân và du khách tôn trọng phong tục tập quán, lễ nghi trong chùa, chốn linh thiêng. Đặc biệt, đối với một bộ phận giới trẻ không tôn trọng tập quán truyền thống, sống theo phong trào “thích thì làm”, cần phải có biện pháp ứng đối kết hợp tuyên truyền giáo dục để định hướng lại thẩm mĩ. Nếu đồng thời thực hiện được những giải pháp ấy, tôi tin Việt Nam sẽ tạo được “cú đấm thép”, “xóa sổ” hành vi ăn mặc hở hang, phản cảm ở chốn tâm linh. Đặc biệt là góp phần nâng cao hình ảnh du khách Việt cũng như môi trường của ngành công nghiệp không khói.

Xin cảm ơn ông!