70 năm giải phóng Thủ đô

“Xõa” nhưng phải an toàn

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giữa tuần qua, cùng với hơn 1 triệu thí sinh cả nước, hơn 102 ngàn thí sinh Hà Nội đã tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra từ ngày 28 - 29/6/2023.

Đây là một kỳ thi đầy áp lực đối với các cô cậu học sinh, đánh giá kết quả của 12 năm đèn sách, cũng là một trong những cột mốc quan trọng với các em trước cánh cửa vào đời.

Quan trọng như vậy, nên cũng dễ hiểu khi những ngày trước lúc diễn ra kỳ thi, các sĩ tử dồn hết sức cho việc học tập, thậm chí quên ăn, quên ngủ mong đạt kết quả tốt nhất cùng hy vọng lọt vào được cổng trường đại học mà mình hằng mong ước.

Và cũng như một lẽ tất nhiên, kỳ thi kết thúc đã khép lại chuỗi ngày căng thẳng với các em và cả các bậc phụ huynh kéo dài suốt cả năm lớp 12 vừa qua, đặc biệt trong tháng cuối cùng.

Cũng chính vì vậy, ngay khi rời khỏi phòng thi, nhiều em đã lên kế hoạch cùng bạn bè vui chơi cho bõ những ngày vất vả đèn sách. Đó là đi ăn quà, uống cà phê, buôn chuyện, đi phượt cùng bạn bè, đi du lịch cùng gia đình…

Với nhiều em, đơn giản chỉ là được ngủ nướng cho đã mắt, thỏa sức chơi games, đến thăm bạn bè… bù cho những ngày chạy qua 3 - 4 ca học thêm, thức đến 1 - 2 giờ sáng.

Những ngày nghỉ xả hơi là phần thưởng xứng đáng cho các em sau thời gian học hành vất vả. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội hiện nay, các hoạt động vui chơi sau một kỳ thi đầy áp lực cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ đối với sự an toàn của các em.

Chưa nói đến những nguy cơ như đuối nước, hay cạm bẫy của tệ nạn xã hội… Dễ thấy, dễ nhận biết nhất là tình trạng mất an toàn khi tham gia giao thông.

Mỗi em một hoàn cảnh, một điều kiện nên cũng có nhiều cách nghỉ xả hơi. Nhưng dù theo cách nào, thì với các em đều không thể thiếu sự chia sẻ của bạn bè đồng trang lứa.

Các cuộc hội họp, giao lưu giữa những nhóm bạn được tổ chức nhiều hơn, cũng có nghĩa thời gian các em tham gia giao thông tăng lên.

Cũng chính bởi vậy, trên các đường phố của Hà Nội không khó thấy hình ảnh các cô cậu học sinh đi xe đạp, xe máy điện, thậm chí là xe máy có dung tích trên 50cc đèo nhau, thậm chí kẹp 3, đầu không đội mũ bảo hiểm, vừa đi vừa trò truyện, cười đùa rôm rả trên đường.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, thời điểm nghỉ Hè, đặc biệt là thời điểm sau những kỳ thi, tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông ở lứa tuổi học sinh đều có xu hướng gia tăng, và như một hệ quả không tránh khỏi, số vụ tai nạn giao thông liên quan tới độ tuổi này cũng gia tăng.

Về tình trạng đáng lo ngại nói trên, bên cạnh những quy định của pháp luật về độ tuổi, điều kiện… học sinh được phép sử dụng xe gắn máy tham gia giao thông, các cơ quan chức năng, nhà trường cũng tăng cường các biện pháp nhắc nhở, giáo dục các em nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông, các bậc cha mẹ cam kết không cho con sử dụng xe máy trái quy định.

Để ngăn ngừa tình trạng học sinh vi phạm luật lệ giao thông, đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, nhà trường, và gia đình. Tuy nhiên, cần thấy rằng, với lứa tuổi học sinh nhân tố quan trọng nhất vẫn là sự giáo dục, nhắc nhở và thái độ nghiêm khắc của gia đình.

Chỉ có các bậc cha mẹ mới ngăn chặn từ gốc tình trạng trên bằng cách kiên quyết không cho con em mình sử dụng những phương tiện chưa được phép theo quy định.

Trở lại câu chuyện các cô cậu học sinh vừa tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT vào giữa tuần vừa qua. Hai ngày cuối tuần này là thời điểm các cô cậu thí sinh thoải mái gặp gỡ, vui chơi, làm những điều mình mong muốn hay nói như giới trẻ bây giờ là, được “xõa hết mình”.

Bởi vậy, cũng rất cần các bậc cha mẹ lưu ý nhắc nhở con em mình để những ngày nghỉ xả hơi của các em thật vui, bảo đảm tiêu chí: “Xõa” nhưng phải an toàn!