Xóa sổ lò gạch nung ở Quốc Oai: Việc khó nhưng phải làm

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lò gạch nung ngày ngày nhả khói, gây ô nhiễm môi trường là vấn đề nhức nhối đã tồn tại hàng chục năm tại huyện Quốc Oai. Nhưng với sự vào cuộc quyết liệt, đến nay huyện đã cơ bản hoàn thành việc xóa sổ toàn bộ lò gạch nung trên địa bàn.

Xã Phú Cát hỗ trợ 2 chủ lò gạch tháo dỡ công trình vi phạm. Ảnh: Nga Phương
Xã Phú Cát hỗ trợ 2 chủ lò gạch tháo dỡ công trình vi phạm. Ảnh: Nga Phương

Tuyên truyền, vận động đi trước

Theo Công văn số 8616/VPCP-CN, ngày 10/9/2018 của Văn phòng Chính phủ, về việc đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư xem xét, chấp thuận đầu tư các dự án cải tạo, chuyển đổi công nghệ tiên tiến đối với gạch đất sét nung đảm bảo; khuyến khích đầu tư xây dựng các loại vật liệu thay thế không dùng nguyên liệu đất sét.

Trước đó, ngày 23/7/2018, UBND TP đã ban hành Công văn số 3328/UBND-ĐT về việc triển khai kế hoạch rà soát, phân loại, đề xuất lộ trình chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công, cải tiến có hệ thống xử lý khói thải, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch (gọi chung là lò gạch nung) đang tồn tại trên địa bàn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan, đến đầu năm 2022, trên địa bàn huyện vẫn tồn tại 14 lò gạch nung. Quá thời hạn lộ trình của TP đã lâu, thời gian gia hạn cho các DN cũng đã hết, vì vậy việc xóa bỏ lò gạch là điều tất yếu để bảo vệ môi trường.

Phó Trưởng phòng Quản lý Đô thị huyện Quốc Oai Dương Văn Túc cho biết, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và UBND TP về việc chấm dứt hoạt động của các lò gạch nung đang tồn tại trên địa bàn, từ năm 2018 tới nay, UBND huyện Quốc Oai đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc UBND các xã, phòng chức năng kiểm tra, thống kê, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý. Đồng thời thông báo lộ trình xử lý các lò gạch nung không đủ điều kiện hoạt động. Bên cạnh đó, huyện đã thành lập các tổ công tác thường xuyên kiểm tra, xử lý các lò gạch vi phạm. Huyện đặt mục tiêu xóa sổ 100% lò gạch nung trên địa bàn trong năm 2022.

“Để hạn chế tối đa chi phí, thiệt hại cho chính quyền địa phương, cũng như DN, quan điểm của huyện Quốc Oai là tuyên truyền vận động để các chủ lò gạch tự giác tháo dỡ. Vì vậy, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Kết quả đáng mừng là toàn huyện đã hoàn thành tháo dỡ 12/14 công trình vi phạm, trong đó có 11 lò gạch chủ DN tự giác nộp đơn xin tháo dỡ” – ông Dương Văn Túc cho biết.

Tháng 3 vừa qua, người dân xã Phú Cát như trút được gánh nặng khi 2 lò gạch nung trên địa bàn chính thức dừng hoạt động. Theo Chủ tịch UBND xã Phú Cát Ngô Văn Tuyên, 2 lò gạch nung đã tồn tại nhiều năm, gây bức xúc trong Nhân dân do họ phải sống chung với khói, bụi và tiếng ồn của những xe tải cỡ lớn hàng đêm chở nguyên vật liệu.

Để xóa sổ lò gạch nung trên địa bàn, xã đã tổ chức nhiều buổi xuống trực tiếp truyên truyền, vận động yêu cầu các chủ lò gạch khẩn trương tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại mặt bằng. Sau nhiều lần tuyên truyền vận động, các chủ lò gạch trên địa bàn xã đã có đơn xin tự giác tháo dỡ. Tương tự, cuối tháng 3/2022, thị trấn Quốc Oai cũng hoàn thành xử lý dứt điểm 2 lò gạch nung.

Chia sẻ kinh nghiệm xử lý, Chủ tịch thị trấn Quốc Oai Nguyễn Đức Phương cho biết: "Thực hiện các kế hoạch của UBND huyện về việc chấm dứt hoạt động của lò gạch nung, UBND thị trấn Quốc Oai đã tiến hành rà soát, thống kê, đồng thời xây dựng kế hoạch giải tỏa các lò gạch nằm trong diện giải tỏa trên địa bàn. Để hoàn thành kế hoạch đề ra, UBND thị trấn Quốc Oai đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tổ chức 3 hội nghị tuyên truyền, vận động DN tự tháo dỡ công trình vi phạm. Đồng thời, gửi văn bản đến Chi nhánh Điện lực Quốc Oai đề nghị chấm dứt hợp đồng mua bán điện của 2 DN này.

Công an thị trấn xây dựng kế hoạch, tổ chức tuần tra, ngăn chặn các phương tiện chở vật liệu vào khu vực lò gạch. Trước sự sát sao về công tác vận động, tuyên truyền và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị địa phương, 2 công ty đều đồng tình nhất trí và có đơn đề nghị UBND thị trấn hỗ trợ máy móc, nhân lực để cùng gia đình tháo dỡ công trình cho kịp tiến độ theo kế hoạch".

Phá dỡ lò gạch nung trên địa bàn thị trấn Quốc Oai
Phá dỡ lò gạch nung trên địa bàn thị trấn Quốc Oai

Không nương tay với công trình vi phạm

Trong buổi làm việc với xã Ngọc Liệp về công tác cưỡng chế phá dỡ lò gạch vi phạm, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng cho biết, quan điểm của huyện là quyết tâm xóa sổ toàn bộ lò gạch nung trên địa bàn. Vì vậy, đối với những công trình vi phạm cố tình không hợp tác, huyện sẽ có giải pháp cưỡng chế.

Quyết tâm này cũng đã được cụ thể hóa trong tháng 6 vừa qua. Ngày 1/6/2022 UBND huyện đã ban hành Quyết định cưỡng chế, buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, phá dỡ toàn bộ công tình vi phạm trên diện tích 9,622m2 đối với công ty Công ty CP đầu tư và phát triển thương mại Thành Phú, tại thôn Thượng Khê, xã Cấn Hữu do ông Phạm Đức Quang làm Chủ tịch HĐQT.

Trước đó các địa phương đã tích cực tuyên truyền vận động chủ lò tự giác tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm nhưng không đảm bảo tiến độ theo quy định. Trong một ngày ra quân tiến hành biện pháp cưỡng chế buộc thực hiện khắc phục hậu quả vi phạm hành chính về đất đai, lực lượng chức năng đã thực hiện cơ bản công tác tháo dỡ các công trình vi phạm, toàn bộ con người và phương tiện đều an toàn.

Theo báo cáo của phòng Quản lý đô thị huyện Quốc Oai, hiện nay trên địa bàn huyện còn 2 lò gạch nung tại xã Ngọc Liệp và Cộng Hòa vẫn cố tình vi phạm. Tại xã Cộng Hòa, UBND xã đã xây dựng phương án cưỡng chế và tổ chức họp với Tổ công tác 1395. Tuy nhiên do hiện nay Thanh tra huyện đang giải quyết đơn thư nên phòng TN&MT chưa tham mưu UBND huyện ban hành quyết định cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả. Công ty Điện lực Quốc Oai đã phối hợp với UBND xã, Công an huyện xây dựng phương án để cắt điện 3 pha khi có quyết định cưỡng chế của UBND huyện.

Để đảm bảo tiến độ xử lý các lò gạch, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Quốc Oai Dương Văn Túc đề nghị Công an huyện chỉ đạo lực lượng tuần tra, kiểm soát ngăn chặn phương tiện vận chuyển vật liệu vào các lò gạch. Đề nghị UBND xã Ngọc Liệp khẩn trương xác minh, bổ sung tài liệu về quyền sử dụng đất, hợp đồng của các hộ dân và cung cấp hồ sơ tài liệu về Phòng Tài nguyên và Môi trường. Đề nghị phòng Nội vụ huyện tham mưu Văn bản phê bình Chủ tịch UBND xã chưa tích cực triển khai thực hiện các nội dung theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND huyện.

 

Sau khi tháo dỡ các lò gạch nung và trả lại mặt bằng nguyên trạng, huyện sẽ chuyển đấu thầu quyền sử dụng đất để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đây là khu đất xa khu dân cư nên có thể phát triển chăn nuôi, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, hoặc có thể kêu gọi DN phát triển thành du lịch sinh thái. Đối với lao động làm việc tại các lò gạch, huyện cũng xây dựng phương án đào tạo việc làm và hỗ trợ vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm

 

 

Việc xóa bỏ lò gạch sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới thu nhập của người dân địa phương, bởi đây là nơi tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động. Tuy nhiên, hoạt động của lò gạch suốt thời gian qua ít nhiều ảnh hưởng tới môi trường, cũng như đời sống, sản xuất của người dân. Việc “xóa sổ” lò gạch nung là việc cần làm, hơn nữa đây cũng là quy định của TP. Vì vậy địa phương và DN phải nghiêm chỉnh chấp hành.

Trưởng thôn Thượng Khê, xã Cấn Hữu Nguyễn Ngọc Thành

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần