Xóm vợ lính đảo

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Phía sau người chiến sĩ Trường Sa là gia đình, nơi có những người vợ đảm đang, thức khuya, dậy sớm, cáng đáng chu toàn việc hậu phương để chồng vững tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tình yêu với người lính

Khu tập thể vùng 4 Hải quân tại phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh, Khánh Hoà có khoảng 500 hộ thì tới gần 30% số phụ nữ có chồng đang công tác ở đảo. Có lẽ vì vậy mà người dân ở đây gọi là "xóm đảo Trường Sa".

Trong căn nhà nhỏ còn thơm mùi vôi vữa, chị Trần Thị Thắm (vợ Trung úy Chu Đình Dũng, chiến sĩ đảo Trường Sa lớn) đang lúi húi tráng nốt mẻ bánh cuốn cuối cùng. Dừng tay tráng bánh khi thấy có khách ghé thăm, chị cười bảo, gần hai năm nay, nhà vắng bóng đàn ông nên chỉ có mấy mẹ con thui thủi với nhau.

Chị Thắm kể: "Lấy chồng cũng đã 10 năm, nhưng thời gian được ở cùng chồng chỉ được vài tháng. Cũng may chồng đi xa nhưng có đơn vị và các chị cùng "vợ lính Trường Sa" thỉnh thoảng đến thăm hỏi, động viên. Mấy năm gần đây liên lạc giữa đảo với đất liền đã thuận tiện, anh ấy thường xuyên gọi điện thoại về nhà nên cũng đỡ buồn...".

Vợ chồng chị đều cùng quê Thanh Hóa, cưới nhau năm 2002, đến năm 2004 theo chồng vào Cam Ranh lập nghiệp. Không có việc làm ổn định, chị Thắm bươn chải đủ nghề nuôi hai con ăn học… Tằn tiện, chắt chiu kết hợp với lương của chồng, chị mới xây được ngôi nhà khá khang trang.

Cô giáo Vũ Thị Hồng Nhung (vợ  Thiếu tá Nguyễn Văn Giáp, Chính trị viên phó đảo Trường Sa lớn) kể: Cưới nhau năm 2000, chị theo anh về Cam Ranh sinh sống. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Ngoại ngữ nhưng ngày ấy ngành giáo dục huyện chưa có nhu cầu tuyển giáo viên ngoại ngữ nên để duy trì cuộc sống, chị phải đi bóc hạt điều, phơi cá thuê cho người dân quanh vùng. Đến năm 2006, chị được một số trường của huyện Cam Lâm nhận vào làm giáo viên bán thời gian, với mức lương 500.000 đồng/tháng. Để có tiền nuôi con ăn học, chị nhận dạy cho 4 trường, mỗi trường cách nhà 15 - 17km, tuy vất vả nhưng nhờ đó mà kinh tế gia đình đã cải thiện phần nào.

Xóm vợ lính đảo - Ảnh 1

Chị Nguyễn Thị Mỹ, một cư dân “xóm vợ linh đảo” ra thăm chồng là Trung úy Phạm Quốc Huy, trợ lý hậu cần đảo Sinh Tồn (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa).

Hạnh phúc khi là vợ lính đảo

Tiếp chuyện với chúng tôi, chị Nhung không giấu sự hãnh diện khi nói về chồng: "Anh sống tình cảm, yêu vợ, thương con lại rất siêng năng. Từ ngày ra Trường Sa công tác, anh thường gọi 2 - 3 cuộc điện thoại về mỗi ngày để biết mẹ con đi đến nơi, về đến chốn anh mới yên tâm. Tuy xa nhau nhưng vợ chồng lúc nào cũng tràn ngập hạnh phúc, lúc nào cũng thấy nhớ, thấy thương".

Giống anh Giáp, ngày nào anh Dũng cũng gọi điện về hỏi thăm tình hình cả nhà. Có lẽ vì vậy mà những người lính tuy xa nhà nhưng với những người vợ, họ vẫn luôn hiệu hữu trong gia đình.

Thoáng chút ưu tư, chị Phan Thị Tú Vinh, Thư ký Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, vợ Trung úy Nguyễn Trọng Trường tâm sự: "Có chồng là bộ đội Trường Sa tuy vất vả nhưng rất vinh dự. Tôi chỉ mong anh giữ gìn sức khỏe để công tác tốt, ở nhà nếu có việc gì đã có chị em hàng xóm, Bộ Tư lệnh Hải quân vùng IV giúp đỡ ". 

Người lính thời nào cũng vậy, luôn hy sinh hạnh phúc của mình để đổi lấy sự bình yên cho nhân dân và sự vẹn toàn của Tổ quốc. Vì vậy, không riêng gì những người vợ lính đảo ở khu quân nhân này mà tất cả những người vợ có chồng đang làm nhiệm vụ canh giữ bầu trời biển đảo quê hương đều có chung một niềm tự hào về người chồng vì Tổ quốc, vì Trường Sa thân yêu, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.