KTĐT - “Anh nớ thấy mẹ nằm đó, tưởng mẹ ngủ nên bò tới lật áo mẹ đòi bú, 3 đưa nhỏ đều tưởng mẹ đang ngủ, đứa lớn biết mẹ đã chết rồi thì đau đớn, nằm ốm liệt giường luôn từ đó tới nay…”.
"Chỉ còn mình tôi và các con"
Mùa lũ này, ai đi qua Hà Tĩnh cũng phải than ròng một câu ca rất đối thân thương
Mùa lũ này, ai đi qua Hà Tĩnh cũng phải than ròng một câu ca rất đối thân thương
“Trời mô xanh bằng trời Can Lộc
Chứ nước mô xanh bằng nước sông La…
Chứ nước mô xanh bằng nước sông La…
Dòng nước sông La trong mùa lũ đục ngầu, tràn qua làng quê, cướp đi sinh mạng của nhiều người, làm con trẻ mồ côi, gia đình ly tán. Xóm Bàn Long (xã Quang Lộc) của huyện Can Lộc cả tuần nay không nguôi tiếc thương chị Phạm Thị Huyền (32 tuổi) vì thương chồng mà gặp phải cái chết thương tâm.
Anh Thắng, con trai và "đồ chơi" của con làm bằng hộp đựng những chiếc đinh cũ̉ xóc nghe vui tai... |
Quý đang ăn bánh ngọt, món quà phóng viên mang đến. |
Dọc đường công tác miền Trung, tôi ghé vào thăm anh Nguyễn Duy Thắng (chồng chị Huyền) khi nghe lời người dân kể về hoàn cảnh đau thương đến xé lòng của anh. Căn nhà tuềnh toàng cách trung tâm thị trấn Can Lộc khoảng 5km. Hỏi thăm về trường hợp của vợ anh, người dân nơi đây ai cũng biết: “chú ni và vợ sống hiền hòa lắm, vậy mà trời làm tội làm tình chi rứa gặp phải cảnh tang thương”.
Trong căn nhà trống trơn, chỉ có độc một bộ bàn ghế với cơi trầu tiếp khách đến viếng đám ma. Trên tường treo di ảnh của chị Huyền. Người nhà nói, chị không có tấm ảnh chân dung nào, khi chị mất, lục tìm mãi mới thấy một tấm ảnh nhỏ hiếm hoi được chụp trong lần chị đi làm tại TP Hồ Chí Minh làm việc. Nước ảnh mờ cũ dường như càng trở nên huyền ảo bởi ảnh lửa cây đèn dầu để ngay cạnh.
Người nhà kể lại, khoảng 8h ngày 17/10, chị Huyền cặm cụi nấu cháo cho con ăn, anh Thắng mới đi viện về vì bạo bệnh lại lên cơn đau đầu. Ngoài trời mưa như rút nước, ruộng ngay cạnh nhà mà giờ đã thành biển nước mênh mông. Chồng can “nước ni thì đừng có đi”, chị Huyền xót “anh đau, em mô chịu được” và cùng người em trai tên Lực chèo thuyền đi, thuyền lật úp… hàng xóm chỉ cứu được một người…
Cả tuần nay, hàng xóm vẫn đến viếng ma, vẫn dúi vào tay anh một chút tiền giúp đỡ anh qua cơn hoạn nạn. Con út của anh là cháu Quý mới 18 tháng tuổi, cứ khóc đòi mẹ bế, không chịu uống sữa, cứ bám riết lấy cổ ba. Chị Hoài Sương (hàng xóm) bảo: “hôm đó đưa xác mẹ về khâm liệm, anh nớ (cháu Quý) thấy mẹ nằm đó nên bò tới lật áo mẹ đòi bú… hàng xóm ai cũng chảy nước mắt xót xa”.
Di ảnh của chị Huyền phía sau ngọn đèn leo lắt. |
Nheo nhóc gia đình khi mẹ bỏ thế gian
Anh Thắng và chị Huyền lấy nhau năm 1999, gia đình có 2 sào ruộng để cày cấy, cuộc sống cứ tạm bợ qua ngày, nhưng yên ấm. Cách đây 3 năm, muốn có thêm chút tiền về cho vợ cho con, anh đi xẻ gỗ thuê bên Tà Khẹt (Lào), tiền chưa thấy đâu, nhưng gỗ văng đập trúng mắt anh. Vậy là khi về nhà, anh chỉ được ngắm nhìn vợ con bằng con mắt bên trái.
Có với nhau 3 đứa con, rồi thì chị Huyền mang thai cháu thứ 4, mang bầu 4 tháng chị bị điện giật, anh cứu được chị. Nhưng rồi khi cháu Quý ra đời, cháu liên tục bị lên cơn động kinh ngày vài bận, bố anh Thắng bảo có khi đó là di chứng để lại vì vợ anh bị điện giật trong lúc mang thai.
Hai chị em Linh và Phú bên bát cơm được bà cô nấu cho. |
Người đàn ông hiền lành luôn đáp lời bằng gọi dạ, xưng em, mang con đi khắp nơi chữa trị nhưng bệnh con không giảm, thương con không chịu được anh lên cơn thần kinh rồi nằm bệnh viện Can Lộc. Gần 20 ngày sau đó nhờ vay mượn tiền người thân, hàng xóm anh Thắng được chuyển ra bệnh viện tỉnh Hà Tĩnh thở bằng máy và mới về nhà được một tháng thì chị mất. Nước mắt chảy tràn khóe mắt, người đàn ông này buông giọng: “không tại em bệnh, vợ không đi lấy thuốc thì đã không bỏ em mà đi”.
Đức nằm ốm không dậy kể từ ngày mẹ mất |
Cháu Đức con anh Thắng, chị Huyền năm nay học lớp 5, biết mẹ mãi mãi không bao giờ trở về nữa, Đức nằm bẹp trên giường từ khi mẹ mất. Hỏi thăm em, em chỉ ngước mắt nhìn, đôi mắt trong veo.
Trước khi mất, chị Huyền bán mái tóc dài được 1 triệu đồng để mua cho con chiếc xe đạp, Đức vẫn đèo em Linh (8 tuổi) và em Phú (5 tuổi) trên chiếc xe này đi học đi chơi. Tôi hỏi em: “Đức cố gắng dậy ăn uống cho khỏe, còn chăm sóc em, đưa các em đi chơi”, đôi mắt cậu bé trong veo giờ đã đỏ hoe.
Bên ngoài phòng, em Quý ôm cổ bố, tay cầm một chiếc hộp đựng đinh xóc làm đồ chơi vẫn đang gào ghét, bố bế Quý đi bú nhờ hàng xóm nhưng Quý không chịu. Bây giờ mỗi ngày em chỉ chịu ăn vài thìa cháo, người gầy xác xơ.
Trong nhà anh Thắng bây giờ, còn con lợn mạ (lợn mẹ) được người chị gái cho vay nuôi, lợn mạ vừa đẻ được 11 con, giờ chết 2 còn 9. Hàng xóm anh Thắng thương: “thằng nớ nấu cơm được, nhưng minh mẫn làm ăn thì mô có, mấy hôm nay người cô ruột (sống 1 mình) của nớ còn sang nấu cơm cho, thằng út cứ ốm khóc thì nớ không làm gì được”.
Trong nhà anh Thắng vậy là chỉ còn đàn lợn mạ con, một chiếc xe đạp vợ để lại, một chiếc xe cũ mà bố anh vừa cho có giá 110.000 đồng, còn tương lai của người đàn ông này chưa biết sẽ ra sao.
3 đứa con đang độ tuổi đi học là em Đức (lớp 5), em Linh (lớp 2), em Phú (mầm non) một năm mất bao nhiêu tiền anh Thắng không biết, mọi lần toàn chị Huyền lo toan. Mái tóc dài của chị cũng đã cắt được hai lần cho những người mua tóc dạo từ Nam Định tới để mua xe đạp, lo học phí cho con. Ngày đưa chị Huyền ra đồng, hơn 50 người đưa tiễn phải đưa chị đi bằng thuyền, gần 2km, nước ngập lút đầu người…
Trời Can Lộc vẫn trong và xanh vắt.