Đa dạng trên nền tảng số
Trong những năm gần đây, các cơ quan báo chí của Việt Nam đã có nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt nhằm thích nghi với xu hướng chung của báo chí thế giới cũng như nắm bắt được cơ hội mà cuộc cách mạng 4.0 mang lại. Trong đó xu thế truyền thông đa chiều, đa hình thái, đa tiếp cận và đa nền tảng đã lên ngôi.
Thay vì chỉ giao tiếp với độc giả thông qua phiên bản online như trước đây, hầu hết các tờ báo điện tử đều có kênh Facebook, YouTube hay thậm chí là TikTok, Zalo, Twitter… nhằm phục vụ những độc giả riêng biệt hoặc tiếp cận với người dùng mới. Việc làm chủ các nền tảng số này không chỉ giúp tờ báo có thêm độc giả, gia tăng sự hiện diện của thương hiệu mà đây cũng sẽ là nơi hứa hẹn tạo ra nguồn thu mới thông qua các hoạt động quảng cáo.
Không chỉ đơn thuần là đưa các tác phẩm báo chí lên nền tảng mạng xã hội, ứng dụng, một số cơ quan báo chí lớn còn có cả chiến lược dành riêng nhằm phát triển nội dung số. Đồng thời coi đây là hướng đi chủ đạo khi tập trung phát triển có trọng điểm, có đầu tư cùng đội ngũ nhân sự hiệu quả.
Một trong những mô hình phát triển đa nền tảng tiêu biểu hiện nay có thể kể đến Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số (VTV Digital), đơn vị tiên phong trong lĩnh vực sản xuất và phát triển nội dung số và định hướng chiến lược chuyển đổi số cho Đài Truyền hình Việt Nam (VTV).
Với khẩu hiệu “Khán giả ở đâu, VTV Digital ở đó”, cơ quan báo chí này đang sở hữu một hệ thống các kênh mạng xã hội phong phú và hoạt động hiệu quả thuộc dạng Top đầu làng báo hiện nay, có lượng lớn độc giả quan tâm theo dõi. Fanpage của VTV24 trên Facebook đang có hơn 6 triệu lượt theo dõi, kênh YouTube VTV24 có hơn 5 triệu lượt khán giả trung thành, kênh TikTok VTV24 có hơn 5 triệu người xem thường xuyên… Số lượng độc giả này đã đem về cho VTV Digital khoảng hơn 200 triệu lượt view/tháng, con số kỷ lục đối với các cơ quan báo chí.
Không chỉ đăng tải lại những nội dung đã chiếu trên các kênh của VTV, VTV Digital còn có những kênh chuyên biệt chỉ xuất bản các nội dung dành cho mạng xã hội, không phát sóng trên truyền hình như Money Weekly, kênh Podcast Ơi nghe nè, Zlife, MoneyTalk Là sao ta, Mutex by VTV24, Khớp lệnh, Landshow… Chính bước đi này đã tạo cho VTV Digital một lượng đáng kể độc giả trung thành qua môi trường số.
Hay như Báo Nhân Dân, mặc dù bắt nhịp khá muộn với các xu hướng truyền thông đa nền tảng nhưng lại có những bước tiến thần tốc. Có thể kể đến ấn phẩm số nổi bật của tờ báo này là Radio Nhân Dân, dù mới ra đời vào cuối tháng 8/2021 nhưng tới hiện tại, đây đang là kênh radio hàng đầu trong số các cơ quan báo chí có loại hình phát hành này với hàng chục nghìn lượt nghe mỗi ngày. Hình thức nghe trực tuyến này không chỉ thu hút được thính giả Việt Nam mà còn phục vụ lượng người Việt đáng kể tại nhiều nước trên thế giới như Đức, Mỹ, Nhật…
Bên cạnh đó, Báo Nhân Dân còn có hợp tác với nhà mạng MobiFone nhằm phát nội dung Podcast tới khu vực vùng sâu, vùng xa. Theo đó, mỗi ngày, phần tin tức, đọc truyện được phát 2 lần trên khoảng 10.000 loa ở khắp các vùng sâu, vùng xa và được bà con đồng bào đón nhận tích cực. Đây cũng là một trong những cách tiếp cận độc giả rất độc đáo mà chưa tờ báo nào thực hiện.
Theo Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh, mục tiêu chung của báo chí là luôn hướng tới làm thế nào để phục vụ tốt nhất cho độc giả. Do đó, khi độc giả đang ngày càng có xu hướng “di cư” lên các nền tảng số thì báo chí bắt buộc phải “di cư” theo. Do đó, việc sản xuất báo chí đa nền tảng không chỉ là nhu cầu mà đó còn là hướng đi đương nhiên.
Trong lịch sử phát triển của báo chí, các mô hình cũ đều sẽ dần bị thay thế như báo in, thậm chí là truyền hình đang không có đủ sức hút với nhiều thành phần độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ, những người hiểu biết công nghệ nhiều hơn. “Vì thế, báo chí cần phải thay đổi, liên tục tạo ra những nội dung trên các nền tảng số mà người xem cần. Nếu cứ đứng yên với nền tảng truyền thống thì tờ báo đó sẽ tự đánh mất độc giả, kéo theo là mất nguồn thu và dần tiến tới không còn tồn tại” - ông Lê Quốc Minh chia sẻ.
Chặng đường dài
Có thể nhận thấy, đa nền tảng không còn là khái niệm mơ hồ đối với các cơ quan báo chí mà đây là hướng đi bắt buộc để tồn tại và tiếp tục phát triển. Chỉ với một nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp, đa phương tiện, đa nền tảng mới có thể cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, cá nhân hóa với từng nhóm độc giả, phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tạo niềm tin và đồng thuận xã hội. Đây cũng là một trong những mục tiêu cốt lõi được đặt ra với các cơ quan báo chí tại Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được ban hành mới đây.
Theo đó, Chiến lược đặt ra yêu cầu phải xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại nhằm làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước. Đồng thời, bảo đảm vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả. Tạo nguồn thu mới cũng như thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.
Tới năm 2025, Chiến lược đặt ra mục tiêu 70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số và con số này sẽ là 100% vào năm 2030. Tỷ lệ cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động cần đạt 50% vào năm 2025 và đến năm 2030 là 90%. Từ đó, các cơ quan báo chí sẽ tối ưu hóa được nguồn thu, trong đó 30% cơ quan tăng doanh thu tối thiểu 20% vào năm 2025 và 50% vào năm 2030.
Mục tiêu là vậy nhưng để hoàn thành thì con đường còn rất dài đối với phần lớn cơ quan báo chí. Trên thực tế, số lượng các đơn vị thực sự bắt nhịp và phát huy hiệu quả với báo chí đa nền tảng là rất ít ỏi. Phần lớn các tờ báo sử dụng mạng xã hội như những nền tảng miễn phí và thuần túy là đăng lại những ấn phẩm của mình. Không hề có nhân sự chuyên trách, từ đó dẫn tới hiệu quả lan tỏa thương hiệu cũng như thu hút độc giả thông qua những nền tảng mới gần như bằng 0.
Không những vậy, phần lớn các cơ quan báo chí vẫn chưa coi thu nhập qua các nền tảng số là nguồn thu mới. Bởi chỉ có khoảng 5% cơ quan báo chí được khảo sát có ký hợp đồng quảng cáo, hoặc cung cấp các dịch vụ truyền thông bằng chính các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok… Số cơ quan báo chí có kênh YouTube đã “bật nút kiếm tiền” để được chia sẻ lợi nhuận từ quảng cáo của Google cũng dừng lại ở con số 12%.
Được biết, để gặt hái được những thành công trên các nền tảng số như ở thời điểm hiện tại, VTV Digital đã phải nghiêm túc ngay từ khâu nhân sự dành cho loại hình này. Đó là có riêng một phòng ban phụ trách việc quản trị, sản xuất và phân phối nội dung trên các kênh mạng xã hội. Số lượng nhân sự không dưới 10 người và được chia theo mảng cũng như nền tảng để bảo đảm tính chuyên môn hóa và phù hợp với những nền tảng này.
Nói về việc xây dựng báo chí đa nền tảng, Phó Giám đốc VTV Digital Phạm Anh Chiến cho rằng, với VTV, việc phân phối nội dung trên đa nền tảng đang là nhiệm vụ trọng yếu. Nhờ hướng đi này, VTV đã đưa nội dung của mình tiếp cận với nhiều độc giả hơn, cả ở trong nước lẫn nước ngoài. Ứng dụng đa nền tảng sẽ giúp người dùng có nhiều lựa chọn hơn để tiếp cận với nội dung của VTV, đặc biệt là những người trẻ có thói quen thích xem mọi thứ qua thiết bị di động.
“Việc tạo ra một hệ sinh thái nội dung truyền hình trên đa nền tảng cũng hỗ trợ rất tốt nguồn thu chính của VTV là quảng cáo trên truyền hình. Mặc dù nguồn thu này đang có chiều hướng giảm nhưng việc hoạt động đa nền tảng cũng là phương án cần thiết của VTV nhằm sẵn sàng với việc khán giả dịch chuyển mạnh sang môi trường số” - ông Phạm Anh Chiến chia sẻ.
Theo một khảo sát mới đây của Học viện Báo chí và Tuyên truyền với 140 cơ quan báo chí thì 100% cho biết đã khai thác nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới của bên thứ ba như Facebook, YouTube, Instagram, TikTok… Nhưng chỉ có 18% trong số này là có nhân sự chuyên trách về việc triển nội dung báo chí lên các nền tảng mạng xã hội. Hầu hết các cơ quan báo chí còn lại là sử dụng nhân sự kiêm nhiệm, cá biệt có cơ quan giao hẳn cho các đơn vị đối tác là các công ty truyền thông.