Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xu hướng chọn ngành năm 2019: Thí sinh năng động và thực tiễn hơn

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngành/chương trình mới mở, nhiều cơ hội việc làm khi ra trường hay ngành mang tính liên ngành cao được các em học sinh lớp 12 quan tâm nhiều tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp năm 2019 được tổ chức tại Hà Nội ngày 17/3.

Năm nay thí sinh chọn ngành nghề mang tính thực tiễn hơn. Ảnh: Thủy Trúc
Chọn ngành không còn theo hiệu ứng đám đông
Từ 6 giờ 30 phút sáng, Vũ Hải Sơn - học sinh lớp 12A6 Trường THPT Mỹ Đức A và nhóm bạn trong lớp đã bắt xe buýt đi đến trường Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội để tham dự Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp năm 2019 do báo Tuổi trẻ, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp cùng Sở GD&ĐT Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức. “Em dự kiến đăng ký xét tuyển vào 2 ngành của 3 trường ĐH, đó là ngành Logictics của ĐH Kinh tế Quốc dân và ĐH Thương mại và ngành Kỹ thuật Ô tô của ĐH Công nghiệp Hà Nội. Đây là những ngành em thích và khi tìm hiểu thấy có khả năng cao về cơ hội việc làm” - Hải Sơn cho hay. Phạm Thị Phương - cô bạn cùng trường với Hải Sơn chia sẻ việc thích ngành Kinh tế quốc tế của ĐH Thương mại. Những ngành mới mở cũng được Phương và các bạn quan tâm nhưng sẽ phải tìm hiểu kỹ rồi sẽ đăng ký.

Tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp năm 2019, các chuyên gia làm công tác tuyển sinh nhận định, thí sinh ngày càng thực tiễn, thẳng thắn. “Các câu hỏi của thí sinh chủ yếu xoay quanh về chọn ngành, nghề. Bức tranh về mã ngành tuyển sinh của các trường rất phong phú khiến cho các em không rõ mình chọn cái gì cho phù hợp. Vì thế, công tác tuyển sinh - hướng nghiệp cần phải tăng cường, đầu tư một cách bài bản hơn” - PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo trường ĐH Kinh tế Quốc dân nhận định.

Thí sinh ưu ái ngành, chương trình 4.0

Tại ngày hội nói trên, bên cạnh những ngành truyền thống, các ngành/chương trình mới mở gắn liền với kỷ nguyên số cũng được rất nhiều thí sinh quan tâm. Chẳng hạn, ngành Kinh doanh số, Công nghệ tài chính, Phân tích kinh doanh, Khoa học dự liệu của ĐH Kinh tế Quốc dân; ngành Nhật Bản học, 3 chương trình (Báo chí, Khoa học Quản lý, Quản lý thông tin) của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn; ngành Kỹ thuật Ô tô của trường ĐH Thủy lợi… được thí sinh đặt nhiều câu hỏi về vị trí việc làm, cơ hội nghề nghiệp, triển vọng lương và sự thăng tiến bản thân. Trả lời câu hỏi của một thí sinh về tính liên thông giữa các chương trình mới mở để tạo nhiều cơ hội việc làm, ông Đức Triệu cho hay: Các chương trình mới có tính liên thông quốc tế học bằng tiếng Anh, chương trình cơ bản nhập khẩu và có sự điều chỉnh phù hợp với Việt Nam và có tính liên ngành cao.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, năm nay thí sinh và phụ huynh ít đặt câu hỏi về quy chế thi và tuyển sinh bởi sự ổn định và quy định rõ ràng. Tuy nhiên, với những sự vụ tiêu cực thi cử tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hòa Bình, Hà Giang, Lạng Sơn khiến không ít phụ huynh và thí sinh băn khoăn về tính công bằng. PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho hay: Năm nay, Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa sớm là căn cứ để các trường và học sinh tham khảo, bám sát vào đó để học tập. Bộ GD&ĐT cam kết tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc bằng những giải pháp kỹ thuật để các em yên tâm nỗ lực cố gắng, kết quả làm bài của mình sẽ được chấm một cách khách quan. Việc chấm các bài thi trắc nghiệm sẽ giao cho các trường ĐH chủ trì và phần mềm chấm thi trắc nghiệm đã hoàn thiện một bước rất căn bản để bảo đảm gian lận khó có thể xảy ra. Công tác tổ chức chấm bài thi Ngữ văn vẫn ổn định như các năm, do sở GD&ĐT chủ trì trong đó yêu cầu cao hơn. Ngoài việc chấm hai vòng độc lập, Bộ GD&ĐT yêu cầu chấm ít nhất 5% các bài dự thi Ngữ văn, theo nguyên tắc ngẫu nhiên. Những bài Ngữ văn được điểm cao sẽ được lựa chọn để chấm kiểm tra ngay trong quá trình chấm thi, để đảm bảo những sai sót, gian lận có thể điều chỉnh ngay.
Bên cạnh những câu hỏi về chuyên môn như học gì thì thí sinh quan tâm một cách chính đáng về cơ hội nghề nghiệp. Thậm chí, có những thí sinh hỏi những điều rất cụ thể như thực tập và thực tế ở đâu, môi trường nước ngoài, cơ hội đi du học, mức lương, tỷ lệ thành công trong việc làm sau khi ra trường 6 - 12 tháng. Đây là tín hiệu tốt về thế hệ học sinh năng động, thực tiễn hóa. 

PGS.TS Hoàng Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội