Xu hướng hội tụ công nghệ thông tin - viễn thông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một chiếc smartphone không chỉ để nghe gọi mà còn được tích hợp tính năng xem ti vi, thiết bị định vị…; chiếc tivi internet cũng đồng thời là thiết bị máy tính, đàm thoại…

Đó là xu hướng hội tụ viễn thông và công nghệ thông tin (CNTT) giúp tạo ra vô vàn tiện ích cho cuộc sống con người đang được các DN Việt nhanh chóng nắm bắt.

Xu hướng hội tụ công nghệ thông tin - viễn thông

Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Đưa ứng dụng CNTT – Viễn thông vào đời sống” do CLB Nhà báo CNTT Việt Nam tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đã đưa ra dự báo, trong khoảng 5 năm tới sẽ diễn ra xu hướng hội tụ tất cả các dịch vụ trên cùng một nền tảng. Hiện nay, một chiếc smartphone đã có thể tích hợp tính năng xem ti vi, thiết bị định vị, máy tính… Ngay cả ứng dụng như bán vé tàu online đang được FPT triển khai cho ngành đường sắt cũng hội tụ cả viễn thông, CNTT và bưu chính khi sử dụng kênh thanh toán qua các bưu cục. Hoặc giải pháp về SmartHome của Bkav không đơn thuần là các phần mềm ứng dụng CNTT, mà có sự tích hợp cả công nghệ cơ khí, đường truyền internet, điện thoại di động, các thiết bị điện tử khác… tạo ra tiện ích cho người dùng.

 
Một chiếc smartphone thường được tích hợp nhiều tính năng.
Một chiếc smartphone thường được tích hợp nhiều tính năng.
Cũng theo ông Thắng, thời gian tới, xu hướng tích hợp 3 trong 1, 4 trong 1, thậm chí 5 trong 1… chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh và sâu rộng hơn trong nhiều lĩnh vực. Do đó, các DN kinh doanh cần phải tính đến yếu tố này để nắm bắt nhu cầu của thị trường, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ phù hợp. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng cần lưu ý xu hướng này để khi soạn thảo và ban hành một văn bản quy phạm pháp luật không chỉ giải quyết một lĩnh vực đơn lẻ.

Doanh nghiệp hào hứng nắm bắt

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) hiện có 18.000 nhân sự trong cả nước…, bình quân mỗi năm, việc sử dụng giấy tờ, trao đổi chuyển giao giấy tờ tiêu tốn khoảng 120 tỷ đồng. Nhưng khi triển khai hệ thống văn phòng điện tử, sử dụng giải pháp Office One của Viettel, ít nhất mỗi năm, BIDV giảm được khoảng 20% chi phí này, tương đương 24 tỷ đồng. Ông Đặng Mạnh Phổ - Giám đốc Trung tâm CNTT của BIDV cho biết, dự án hệ thống văn phòng điện tử của BIDV dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối tháng 1/2015 và hiện tại đang triển khai ở khâu cuối cùng, tuy nhiên, theo thống kê của Văn phòng BIDV, hệ thống đã giúp tiết kiệm được khoảng 10 - 15% chi phí sử dụng giấy tờ, trao đổi chuyển giao giấy tờ, tương đương 10 tỷ đồng.

Một ví dụ khác là hệ thống bán vé tàu điện tử của ngành đường sắt vừa triển khai cuối năm 2014. Ông Phạm Minh Tuấn - Tổng Giám đốc FPT IS, đơn vị cung cấp dịch vụ bán vé điện tử cho Đường sắt Việt Nam cho biết, về mặt công nghệ, hệ thống này không khác biệt so với bán vé máy bay trực tuyến. Ngành đường sắt vốn được coi là “lô cốt”, đơn vị trì trệ nhất trong ngành giao thông về nhận thức ứng dụng công nghệ. Trước đây, ngành đường sắt có nhiều kho vé và cách bán vé, cơ chế xin - cho, dịp lễ Tết, tình trạng “sốt” vé ảo diễn ra phổ biến, nay triển khai hệ thống bán vé điện tử thì chỉ còn một kho vé duy nhất. Người dân lên mạng đặt vé mà không phải lo đứng xếp hàng ở nhà ga, phải mua qua “cò” vé... Sự đổi mới tư duy, cởi mở đối với ứng dụng công nghệ của DN đường sắt đã giúp người dân được hưởng lợi.

Chị Lê Thu Thủy (Bắc Linh Đàm, Hà Nội) cho biết: “Chỉ cần truy cập vào địa chỉ: www.dsvn.vn, mất vài phút nhấp chuột, chọn thời gian, địa điểm và phương thức thanh toán, tôi đã đặt được vé tàu về Vinh cho cả gia đình vào dịp Tết này. Thuận tiện và tiết kiệm thời gian hơn trước rất nhiều!”. Được biết, chỉ trong vòng một tháng kể từ khi hoạt động đến nay, hệ thống bán vé tàu điện tử đã giúp bán 250.000 vé tàu Tết đến tay người dân.

Câu chuyện ở BIDV, Đường sắt Việt Nam... là những ví dụ cụ thể cho thấy các DN Việt Nam đã và đang “thức thời” trong việc đưa các ứng dụng tích hợp công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng lưu ý, đi cùng với việc thúc đẩy các ứng dụng hội tụ CNTT - viễn thông là những thách thức mới về an toàn bảo mật. Do đó, các DN phát triển ứng dụng, DN viễn thông phát triển đường truyền… ngoài việc cung cấp dịch vụ tiện ích cần phải tính đến các giải pháp về an toàn an ninh thông tin cho người dùng. Khi tất cả thông tin, dữ liệu được “số hóa”, điện tử hóa thì dù chỉ xuất hiện một lỗ hổng nhỏ bị tin tặc khai thác thì toàn bộ hệ thống có thể bị đánh sập hoàn toàn. Bài học này đã được chỉ rõ qua vụ tấn công hệ thống  VC Corp hồi trung tuần tháng 10/2014.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần