Tại Hội thảo khoa học “Vật liệu an toàn, thân thiện với môi trường” diễn ra sáng nay (2/7), do Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Nội và Hội KHKT An toàn vệ sinh lao động Việt Nam cùng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển Cộng đồng tổ chức, các chuyên gia cho rằng, nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó các nguồn VLXD tự nhiên đang dần cạn kiệt. Nhất là, việc khai thác quá mức cộng với nhu cầu của con người ngày càng tăng cao dẫn đến sự phát triển tất yếu cho nguồn vật liệu thay thế.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Nội khẳng định, việc sử dụng VLXD không an toàn, không thân thiện với môi trường trong lĩnh vực xây dựng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, Hội thảo sẽ giúp đánh giá VLXD an toàn thân thiện với môi trường là những vật liệu gì? Tầm quan trọng và xu hướng sử dụng vật liệu đó ứng dụng vào ngành công nghiệp xây dựng như thế nào?
Thực tế hiện nay, công trình xanh được xem là cuộc cách mạng trong lĩnh vực xây dựng, cuộc cách mạng này làm thay đổi môi trường xây dựng bằng cách tạo ra hiệu quả năng lượng, sức khỏe, phát triển các công trình hữu ích để giảm thiểu tác động của công trình lên đô thị và môi trường sống.
Công trình xanh nhằm nói đến những công trình đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng và vật liệu, giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường, đồng thời được thiết kế để có thể hạn chế tối đa những tác động không tốt của môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường tự nhiên.
PGS.TS Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Nội phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Hà Ánh) |
Theo GS.TS Lê Vân Trình - Chủ tịch Hội KHKT An toàn vệ sinh lao động Việt Nam, điểm cốt lõi để kiến tạo lên một công trình "xanh" là công trình sử dụng, vật liệu bền vững thân thiện với môi trường và không ảnh hưởng đến sức khoẻ. Đó là những vật liệu không độc hại, có thể tái chế sau khi sử dụng, vòng đời sử dụng lâu dài, tiết kiệm tài nguyên, không ảnh hưởng đến môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường trong suốt quá trình chế tạo, xây dựng và sử dụng, trong khi vẫn tạo nên sự thoải mái và tiện nghi nhất định cho người sử dụng.
Nhu cầu bảo vệ môi trường đang là ưu tiên hàng đầu của xã hội, do đó các thiết kế, kiến trúc cũng phát triển theo hướng bền vững. Thực tế hiện nay, rất nhiều các tổ chức, doanh nghiệp đã ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất vật liệu xanh, sạch, tái chế, vật liệu thay thế có nhiều ưu việt hơn các sản phẩm truyền thống.
Tại hội thảo, rất nhiều vật liệu xây dựng xanh được giới thiệu và đưa ra thảo luận nhằm giúp cho các đại biểu tham dự hội thảo có thể tham khảo và tìm hiểu như: tấm bê tông gia cường sợi không Amiang trong vật liệu xây dựng, tấm tường không sử dụng Amiang hay tấm vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường sử dụng sợi PVA và không sử dụng Amiang...
Theo đánh giá của các chuyên gia, các sản phẩm xanh có chi phí lắp đặt, giá thành ban đầu có thể hơi cao hơn các vật liệu truyền thống. Tuy nhiên, cần xem xét về lâu dài, những sản phẩm công nghệ mới sẽ tiết kiệm năng lượng nhiều hơn, tối ưu hơn, có vòng đời sử dụng dài hơn, từ đó tiết kiệm tiền cho người sử dụng, chủ đầu tư… Với những tiềm năng như vậy, chỉ cần tối ưu hóa, khắc phục những điểm yếu thì vật liệu xây dựng xanh sẽ dần chiếm lĩnh thị trường và trở thành lựa chọn hàng đầu.