Mang lại những giải pháp mới
Tại Việt Nam, tốc độ đô thị hóa nhanh đã đặt ra không ít vấn đề cấp bách như: làm thế nào để quy hoạch hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng dân số và bảo vệ môi trường; làm sao để ứng dụng công nghệ hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa và giá trị lịch sử; và quan trọng hơn là làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn giữa tăng trưởng và phát triển bền vững.
Theo TS.KTS Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội: “Đối với kiến trúc và quy hoạch - lĩnh vực có vai trò quan trọng trong việc định hình không gian sống, quản lý tài nguyên đô thị và phát triển bền vững, AI đã mang lại những bước tiến vượt bậc, thay đổi toàn diện diện mạo quy hoạch, kiến trúc. AI mang lại những giải pháp mới từ mô phỏng dữ liệu lớn để dự đoán xu hướng quy hoạch đến tự động hóa trong thiết kế kiến trúc, và hỗ trợ xây dựng các thành phố thông minh, nơi mà chất lượng sống của con người được đặt lên hàng đầu”.
KTS Phạm Hoàng Phương - Viện Kiến trúc quốc gia cũng cho rằng, AI có thể được triển khai ở toàn bộ các bước thiết kế kiến trúc để tự động hóa quy trình, nâng cao hiệu quả và nhanh chóng tạo ra các dự án chất lượng cao, với chi phí thấp hơn như thu thập thông tin và đánh giá hiện trạng của địa điểm xây dựng công trình; nghiên cứu đề xuất các ý tưởng thiết kế; triển khai các nội dung thiết kế kỹ thuật, chuyển đổi để có thể áp dụng cho các quy trình xây dựng hiện đại theo hướng công nghiệp hóa xây dựng…
Cùng quan điểm trên, nhiều kiến trúc sư (KTS) chia sẻ, AI và các công cụ kỹ thuật số dựa trên dữ liệu lớn đã can thiệp rất nhiều tới cách các kiến trúc sư định hình và mô phỏng các thiết kế xây dựng. AI giúp các KTS tận dụng một cách tối đa nguồn dữ liệu vô tận, đồng thời đề xuất giải pháp giúp giải quyết những vấn đề phức tạp. Công nghệ này có thể đơn giản hóa quy trình thiết kế, giảm thiểu lỗi, tối ưu hóa thời gian dự đoán cũng như nỗ lực trong các dự án.
Những công cụ làm việc dựa trên dữ liệu này hỗ trợ các KTS và nhà quy hoạch đô thị bằng cách cung cấp cho họ thông tin chi tiết và đề xuất dựa trên phân tích dữ liệu. Ví dụ, các thuật toán có thể được sử dụng để theo dõi và dự đoán số lượng hoặc dự đoán nguyên vật liệu một tòa nhà cần để hoạt động. Để tạo ra nhiều phương án thiết kế hiệu suất cao, các KTS có thể dựa trên các thiết kế ưa thích của họ, từ đó điều chỉnh thiết kế theo ý thích để phù hợp với nhu cầu cộng đồng, đồng thời giảm tác động với môi trường.
Cụ thể hóa AI trong quy hoạch, kiến trúc
Theo các chuyên gia, hiện nay dù chưa có công trình nào hoàn toàn được thiết kế, xây dựng bằng AI. Tuy nhiên, việc ứng dụng AI trong quy hoạch, kiến trúc ở Việt Nam đã bước đầu có những sản phẩm cụ thể. Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ giải pháp SOS Hoàng Anh cho biết, hiệu quả ban đầu của ứng dụng AI trong quản lý, cấp phép xây dựng đang được thực hiện tại một số TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số TP khác trong cả nước.
Ứng dụng AI đã cho phép tự động hóa tối đa toàn bộ quy trình thiết kế. Toàn bộ thông tin quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, chỉ tiêu thiết kế ngôi nhà… đều được tự động hóa, tập hợp đưa thành đầu vào để dựng lên mô hình nhà. Tính chính xác với dữ liệu về bản đồ địa chính chính xác đến đơn vị centimet và milimet nên quy trình vẽ được tiến hành nhanh, đưa ra mô hình đúng với hiện trạng. Đến nay, hệ thống dữ liệu của SOS đã có khoảng 2 triệu ngôi nhà được cấp phép tự động.
Tại 21 quận, huyện thuộc TP Hồ Chí Minh, người dân lựa chọn dịch vụ Smart City với quy trình thực hiện cấp phép xây dựng và thụ lý cấp phép xây dựng tự động.
Cụ thể, từ bước đầu tiên lựa chọn dịch vụ Smart City cấp phép xây dựng, người dân sẽ nhập thông tin sổ đỏ (sổ đỏ, số tờ, số thửa, vị trí xin phép xây dựng và mẫu nhà), AI sẽ tự động tạo bản vẽ thiết kế dựa trên mẫu nhà và yêu cầu của người dân, tạo bộ hồ sơ xin phép và nộp vào cổng dịch vụ công.
Bước tiếp theo, AI sẽ tạo lập mô hình không gian kiến trúc, hồ sơ thiết kế thi công và dự toán xây dựng công trình gắn liền giải pháp thực thi. Sau đó, hệ thống kiểm tra, xử lý tự động bộ tiêu chuẩn quy hoạch xây dựng và xuất bộ hồ sơ cấp phép xây dựng, ký chữ ký số và trả kết quả tự động tới chủ đầu tư. AI sẽ quản lý và giám sát hoạt động xây dựng, bảo đảm tuân thủ quy định.
Trí tuệ nhân tạo đang mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành kiến trúc, giúp tối ưu hóa quy trình thiết kế, quy hoạch và xây dựng, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức. TS.KTS Trịnh Hồng Việt - Viện Kiến trúc quốc gia đánh giá, qua thời gian đầu triển khai, cũng còn một số vấn đề tồn tại được chỉ ra như công nghệ AI tại Việt Nam chủ yếu áp dụng vào các giai đoạn ban đầu là thiết kế ý tưởng. Một số công nghệ mới được áp dụng trên cơ sở tích hợp vào nền tảng phần mềm thông thường nên có sự xung đột với phần cứng.
Việc ứng dụng AI trong các giai đoạn thiết kế kỹ thuật, triển khai xây dựng dự án còn cần thời gian để hoàn thiện. Do đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng triển khai các nền tảng công nghệ AI trong lĩnh vực kiến trúc và quy hoạch đô thị trên cơ sở lựa chọn các nền tảng phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam cũng như cơ chế ưu tiên nghiên cứu Việt hóa một số các nền tảng AI để tối ưu hóa và thể hiện rõ bản sắc kiến trúc Việt Nam.
Ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là AI, để xây dựng dữ liệu và tối ưu hóa việc sử dụng dữ liệu kiến trúc sẽ tăng năng suất lao động và giảm chi phí vận hành, đồng thời góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.
Công ty chúng tôi đã thiết kế 96 dự án cao tầng tại 16 tỉnh, TP, xây dựng 52.600 căn hộ và hơn 8 triệu mét vuông sàn. Do đặc thù có những công việc lặp đi lặp lại nhưng đứt gãy dữ liệu, khó tái sử dụng dữ liệu quá khứ cho dự án mới nên nếu ứng dụng AI sẽ giúp rút ngắn từ 1/100 đến 1/1.000 thời gian làm.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Kiến trúc Lập phương Cubic,
KTS Trần Vũ Lâm