Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xu hướng vận động của đầu tư trực tiếp nước ngoài trong bối cảnh mới

Theo Pháp luật và Xã hội
Chia sẻ Zalo

Lào luôn đứng thứ nhất trong số 79 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài với 241 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 5,47 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ 3 trong các quốc gia đầu tư tại Lào, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác truyền thông và công nghệ thông tin.

Xu hướng vận động của đầu tư trực tiếp nước ngoài trong bối cảnh mới. Ảnh minh họa  
Xu hướng vận động của đầu tư trực tiếp nước ngoài trong bối cảnh mới. Ảnh minh họa  

Những biến động của tình hình thế giới đối với dòng vốn FDI

Những tập đoàn lớn của Việt Nam như Vietel, VNPT, FPT… đã đầu tư hàng chục triệu USD vào Lào, góp phần đưa nước này trở thành một trong các quốc gia có vùng phủ sóng 4G tốt nhất Đông Nam Á, phổ cập Internet tốc độ cao đến toàn bộ người dân.

Tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và những biến động nhanh chóng, phức tạp của tình hình thế giới đối với dòng vốn FDI quốc tế là vô cùng lớn, buộc các quốc gia phải điều chỉnh lại các chính sách về FDI của mình, một mặt để giúp phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, mặt khác để bảo vệ an ninh quốc gia và sức khỏe cộng đồng. Năm 2020, 67 nền kinh tế trên thế giới đã đưa ra tổng số 152 biện pháp, chính sách liên quan đến đầu tư nước ngoài, trong đó nổi lên một số điểm chính như:

Một là, khuyến khích, thúc đẩy đưa sản xuất và dòng vốn FDI quay trở về nước. Trên thực tế, trước đại dịch COVID-19, Mỹ đã ban hành nhiều chính sách để thu hút đầu tư, sản xuất và kinh doanh tại Mỹ nhằm tạo thêm việc làm, như miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp Mỹ (giảm thuế thu nhập từ 25% xuống 21%), cải cách thủ tục cấp phép đầu tư, đưa ra các tiêu chuẩn linh hoạt hơn nhằm nâng cao tính cạnh tranh của một số ngành công nghiệp Mỹ (năng lượng, ô tô, nhôm, thép…), áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu.

Ngày 14/5/2020, Tổng thống Mỹ D. Trump đã ký sắc lệnh nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Các nhà lập pháp của Mỹ cũng đã soạn dự thảo luật nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc, trong đó bao gồm ý tưởng thành lập một quỹ 25 tỷ USD để đầu tư vào các doanh nghiệp Mỹ muốn “cải tổ” mối quan hệ với Trung Quốc. Các doanh nghiệp Mỹ không chỉ rời Trung Quốc về Mỹ, mà còn dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc đến các quốc gia khác phù hợp hơn. Mỹ còn thúc đẩy “mạng lưới kinh tế thịnh vượng” nhằm kết nối, phối hợp các quốc gia trong tự chủ về chuỗi cung ứng.

Các nước Liên minh châu Âu (EU) thúc đẩy kinh tế “tự chủ chiến lược” thông qua kiểm soát nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài, như Đức, Italia quy định, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với FDI trong các ngành chiến lược; Pháp triển khai chiến lược “sản xuất tại Pháp” nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước với các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, như ô tô, hàng không, công nghệ số… Nhật Bản dành ngân sách 2,2 tỷ USD, trong đó 2 tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản đưa mạng lưới sản xuất từ Trung Quốc về nước và khoảng 200 triệu USD để hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản di chuyển mạng lưới sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang nước thứ ba đối với một số ngành ưu tiên (như thiết bị y tế, phụ tùng ô tô, điện tử, kim loại hiếm…). Hàn Quốc ban hành luật thu hút các doanh nghiệp đã đầu tư ở nước ngoài quay về sản xuất, kinh doanh trong nước. Ấn Độ và Đài Loan (Trung Quốc) cũng đưa ra hàng loạt ưu đãi về đất đai, điện, nước, vốn và thuế để thu hút các doanh nghiệp quay trở lại đất nước.

Hai là, chính sách sàng lọc FDI tiếp tục gia tăng. Năm 2021, số lượng chính sách về đầu tư mới được đưa ra đã giảm xuống còn 109, ít hơn 28% so với năm 2020. Điều đó cho thấy sự giảm thiểu của việc đưa ra các chính sách đầu tư khẩn cấp đặc trưng trong năm đầu tiên xuất hiện đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, các nước vẫn tiếp tục tăng cường nhiều biện pháp sàng lọc FDI nhằm bảo vệ các doanh nghiệp chiến lược thoát khỏi sự thâu tóm của nước ngoài, đưa tỷ lệ các biện pháp hạn chế, giám sát đầu tư từ 41% năm 2020 lên 42% trong năm 2021 (là tỷ lệ cao nhất được đưa ra kể từ năm 2003). Những biện pháp này phần lớn được áp dụng ở các nền kinh tế phát triển, song một số nền kinh tế mới nổi và đang phát triển cũng đã tăng cường rà soát dòng vốn FDI.

Trong khi đó, chỉ riêng trong quý I-2022 đã có tới 75 chính sách mới về đầu tư - một số lượng kỷ lục tính theo quý, chủ yếu là các chính sách nhằm ứng phó với những tác động đến từ cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine. Các biện pháp trừng phạt và đáp trả liên quan đến xung đột Nga - Ukraine chiếm 70% tổng số các biện pháp được áp dụng trong quý I-2022 (9). Điều này khiến các nhà đầu tư nước ngoài phải đối mặt với nhiều bộ quy tắc sàng lọc FDI đa dạng và phong phú trên nhiều lĩnh vực đầu tư của các nước, khiến cho các nhà đầu tư cảm thấy bất ổn và cẩn trọng hơn.

Ba là, cạnh tranh thu hút FDI ngày càng khốc liệt. Để khôi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19, dòng vốn FDI ngày càng đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển - nơi phụ thuộc rất nhiều vào FDI để tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu và tạo việc làm. Tuy nhiên, sự sụt giảm FDI mạnh mẽ trong năm 2020 đã đẩy các nước đang phát triển và các nền kinh tế chuyển đổi vào một giai đoạn cạnh tranh khốc liệt mới để thu hút FDI, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất ở khu vực châu Á. Trong đó các chính sách thuế được sử dụng khá phổ biến và thường xuyên để thúc đẩy nguồn đầu tư quốc tế.

Trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm những điểm đến có chi phí vận hành, sản xuất thấp hơn và có sẵn chuỗi cung ứng, thì Ấn Độ và các nước Đông Nam Á đang nổi lên như một lựa chọn có thể thay thế Trung Quốc. Tận dụng cơ hội này, Ấn Độ đã xem xét miễn giảm thuế cho các dự án đầu tư mới; dành ra một quỹ đất hơn 460.000ha để thu hút các doanh nghiệp dịch chuyển mạng lưới sản xuất từ Trung Quốc về Ấn Độ.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang tập trung thúc đẩy các hiệp định thương mại với các quốc gia khác. Nhiều nước thành viên ASEAN kiểm soát tốt đại dịch COVID-19 và đang trên đà phục hồi kinh tế, đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Với mong muốn đưa nền kinh tế vượt qua thời kỳ khó khăn và trở thành khu vực thu hút FDI lớn thứ ba trên thế giới, các nước ASEAN tăng cường hợp tác để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong việc luân chuyển hàng hóa trong khối và nỗ lực tạo dựng môi trường cạnh tranh tốt nhất.

Bên cạnh đó, các nước thành viên ASEAN cũng đưa ra các chính sách và điều kiện thuận lợi để tạo lợi thế cạnh tranh riêng trong thu hút FDI. Indonesia đã ban hành các chính sách ưu đãi mới nhằm tiếp đón các nhà đầu tư nước ngoài, như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 22% - 25% trong năm 2020 và giảm tiếp xuống 20% vào năm 2022; dành ra một khu vực rộng 4.000ha để xây dựng nhiều khu công nghiệp mới; tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào kết cấu hạ tầng. Thái Lan đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực thiết bị y tế, ưu tiên các dự án công nghệ cao với ưu đãi giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực. Malaysia cũng có những ưu đãi thuế để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược.

Trung Quốc triển khai nhiều biện pháp khá mạnh mẽ nhằm “giữ chân” các nhà đầu tư, giảm thiểu việc dịch chuyển mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, như xây dựng các chính sách ưu đãi đặt biệt đối với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới, nhất là các tập đoàn đa quốc gia của phương Tây; ban hành Luật Đầu tư nước ngoài sửa đổi; mở rộng các khu thương mại tự do thí điểm với nhiều ưu đãi; tăng cường hợp tác kinh tế với khu vực, trọng tâm là hợp tác khu vực Đông Bắc Á, khuôn khổ hợp tác song phương của ASEAN với từng đối tác bên ngoài (ASEAN+1), khuôn khổ hợp tác giữa ASEAN với ba nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (ASEAN+3), thúc đẩy Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); áp dụng một số rào cản kỹ thuật nhằm hạn chế nhà đầu tư rút vốn…

Sự dịch chuyển dòng vốn FDI trong bối cảnh mới

Thông qua xem xét sự dịch chuyển dòng vốn FDI và phân tích các nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm FDI trong bối cảnh mới, có thể thấy rằng:

Thứ nhất, quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ không diễn ra ngay lập tức, mà thường có lộ trình khoảng 2 năm đến 5 năm, do các chuỗi cung ứng này đã được hoàn thiện nên không thể nhanh chóng chuyển dịch. Ngoài ra, sự dịch chuyển này mang tính đa dạng hóa thị trường, chỉ chuyển dịch một phần chuỗi cung ứng chứ không phải là di dời toàn bộ và phần lớn là dịch chuyển các nhà sản xuất mặt hàng giá trị thấp, thâm dụng lao động, như dệt may, lắp ráp hàng điện tử. Trung Quốc với lợi thế có thị trường quy mô rất lớn, lại có kết cấu hạ tầng, công nghiệp phụ trợ tốt, nguồn nhân lực dồi dào và chất lượng cao, hệ thống logistics tích hợp sâu rộng với chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như hệ sinh thái cung ứng công nghệ cao, quy mô sản xuất lớn, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của Mỹ, châu Âu…; đồng thời, bản thân Trung Quốc cũng đã có những phản ứng chính sách kịp thời để “giữ chân” các nhà đầu tư nước ngoài, vì vậy Trung Quốc vẫn sẽ là một điểm đến hấp dẫn hàng đầu thế giới về đầu tư.

Thứ hai, việc dịch chuyển đầu tư về nước hay về gần nước đầu tư thường là các chuỗi cung ứng có xu hướng ngắn hơn, tập trung vào lĩnh vực phục vụ khách hàng địa phương với hoạt động sản xuất tại địa phương. Sự dịch chuyển này sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn cho các nước phát triển bằng cách giúp tạo thêm việc làm và tạo ra nhiều vốn đầu tư hơn nhưng lại gây tổn hại đến các nước đang phát triển, bao gồm cả Trung Quốc.

Thứ ba, sự gia tăng các biện pháp, chính sách quản lý hoặc hạn chế đầu tư không chỉ là phản ứng đối với một cuộc khủng hoảng bất thường mà còn là sự tiếp nối của xu hướng chính sách kể từ khi xảy ra các cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Chính phủ các nước ngày càng nhận thức rõ hơn về lợi ích và những rủi ro liên quan đến đầu tư quốc tế. Thay vì tối đa hóa lượng vốn thu hút đầu tư nước ngoài, các chính sách đầu tư cần tập trung vào việc tối đa hóa lợi ích của đầu tư nước ngoài để có thể vừa thu hút được FDI giúp phục hồi kinh tế, thúc đẩy sản xuất và nâng cao năng lực trong nước, vừa bảo đảm lợi ích quốc gia. Sàng lọc đầu tư nước ngoài là một công cụ chính sách mở rộng để có thể đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên, việc vận hành các cơ chế sàng lọc đầu tư phải tuân thủ các hiệp định quốc tế đã ký kết. Do vậy, điều này có thể tạo ra những khó khăn, phức tạp pháp lý trong quá trình ban hành các cơ chế sàng lọc. Thực tế cũng cho thấy, các khoản đầu tư nước ngoài có thể tiềm ẩn những rủi ro khó lường, khiến chính sách đầu tư có thể phải đối mặt với những vấn đề mới.

Thứ tư, các cơ chế sàng lọc có thể hạn chế sự hiện diện của FDI trong một quốc gia, tuy nhiên chỉ ngăn cản dòng vốn FDI trong một số lĩnh vực nhất định, thường là các lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc gia. Chính vì vậy, mặc dù các rào cản đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài gia tăng, song Mỹ và Trung Quốc vẫn là những quốc gia thu hút FDI lớn nhất thế giới. Điều này chứng tỏ môi trường kinh doanh của từng vùng và quốc gia mới là yếu tố then chốt để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ năm, lạm dụng ưu đãi đất đai và thuế để cạnh tranh thu hút FDI có thể khiến các nước đang phát triển rơi vào “cuộc đua xuống đáy” trong cuộc cạnh tranh. Các ưu đãi này có thể ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách quốc gia, thậm chí có khả năng vượt quá lợi ích mà FDI mang lại. Hơn nữa, khi ra quyết định đầu tư, các nhà đầu tư quan tâm trước hết đến quy mô thị trường và chính sách phát triển thị trường, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nước, tiếp đến là chi phí sản xuất, chất lượng lao động sẵn sàng đón nhận luồng đầu tư mới về kỹ thuật số, công nghệ tiên tiến. Do đó, bên cạnh việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA), các nước cần có chính sách phát triển thị trường và nguồn nhân lực có tay nghề cao, tập trung lựa chọn thu hút FDI có chiều sâu, có lợi cho nền sản xuất trong nước, cho quốc gia.

Thứ sáu, mặc dù các tác động trong trung và dài hạn của đại dịch COVID-19 đối với sự dịch chuyển FDI vẫn chưa được xác định chắc chắn, nhưng có thể sẽ có những ảnh hưởng lâu dài đến việc hoạch định chính sách đầu tư theo hướng: Một mặt, củng cố xu hướng FDI theo hướng tiếp cận bảo hộ hơn nhằm hạn chế đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp quan trọng và nhạy cảm; mặt khác, tác động của đại dịch COVID-19 có thể sẽ tiếp tục kích hoạt cạnh tranh gia tăng để thu hút đầu tư vào các ngành khác khi các nền kinh tế đang tìm cách phục hồi sau suy thoái.

Thứ bảy, xung đột giữa Nga - Ukraine đã và đang dẫn đến xu hướng gia tăng lãi suất trên toàn cầu nhằm kiểm chế lạm phát, đặc biệt ở các nước phát triển. Điều này sẽ ảnh hưởng đến rủi ro về nợ và dòng vốn FDI vào các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, cuộc chiến ở Ukraine kéo dài khiến cho căng thẳng giữa Nga và phương Tây càng gia tăng, do đó thị trường tại các nước này tiềm ẩn nhiều rủi ro, các nhà đầu tư sẽ đẩy nhanh hơn quá trình đa dạng hóa, chuyển dịch chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư đến những quốc gia có tình hình kinh tế - chính trị ổn định hơn. Trong thời gian tới, dòng vốn FDI có thể sẽ chuyển hướng vào các khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á. Vì vậy, đây cũng chính là thời điểm thuận lợi để các nước có tình hình kinh tế - chính trị ổn định, môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn với các chính sách hợp lý có thể thu hút FDI.

Để tận dụng nguồn vốn FDI một cách thực chất và hiệu quả, chính phủ các nước và các nhà quản lý cần tìm ra các giải pháp mang tính linh hoạt để có thể sớm loại bỏ những vấn đề còn tồn tại trong thu hút, quản lý FDI hiện nay và giảm thiểu đến mức tối đa các tác động tiêu cực từ các thách thức hiện có.