Xử lý dứt điểm các dự án “giữ đất” để liên doanh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 17/4, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP đã làm việc với quận Cầu Giấy về việc kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng đất của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án.

Do đang trong quá trình đô thị hóa mạnh và nhiều diện tích đất được giao cho thuê mới, như lãnh đạo quận Cầu Giấy đã nhận định: "Quận đang sôi động như một công trường". Từ năm 1997 đến nay, trên địa bàn quận triển khai thực hiện 486 dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất. Đây là tiềm năng để quận phát triển, nhưng cũng là khó khăn trong quản lý. Qua các đợt phối hợp với TP, sở, ngành kiểm tra theo thẩm quyền, kết quả cho thấy vẫn còn khá nhiều tổ chức vi phạm quy định về đất đai như chậm đưa đất vào sử dụng, chậm nghĩa vụ tài chính, để hoang hóa hoặc sử dụng sai mục đích, cá biệt có những dự án chậm cả chục năm bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có cả nguyên nhân chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính nhưng vẫn "giữ đất".
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Thống kê sơ bộ từ các cuộc kiểm tra của quận Cầu Giấy cho thấy, có 12 dự án chậm thực hiện nhưng được phép gia hạn; 1 tổ chức có vi phạm về quy hoạch tổng mặt bằng; 3 tổ chức đơn vị không sử dụng đất, để hoang hóa... Trong đó, dự án xây dựng văn phòng làm việc và giao dịch của Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Thăng Long (nay là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam) bàn giao đất từ năm 2003, nhưng hiện chưa đầu tư xây dựng, đang cho thuê; dự án trụ sở và nhà kho của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu đầu tư Hà Nội có quyết định đầu tư từ năm 1998 nhưng vẫn đang sử dụng cho thuê trái quy định...  Nguyên nhân dẫn đến chậm dự án hoặc vi phạm có nhiều yếu tố từ chủ đầu tư kém về năng lực tài chính, đến các chính sách có sự thay đổi, đang trong thời gian chuyển đổi, điều chỉnh quy hoạch... Và có cả nguyên nhân chủ đầu tư không liên hệ với quận để tiến hành GPMB như Dự án xây dựng đường nối của Công ty Vimeco, có quyết định đầu tư từ năm 2011, nhưng đến nay vẫn để trống, chưa hoàn thiện GPMB...

Hiện, quận đang xây dựng kế hoạch kiểm tra đối với các ô đất chưa đầu tư xây dựng; rà soát kết quả thực hiện sau kết luận thanh tra và kiểm tra hiện trạng sử dụng đất theo thời gian gia hạn của TP. Chủ tịch UBND quận Dương Cao Thanh khẳng định: Quận sẽ rà soát, tổng hợp toàn bộ các dự án trên địa bàn, những đơn vị nào làm tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất về phía chính quyền quận, những trường hợp nào sử dụng sai mục đích, chây ì không thực hiện, quận có kiến nghị TP xử lý; những đơn vị có năng lực tài chính yếu, không thể khắc phục được sai phạm, kiến nghị TP thu hồi. Trong những năm trước, quận cũng đã kiến nghị TP thu hồi một số dự án và giao lại cho quận đầu tư các công trình công cộng. Quận cũng đề xuất với dự án xây dựng khu trường học và nhà ở (Công ty CP Đầu tư và Thương mại Tín Phát) ở phường Quan Hoa, dự án đã chậm 9 năm và TP đã có gia hạn, thời gian tới nếu chủ đầu tư không thực hiện đúng, quận sẽ tiếp tục kiến nghị thu hồi giao cho quận xây dựng trường THCS Quan Hoa (đây là phường duy nhất của quận chưa có trường THCS). 

Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP Nguyễn Văn Nam cho rằng, mặc dù số dự án vi phạm chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số những dự án đang triển khai trên địa bàn, nhưng vẫn tạo ra những hệ lụy. Trong đó, nhiều dự án GPMB có khi phải dùng đến biện pháp cưỡng chế, nhưng khi nhận đất xong, chủ đầu tư lại để hoang, trong khi người dân không có đất sản xuất. Việc kiểm tra, giám sát dù đã được làm, nhưng cũng chưa thường xuyên, xử lý vi phạm chưa quyết liệt, dứt điểm. Trưởng ban Kinh tế Ngân sách đề nghị: Các ngành nên nghiên cứu giải pháp dùng công nghệ thông tin để công khai thông tin và thực trạng của các dự án, vừa để chính quyền cơ sở nắm được, phối hợp giám sát, vừa để nhà đầu tư biết. Rà soát, đề xuất hướng cũng xử lý với từng loại dự án cụ thể, trong đó tham mưu để xử lý dứt điểm dự án thuộc các chủ đầu tư không có khả năng tài chính, không thể khắc phục vi phạm, tránh tình trạng giữ đất để tìm cách liên doanh, liên kết.
Chiều 17/4, Ban Pháp chế HĐND TP đã giám sát việc thực hiện chính sách giao đất dịch vụ cho người bị thu hồi đất tại huyện Mê Linh. Theo lãnh đạo huyện Mê Linh, việc giao đất dịch vụ cho người bị thu hồi đất là một vấn đề "nóng" và khó khăn của địa phương, bởi số lượng đất lớn. Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hà Huy Quang cho biết: Tính đến nay, huyện cũng mới được TP chấp thuận chủ trương thực hiện giao đất dịch vụ cho người dân tại 2 đại phương là thôn Nội Đồng (xã Đại Thịnh) và xã Quang Minh cũ, (nay là thị trấn Quang Minh và thị trấn Chi Đồng). Nhưng  hiện tại đối với thị trấn Chi Đông, hiện chưa có quỹ đất dịch vụ để trả cho dân (khoảng 4,3ha), huyện đang đề nghị TP thu hồi diện tích 6,8ha quỹ đất thương phẩm của dự án Vinaconex 9 và giao cho huyện xây dựng hạ tầng để trả đất cho dân...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần