Xử lý hàng lậu, hàng giả ngay từ nguồn

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù Hà Nội đã tích cực đề ra các giải pháp đấu tranh chống gian lận thương mại,...

Kinhtedothi - Mặc dù Hà Nội đã tích cực đề ra các giải pháp đấu tranh chống gian lận thương mại, góp phần bảo đảm quyền lợi của DN, hộ kinh doanh và người tiêu dùng (NTD) song, thực tế công tác này vẫn đang phải đối diện với nhiều thách thức - Đó là những ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị do Ban Chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Hà Nội (BCĐ 389 TP) tổ chức sáng 12/7.

Trong 6 tháng qua, các lực lượng chức năng của TP đã kiểm tra 23.340 vụ, xử lý 11.129 vụ, tiêu hủy lượng hàng hóa vi phạm tương đương 37,629 tỷ đồng, tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, trị giá hơn 1.397 tỷ đồng, khởi tố hình sự 111 vụ với 143 bị can.

Ngành hàng thực phẩm tiếp tục nóng

Công tác chống buôn lậu, hàng giả đang trở nên phức tạp, khó khăn hơn, bởi phương thức và thủ đoạn của các đối tượng ngày một tinh vi. Trong đó, vấn đề nổi cộm là việc kiểm tra, kiểm soát, quản lý nguồn gốc thực phẩm đảm bảo VSATTP. Theo đại diện Sở NN&PTNT, hiện NTD khó mua được thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn người sản xuất chưa bán được theo đúng giá trị sản phẩm mà mình làm ra. Trong khi các hợp tác xã nông nghiệp hầu như không thể đứng ra tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân thì có rất ít DN kinh doanh, tiêu thụ những loại thực phẩm này do lợi nhuận thấp, rủi ro cao. Vì vậy, NTD thiếu lòng tin với thực phẩm an toàn khi không thể phân biệt bằng cảm quan, chỉ phân biệt được khi có tem nhãn nhận diện của các DN.
Đội quản lý thị trường số 13 và Công an Kinh tế Hà Nội kiểm tra cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm trên phố Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên. Ảnh: Trần Việt
Đội quản lý thị trường số 13 và Công an Kinh tế Hà Nội kiểm tra cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm trên phố Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên. Ảnh: Trần Việt
Cùng với việc ban hành quy định về kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm cần hỗ trợ trực tiếp cho DN phát triển hệ thống cửa hàng, điểm bán lẻ thực phẩm, rau an toàn; xây dựng cơ sở chăn nuôi đáp ứng tiêu chuẩn; Tạo điều kiện để các hộ chăn nuôi được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi; Tăng cường quản lý Nhà nước và thường xuyên lấy mẫu phân tích thức ăn chăn nuôi, nguồn nước để làm cơ sở truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây là những cơ sở để từ đó giúp NTD nhận biết được sản phẩm an toàn, gia tăng giá trị sản phẩm...

Xây dựng kế hoạch ngăn chặn hàng lậu

Ghi nhận những kết quả mà Ban chỉ đạo 389 TP làm được trong những tháng đầu năm, đặc biệt là công tác phối hợp giữa Sở Công Thương với Công an TP, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn – Trưởng ban BCĐ 389 TP cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong công tác phòng, chống hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Đặc biệt là những vụ việc lớn chưa được phát hiện nhiều, kết quả đạt được so với trách nhiệm được giao vẫn chưa tương xứng; việc quản lý một số tụ điểm vẫn chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả… Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu, các đơn vị thành viên tiếp tục căn cứ vào tình hình thực tiễn trên địa bàn để xây dựng kế hoạch đấu tranh hiệu quả đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại. Trong đó, làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình thị trường, tập trung vào các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, tạo sự chuyển biến mạnh trong công tác đấu tranh, phòng ngừa các vi phạm gây bất ổn cho thị trường; Chú trọng kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng kém chất lượng, không bảo đảm VSATTP; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến đường giao thông, ga tàu, bến xe, kho hàng... thường tập kết hàng buôn lậu, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại tập trung buôn bán hàng hóa số lượng lớn. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trưởng ban BCĐ 389 Quốc gia trong việc quy định trách nhiệm người đứng đầu, thủ trưởng các ngành thành viên tham gia BCĐ. Chủ tịch UBND các cấp phải chịu trách nhiệm nếu trên địa bàn quản lý xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại nghiêm trọng, kéo dài. Các lực lượng chức năng Hà Nội tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng T.Ư và các tỉnh, đặc biệt là những tỉnh biên giới để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu.

Tuy nhiên, để công tác này đạt hiệu quả tốt hơn, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các DN tập trung nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng hàng hóa, chủ động phối hợp với lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh chống hàng giả.
Tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm

Xử lý hàng lậu, hàng giả ngay từ nguồn - Ảnh 1Bên lề hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn - Trưởng ban BCĐ 389 TP đã có cuộc trao đổi với Kinh tế & Đô thị xung quanh công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại, nhất là dịp từ nay đến cuối năm.

Phó Chủ tịch có nhận định gì về kết quả phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại trong những tháng đầu năm?

- Trong 6 tháng đầu năm, công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại của Hà Nội đã có nhiều mặt tích cực, việc phối hợp thường xuyên và kịp thời hơn. Một số vụ điển hình như vụ hai cây xăng gắn chíp gian lận hay vụ 90 tấn mỡ bẩn bị phát hiện và xử lý là những thành công nổi bật. Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát thị trường, hướng dẫn người dân cũng tốt hơn. Tuy nhiên, hạn chế chính là sự phối hợp giữa quận, huyện, phường, xã hoặc như một số chợ đầu mối lớn như Chợ Đồng Xuân, Ninh Hiệp còn chưa được đồng bộ và chặt chẽ. Một số vụ việc lớn chưa được phát hiện kịp thời, công tác chỉ đạo cũng cần được quan tâm hơn. Bên cạnh đó, lĩnh vực VSATTP hiện cũng đang rất nóng. Chính vì thế, cùng với việc tăng cường kiểm tra, xử lý các đối tượng vi phạm, để NTD và DN ý thức được thì phải đẩy mạnh hướng dẫn tuyên truyền nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các ban, ngành, địa phương.

Từ nay đến cuối năm tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại thường có chiều hướng tăng, vậy BCĐ 389 TP có biện pháp gì để hạn chế vấn nạn này, thưa Phó Chủ tịch?

- Những tháng cuối năm là dịp một số đối tượng lợi dụng nhu cầu hàng hóa của người dân tăng mạnh, cũng như tâm lý hám rẻ để đưa các mặt hàng kém chất lượng, không đảm VSATTP nhằm trục lợi. Để khắc phục, BCĐ 389 TP sẽ tăng cường kiểm tra các mặt hàng thiết yếu. Trong quá trình thực hiện sẽ căn cứ vào thực tiễn từng thời điểm, địa bàn để điều chỉnh cụ thể. Sau đó trên cơ sở những kết quả, hạn chế phải rút kinh nghiệm để công tác này đạt hiệu quả nhất.

Còn về kiểm soát VSATTP, một trong những vấn đề đang được nhiều người dân quan tâm, thời gian tới BCĐ 389 TP sẽ tập trung vào những giải pháp gì?

- Trước hết phải tăng cường thêm các dự án rau sạch, thực phẩm sạch để đưa ra thị trường và thời gian qua, TP đã hỗ trợ rất nhiều cho chương trình này. Tiếp đó là tăng cường kiểm tra hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, phải rõ nguồn gốc, đây là một việc rất lớn không chỉ đối với các lực lượng chức năng mà cần sự nỗ lực của các cấp, ngành, nhất là người dân. Bên cạnh đó, các nhà hàng, quán ăn cũng đều đã có cam kết, câu chuyện ở đây là phải làm sao để những cam kết này phải được duy trì và thực hiện đúng. Song, quan trọng vẫn là ý thức phát hiện của người dân, chủ động ngăn chặn, báo cho cơ quan chức năng xử lý... Để công tác này đạt hiệu quả, không chỉ có cơ quan quản lý mà rất cần sự chung tay của toàn xã hội.

Xin cảm ơn ông!
Hoàng Anh thực hiện