Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý hình sự doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội: Cần biện pháp mạnh để răn đe

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm thu nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) nhưng tình trạng nợ đọng bảo hiểm vẫn gia tăng.

Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp tích cực, mạnh mẽ, hiệu quả hơn để giải quyết tình trạng này.
Nợ đọng diễn biến phức tạp
Tính đến hết tháng 7/2019, toàn TP có 32.642 đơn vị nợ tiền BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với 454.029 lao động, tổng số tiền nợ phải tính lãi lên tới trên 1.811 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng BHXH của các DN diễn biễn phức tạp, nhiều DN nợ với số tiền lớn, thời gian kéo dài. Do đó, việc xử lý hình sự với các DN cố tình trốn đóng, nợ đọng BHXH kéo dài được coi là biện pháp mạnh cuối cùng để răn đe.
Trong thời gian qua, các cơ quan BHXH đã chuyển hồ sơ nhiều DN nợ đọng, chây ì sang cơ quan điều tra để đề nghị xử lý hình sự, song đến nay vẫn chưa có đơn vị nào bị xử lý hình sự. Trước tình hình trên, Công an (CA) TP đã chủ động tiếp nhận hồ sơ các vụ việc có dấu hiệu vi phạm về tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
 Hướng dẫn người dân kê khai hồ sơ hành chính tại BHXH TP Hà Nội. Ảnh: Lam Thanh
Đơn cử, năm 2017 và 2018, CATP Hà Nội tiếp nhận 7 vụ việc cơ quan BHXH chuyển hồ sơ sang đề nghị xử lý hình sự DN vi phạm về BHXH; từ đầu năm 2019 đến nay tiếp nhận thêm 3 vụ việc. Ở các hồ sơ này, mặc dù số tiền DN nợ đọng lớn, song số tiền nợ tập trung chủ yếu vào thời điểm trước 1/1/2018 (thời điểm Bộ Luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực) nên chỉ bị xử lý hành chính.
Thượng tá Cao Văn Lộc - Phó trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, CATP Hà Nội cho rằng, quá trình xác minh xử lý các DN nợ BHXH theo Bộ Luật Hình sự năm 2015 gặp nhiều khó khăn do chưa có văn bản dưới luật hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Trên thực tế, số vụ việc được xử lý theo các điều luật 214, 215, 216 Bộ Luật Hình sự đến thời điểm này chưa có.
Tìm cách “lách luật”
Theo lý giải của Thượng tá Cao Văn Lộc, thực tế cho thấy, cơ quan BHXH các tỉnh, TP có chuyển cơ quan điều tra, CA các tỉnh, TP, tuy nhiên, đến nay, một số vụ việc khởi tố hình sự nhưng theo tội danh khác như: Giả mạo trong công tác, làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Một số vụ chuyển sang nhưng chưa bị xử lý hành chính nên cơ quan điều tra chưa xác định đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Trong khi, một số trường hợp, khi cơ quan CA thực hiện xác minh và đôn đốc thì DN đã thực hiện nộp đầy đủ” – Thượng tá Cao Văn Lộc nêu rõ. Đáng lưu ý, theo Phó trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, một số DN nợ đọng từ nhiều năm nay (5 - 10 năm) hiện đang “lách luật” bằng cách tiến hành trích nộp bảo hiểm cho những lao động mới phát sinh từ ngày 1/1/2018 và nộp số tiền bảo hiểm từ 1/1/2018 đến nay.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Sinh Sáng - đại diện Viện KSND TP Hà Nội cho hay, từ 2015 đến nay, Viện KSND TP chưa truy tố, xét xử vụ án nào liên quan đến các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc các DN nợ BHXH kéo dài tìm cách “lách luật” đã gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động nói riêng và quỹ BHXH nói chung, đồng thời gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng khi xử lý bằng biện pháp hình sự.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc BHXH TP Hà Nội Nguyễn Đức Hòa kiến nghị, CATP, TAND TP, Viện KSND TP hướng dẫn trình tự thủ tục để thiết lập, củng cố hồ sơ, chứng cứ, tài liệu chuyển cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, xem xét, khởi tố các DN vi phạm theo quy định của Bộ Luật nói trên và Nghị định số 05/2019/NQ-HĐTP của TAND tối cao.