Xử lý hồ sơ hải quan chỉ mất tối đa 3 giây

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Mạnh Tùng, Cục trưởng Cục CNTT và Thống kê hải quan về các thuận lợi của việc ứng dụng CNTT vào lĩnh vực hải quan.

Trong những năm vừa qua, hải quan là một trong những ngành tích cực nhất trong việc ứng dụng CNTT vào cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đây cũng được xem là phương tích chính để ngành này kết nối với cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN trong thời gian tới.

Để có cái nhìn tổng quan hơn về việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực hải quan, PV báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Tùng-Cục trưởng Cục CNTT và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan):

 
Ông Nguyễn Mạnh Tùng: CNTT có vai trò rất lớn đối với lĩnh vực hải quan
Ông Nguyễn Mạnh Tùng: CNTT có vai trò rất lớn đối với lĩnh vực hải quan
- Việc ứng dụng CNTT đóng vai trò thế nào đối với cải cách hành chính trong lĩnh vực hải quan?

Ông Nguyễn Mạnh Tùng: Nhờ ứng dụng CNTT trong thời gian vừa qua nên lĩnh vực hải quan đã đạt được nhiều mục tiêu đặt ra trong chiến lược phát triển. Mặc dù những kết quả đạt được có sự đóng góp của nhiều phương thức khác như cải cách quy trình thủ tục, tổ chức lại bộ máy, con người ... nhưng không thể phủ nhận CNTT có vai trò rất lớn trong sự thay đổi cũng như phát triển trong tương lai của lĩnh vực hải quan.

Tới hiện tại, CNTT đã hiện diện đầy đủ trong các công tác nghiệp vụ hải quan như quản lý nhà nước, thu thuế xuất nhập khẩu, rủi ro hay công tác kiểm tra sau thông quan, điều tra chống buôn lậu. Đáng chú ý với hệ thống VNACCS/VCIS, việc khai báo, tiếp nhận, xử lý thông tin và đưa ra quyết định thông quan đều được thực hiện tự động hóa giúp thời gian xử lý hồ sơ hải quan chỉ mất từ 1 - 3 giây.

- Trong quá trình triển khai có khó khăn nào không?

Ông Nguyễn Mạnh Tùng: Lĩnh vực hải quan đang đứng trước yêu cầu cấp thiết là phải triển khai một cách toàn diện hệ thống CNTT, nhưng tiến hành quy mô lớn như vậy chưa bao giờ là việc rễ dàng. Đặc biệt là việc triển khai CNTT gắn với thủ tục hành chính để thay đổi phương thức làm việc của cán bộ, công chức và cộng đồng doanh nghiệp là một việc rất khó khăn.

Khó khăn lớn nhất là việc chuyển đổi từ phương thức làm việc này sang một phương thức làm việc khác. Tuy nhiên đây là khó khăn chung trong cải cách hành chính chứ không riêng gì trong việc ứng dụng CNTT.

- Về phía doanh nghiệp, họ đáp ứng được đủ yêu cầu mà lĩnh vực hải quan đặt ra khi ứng dụng CNTT ?

Ông Nguyễn Mạnh Tùng: Hiện nay, chúng ta đang nói rất nhiều đến khó khăn của doanh nghiệp về đầu tư, về công nghệ trong nhiều lĩnh vực nhưng đây lại không phải vấn đề lớn đối với lĩnh vực hải quan. Doanh nghiệp không cần đầu tư công nghệ nhiều, họ chỉ cần một cái máy tính là có thể khai báo được. Tuy nhiên vẫn có những quy định bắt buộc phải tuân thủ như doanh nghiệp phải có chữ ký số, có phần mềm chuyên dụng để phục vụ khai báo .... đối với các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu thì những yếu tố này sẽ tốn chi phí không đáng kể.

- Tính tới hiện tại, lĩnh vực hải quan đã có bao nhiêu phần trăm sử dụng dịch vụ công ?

Ông Nguyễn Mạnh Tùng: Hiện tại đã có 102 các dịch vụ thủ tục hành chính công, chiếm khoảng 40%, được áp dụng trong lĩnh vực hải quan, gồm nhiều thủ tục quan trọng như doanh nghiệp khai báo, thông quan hàng hóa, nộp thuế...  được thực hiện trên ước tính 40%. Ngoài ra, còn có những thủ tục mang tính như hồ sơ như đăng ký, hồ sơ kiểm tra ...

- Lĩnh vực hải quan sẽ tiếp tục đầu tư và triển khai CNTT trong thời gian tới ?

Ông Nguyễn Mạnh Tùng: Ứng dụng CNTT trong lĩnh vực hải quan đã đạt được bước phát triển rất lớn trong những năm gần đây, hệ thống được tập chung giúp tạo ra nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng chính những điều này cũng gây nên sức ép. Làm sao để duy trì hệ thống luôn hoạt động tốt 24/7 trong phạm vi quy mô toàn quốc với tổng số lượng người dùng lên tới khoảng 60.000 không phải là đơn giản. Chính vì vậy mục tiêu đầu tiên được đặt ra là phải tiếp tục duy trì hệ thống CNTT hoạt động tốt.

Tiếp theo phải mở rộng hệ thống kết nối với các bên liên quan, đối với các Bộ, ngành là cơ chế một cửa, đối với các cảng để xử lý kết nối, hàng hóa tại cảng được tiến hành thuận lợi hơn. Không những thế nghiệp vụ của cán bộ hải quan cũng cần được nâng cao để đáp ứng với việc đưa CNTT vào mọi hoạt động của ngành.

- Cơ chế một cửa quốc gia đi vào hoạt động sẽ đem lại lợi ích gì cho các thành phần kinh tế ở Việt Nam?

Ông Nguyễn Mạnh Tùng: Đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, theo quy định hiện này để hàng hóa ra vào cần phải qua rất nhiều cửa, trong đó thủ tục hải quan chỉ là một cửa trong số đó. Chính vì vậy cần phải có cơ chế một cửa nhằm tạo thuận lợi tối đa cho phía doanh nghiệp.

Triển khai cơ chế này sẽ giúp giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, đơn giản hóa hồ sơ, tăng cường khả năng kết nối trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước, giảm chi phí cũng như tăng tính minh bạch việc thực hiện thủ tục hành chính.

Ví dụ, hiện tại để các Bộ Ngành cấp giấy phép, thì doanh nghiệp cần mang giấy phép đó ra nộp cho cơ quan hải quan, nhưng với cơ chế một cửa thì những giấy tờ đó được đơn giản hóa các yêu cầu thủ tục, giảm chi phí, giảm về thời gian cấp và tạo ra sự liên thông trong quản lý giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp.

- Chúng ta đã chuẩn bị được những gì để kết nối một cửa ASEAN?

Ông Nguyễn Mạnh Tùng: Đây là chương trình chung của ASEAN, trong đó Việt Nam là một nước thành viên. Và để chuẩn bị những điều kiện khi kết nối ASEAN thì đầu tiên là phải giải quyết những vấn đề liên quan đến định hướng; thứ hai là xử lý các vấn đề về kỹ thuật các hệ thống kết nối với nhau theo chuẩn và tiêu chí của ASEAN; thứ ba là các vấn đề liên quan đến pháp lý để có thể kết nối với các nước ASEAN.

Tuy nhiên trước khi thực hiện cơ chế một cửa ASEAN chúng ta phải thực hiện được cơ chế một cửa quốc gia, đây là điều kiện buộc phải có để kết nối được với ASEAN

- Cơ chế một cửa ASEAN đem lại lợi ích gì cho hoạt động giao thương của Việt Nam?

Ông Nguyễn Mạnh Tùng: Cơ chế một cửa ASEAN là tiền đề để hình thành cộng đồng ASEAN, không chỉ đem lại lợi ích riêng trong lĩnh vực hải quan mà còn tạo thuận lợi cho nhiều lĩnh vực khác.

Đối với hải quan, trong khuôn khổ hiệp định ASEAN sẽ được thực hiện với giấy chứng nhận xuất xứ, sau đó là chia sẻ tờ khai sẽ mang đến một số lợi ích. Khi hàng hóa từ Việt Nam đến một nước khác, ngay trong quá trình vận chuyển, giấy tờ điện tử đã đến trước, giúp quá trình thông quan nhanh hơn. Đồng thời các hồ sơ xuất nhập khẩu sẽ được đơn giản hóa đi rất nhiều so với hiện nay.

Vâng ! Xin cám ơn ông.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần