Người dân khu vực phía Nam TP Hà Nội đặt nhiều kỳ vọng trước ngày thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp
Kinhtedothi - Ngày mai (1/7), các địa phương ở khu vực phía Nam TP Hà Nội sẽ cùng cả nước chính thức đi vào hoạt động theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Đây là sự kiện mang dấu ấn lớn không chỉ về mặt tổ chức bộ máy, mà còn là bước chuyển quan trọng trong quản lý, phát triển và phục vụ người dân...

Nhiều tín hiệu tích cực.
Những ngày qua, tại các xã mới thuộc hai huyện Thường Tín và Phú Xuyên với không khí chuẩn bị cho sự kiện lịch sử này đã, đang diễn ra rất khẩn trương các mặt công tác. Người dân bắt đầu cảm nhận rõ hơn những thay đổi từ mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, với đợt vận hành thử nghiệm tổ chức chính quyền 2 cấp đã để lại nhiều tín hiệu tích cực.
Bà Phạm Ngọc Lan, thôn Quất Tỉnh, xã Quất Động (huyện Thường Tín) sẽ là công dân của xã Thượng Phúc mới chia sẻ: "Tôi tin tưởng cách làm việc giờ đây sẽ bài bản hơn, cán bộ gần dân, nhiệt tình, trách nhiệm hơn. Việc đi lại làm giấy tờ cũng thuận tiện hơn nhiều. Mong rằng từ ngày mai (1/7), đơn vị hành chính mới vẫn giữ được tinh thần phục vụ như thế này".
Bà Lan cho biết thêm, bà đặt nhiều kỳ vọng nhưng đồng thời cũng có những “đòi hỏi” chính đáng đối với bộ máy mới: "Tôi mong muốn mô hình chính quyền địa phương hai cấp sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo thực chất. Cán bộ, công chức luôn giữ vững tinh thần phục vụ, lắng nghe, thấu hiểu và giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn ở cơ sở".

Chánh Thanh tra TP Hà Nội Trần Đức Hoạt trao các quyết định chỉ định của TP đối với một số chức danh lãnh đạo xã Phú Xuyên
Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Dũng, thôn An Duyên, xã Tô Hiệu (huyện Thường Tín) sẽ là công dân của xã Chương Dương mới cho biết, điều ông mong mỏi nhất là việc sáp nhập sẽ giúp chấm dứt tình trạng “địa phương nào lo việc nấy”, nhất là các dịch vụ hành chính, y tế, giáo dục cần được phân bổ hợp lý hơn. Tôi hy vọng sau sáp nhập, chính quyền sẽ quan tâm nhiều hơn đến vùng sâu, vùng xa.
Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp không chỉ thay đổi về tổ chức hành chính, mà còn là cú hích cho phát triển kinh tế xã hội theo hướng hiện đại, bền vững. Việc hợp nhất đơn vị hành chính mở ra khả năng hình thành các vùng liên kết sản xuất - dịch vụ quy mô lớn, tăng hiệu quả đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, đô thị, du lịch, nâng cao đời sống sống người dân.
Bà Phạm Thị Hương, thôn Xuân La, xã Phượng Dực (huyện Phú Xuyên) sẽ là công dân của xã Phượng Dực mới chia sẻ: "Chúng tôi mong chờ thời khắc lịch sử - khi chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động. Đây là sự khởi đầu mới cho một kỷ nguyên vươn mình của xã nói riêng và cả nước nói chung, người dân chúng tôi kỳ vọng nhiều ở chính quyền địa phương 2 cấp mới".

Bí thư Đảng ủy xã Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh phát biểu tại lễ công bố các quyết định chức danh lãnh đạo xã Phú Xuyên
Còn ông Trần Văn Trúc, xã Nam Tiến (huyện Phú Xuyên) cũng là công dân xã Phú Xuyên mới cho biết, việc đặt trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Phú Xuyên tại khu vực trung tâm huyện Phú Xuyên cũ là thể hiện tầm nhìn chiến lược, chọn vị trí trung tâm thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất để phục vụ người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Niềm vui nhân đôi
Là một công dân, ông Trúc ủng hộ mạnh mẽ chủ trương đổi mới này. Nhiều năm qua, gắn bó công tác Đảng ở địa phương, ông hiểu rõ những vướng mắc nảy sinh khi bộ máy hành chính cồng kềnh, nhiều tầng trung gian khiến việc tiếp nhận và giải quyết kiến nghị của người dân còn chậm trễ, thiếu hiệu quả và chồng chéo.
Một kiến nghị của người dân có khi phải đi lòng vòng qua 2 - 3 cấp mới tới được người có thẩm quyền giải quyết xử lý. Bây giờ, nếu thực hiện chính quyền hai cấp, bỏ cấp khâu trung gian, bộ máy tinh gọn hơn, gắn kết rõ ràng trách nhiệm hơn và nhất là gần dân, sát dân hơn.

Bí thư Đảng ủy xã Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh trao các quyết định chỉ định của TP về chức danh lãnh đạo UBND xã Phú Xuyên cho các cá nhân
Đặc biệt, với việc triển khai mô hình địa phương 2 cấp, sẽ phân cấp, trao quyền nhiều hơn cho cấp cơ sở. Chính quyền cơ sở là nơi gần dân nhất, hiểu rõ tình hình địa phương nên khi được phân quyền rõ ràng hơn thì sẽ xử lý công việc nhanh hơn, sát thực tế hơn. Điều quan trọng, theo ông Trúc là phải củng cố năng lực đội ngũ cán bộ và nâng cao vai trò của hệ thống chính trị ở thôn, khu dân cư. "Chúng ta phải xác định rõ: chính quyền hai cấp không chỉ là thay đổi mô hình, mà còn là thay đổi cách làm việc. Cán bộ phải năng động hơn, trách nhiệm hơn, không thể chờ chỉ đạo từ cấp trên nữa"- ông Trúc mong muốn.
Bí thư Chi bộ tiểu khu Phú Thịnh, thị trấn Phú Minh Phùng Thế Giang khẳng định: "Thời gian qua, tại khu dân cư, chúng tôi cũng đã chủ động triển khai tuyên truyền đến đảng viên và Nhân dân trong khu dân cư về mô hình chính quyền đìa phương 2 cấp Các buổi sinh hoạt Chi bộ, gần đây đều dành thời gian thảo luận kỹ về quyền lợi và trách nhiệm của người dân khi chính quyền hai cấp chính thức đi vào hoạt động".

Quang cảnh lễ công bố các quyết định chức danh lãnh đạo xã Phú Xuyên
Từ ngày mai (1/7), xã mới sẽ là nơi tiếp nhận và xử lý toàn bộ yêu cầu, không cần chờ lên huyện như trước nữa, trách nhiệm rõ ràng, hiệu quả sẽ cao hơn. Mô hình chính quyền địa phương hai cấp là một bước đi tất yếu, đúng xu thế hiện đại hóa nền hành chính. Càng ít tầng lớp trung gian thì chính quyền càng phải gần dân, sát dân để phục vụ dân hiệu quả hơn.
Đúng theo kế hoạch, 14h chiều 30/6, tại trụ sở Huyện ủy Phú Xuyên và cũng là trụ sở của Đảng ủy xã Phú Xuyên mới, Chánh Thanh tra TP Hà Nội Trần Đức Hoạt dự chủ trì công bố các quyết định chỉ định của TP đối với một số chức danh lãnh đạo xã Phú Xuyên mới thực hiện công khai, minh bạch trước sự chứng kiến của cán bộ và Nhân dân địa phương.
Theo đó, ông Nguyễn Xuân Thanh được chỉ định giữ chức Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã; ông Lê Thanh Hải giữ chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy; ông Bùi Công Thản giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã; ông Trương Đại Dương làm Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban xây dựng Đảng; ông Phạm Cao Cường làm Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy xã; ông Bùi Cát Trường là Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng Đảng ủy.
Bà Vũ Thị Hồng làm Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch HĐND xã; ông Nguyễn Thành Chung làm Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND xã; ông Trương Thanh Hưng làm Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã.
Tại buổi công bố các quyết định, cán bộ, đảng viên của xã đều tin tưởng với quyết tâm chính trị cao, cùng sự đồng thuận và giám sát của Nhân dân, việc triển khai bộ máy hệ thống chính trị chính quyền địa phương hai cấp sẽ mở ra thời kỳ mới để Thủ đô phát triển lên tầm cao mới nhằm hiện thực hóa mục tiêu Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, sẵn sàng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng và hùng cường.
Trích dẫn
Xã Phú Xuyên được thành lập trên cơ sở sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thị trấn Phú Minh, thị trấn Phú Xuyên, các xã Hồng Thái, Minh Cường, Nam Phong, Nam Tiến, Quang Hà, Văn Tự, một phần của xã Tô Hiệu và xã Vạn Nhất. Xã Phú xuyên diện tích 60,02km2, dân số 96,635 người, 120 tổ chức Đảng với 4.298 đảng viên.

Huyện Phú Xuyên khen thưởng các tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên tiêu biểu
Kinhtedothi - Ngày 26/6, Huyện ủy Phú Xuyên tổng kết thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020 - 2025; tổng kết công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng; khen thưởng tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên tiêu biểu...

Hà Nội giao 1.800m² đất tại xã Khai Thái cho huyện Phú Xuyên xây khu đấu giá QSD đất ở
Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội ban hành quyết định số 3133/QĐ-UBND giao gần 1.800m² đất tại xã Khai Thái cho UBND huyện Phú Xuyên để thực hiện dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá QSD đất ở

Hà Nội giao 13.662,6m2 đất cho huyện Phú Xuyên thực hiện dự án khu đấu giá QSD đất ở
Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 3132/QĐ-UBND về việc giao 13.662,6m2 đất cho UBND huyện Phú Xuyên để thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng (QSD) đất ở tại xã Văn Hoàng