Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý nghiêm các đối tượng liên quan vụ dỡ mái đình lấy gỗ sưa bán

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một số người ở thôn Cựu Quán, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội tự ý tháo dỡ một số cấu kiện kiến trúc của đình Cựu Quán được làm bằng gỗ sưa để bán là đúng như phản ánh của công luận.

Chiều 6/3, tại buổi giao ban truyền thông với đại diện các cơ quan báo chí của TƯ và TP,  ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VHTT&DL) đã khẳng định, vụ việc một số người ở thôn Cựu Quán, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức tự ý tháo dỡ một số cấu kiện kiến trúc của đình Cựu Quán được làm bằng gỗ sưa để bán là đúng như phản ánh của công luận trong những ngày qua.

Cụ thể, theo các cơ quan chức năng xác minh, có 6 người là cán bộ thôn, Ban khánh tiết, trông coi đình Cựu Quán và một số người khác, đã tiến hành  tháo dỡ 4 thanh kèo gỗ sưa của đình Cựu Quán (khối lượng 127,5kg), đem bán cho trụ trì chùa Cựu Quán ngay bên cạnh, được 1,2 tỷ đồng. Số tiền này, được sử dụng gửi 1 sổ tiết kiệm 700 triệu đồng, số tiền còn lại dự kiến dùng sử dụng mua đất mở rộng đình... Hiện cả 6 người liên quan  vụ việc, đã được các cơ quan chức năng mời lên làm việc, điều tra làm rõ.

Theo ông Trương Minh Tiến, với những kết quả xác minh trong những ngày qua, chiều ngày 6/3, Sở VHTT&DL đã có văn bản số 603/VHTT &DL -BQLDT gửi UBND huyện Hoài Đức và các ngành chức năng, cho  ý kiến như sau: Đình thôn Cựu Quán, xã Đức Thượng chưa được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa (đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích), hiện tại di tích được UBND huyện quản lý trực tiếp theo phân cấp tại Quyết định số 11/2011/QĐ-UBND ngày 2/3/2011 của UBND TP. Tại văn bản này, Sở VHTT&DL Hà Nội đề nghị UBND huyện Hoài Đức chỉ đạo các phòng, ban chức năng có liên quan của huyện phối hợp với UBND xã Đức Thượng khẩn trương kiểm tra, chấn chỉnh ngay các sai phạm mà báo chí đã nêu và báo cáo UBND TP bằng văn bản kết quả đã giải quyết vụ việc trước ngày 15/3/2014 để UBND TP xem xét, chỉ đạo xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Cùng ngày 6/3, UBND huyện Hoài Đức đã có văn bản số 558 chỉ đạo Trưởng công an huyện, Trưởng phòng Văn hóa - thông tin (VH-TT) huyện và Chủ tịch UBND xã Đức Thượng giao Trưởng Công an huyện tổ chức lực lượng, phối hợp với UBND xã Đức Thượng, điều tra nắm bắt tình hình, làm rõ sự việc, nếu có dấu hiệu vi phạm xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, kịp thời ngăn chặn các hành vi gây phức tạp và mất an ninh trật tự tại địa phương. UBND xã Đức Thượng có trách nhiệm bảo đảm an ninh bảo vệ hiện trường, bảo quản chống thất thoát hiện vật tại thôn Cựu Quán và có phương án khắc phục lại nguyên trạng kiến trúc của  báo cáo UBND huyện theo quy định. Giao Phòng VH – TT phối hợp với Đảng ủy, UBND xã Đức Thượng tuyên truyền, vận động để ổn định tư tưởng tình hình nhân dân trong xã và thôn Cựu Quán để tạo điều kiện các cơ quan chức năng giải quyết sự việc, đồng thời hướng dẫn chuyên môn để UBND xã quản lý di tích theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thòi tham mưu giúp UBND huyện giải quyết sự việc theo đúng quy định.

Từ vụ việc trên, Sở VHTT & DL đang soạn thảo Chỉ thị, trình UBND TP ban hành về công tác quản lý, tôn tạo, trùng tù các di tích trên địa bàn TP

Liên quan vụ việc lăng Ngô Quyền, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Trương Minh Tiến cho biết: Sở đã ban hành Công văn số 602 gửi UBND thị xã Sơn Tây khẳng định việc báo chí phản ánh có cái đúng, cái chưa đúng. Trong đó, đề nghị UBND thị xã Sơn Tây, tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ vụ việc, làm báo cáo gửi về Sở VHTT&DL trước ngày 15/3/2014 để Sở  trình Bộ VHTT&DL cho ý kiến, chỉ đạo giải quyết việc trùng tu, tôn tạo di tích này, trong đó coi trọng ý kiến, nguyện vọng của dòng họ Ngô để tiến hành thực hiện công việc này.