Ngày 18/9, UBND TP Hà Nội tổ chức sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 09/CT-UBND của Chủ tịch UBND TP về công tác phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp tội phạm trọng án, tội phạm ma tuý, tội phạm sử dụng vũ khí nóng, tội phạm xảy ra ở khu vực nông thôn. Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn chủ trì hội nghị.
Từ thời điểm triển khai Chỉ thị (16/7/2017 - 15/8/2018), toàn TP phát hiện 4.311 vụ phạm pháp hình sự (giảm 575 vụ, bằng 11,8% so với thời gian liền kề). Trong đó, khu vực nông thôn xảy ra 1.890 vụ (tỷ lệ 43,8%, giảm 195 vụ, bằng 9,4% so với thời gian liền kề). Toàn TP xảy ra 112 vụ trọng án, trong đó khu vực nông thôn 69 vụ, chiếm 61%. Tình hình phạm pháp hình sự tại khu vực nông thôn nổi lên một số vấn đề, cụ thể: So với toàn TP, tội phạm giết người 42 vụ, chiếm 53%, nguyên nhân chủ yếu do mâu thuẫn bột phát; tội phạm cố ý gây thương tích 535 vụ, chiếm 62,4%…Hoạt động của tội phạm có tổ chức tại Thủ đô nói chung và khu vực nông thôn nói riêng vẫn tiềm ẩn dấu hiệu phức tạp, các đối tượng hình thành các ổ, nhóm tội phạm khép kín, thành lập các DN để tạo vỏ bọc che giấu hành vi vi phạm pháp luật, như: Hoạt động “tín dụng đen” đòi nợ thuê; bảo kê, cung cấp vật liệu xây dựng; tranh chấp khai thác cát, tài nguyên. Hoạt động tàng trữ, mua bán trái phép ma tuý tổng hợp tại khu vực ngoại thành vẫn tiềm ẩn phức tạp. Các đối tượng chứa chấp, tổ chức sử dụng ma tuý lợi dụng các cơ sở kinh doanh nhậy cảm (quán ba, karaoke,…) ở các khu vực xa trung tâm nhằm tránh giám sát, phát hiện của lực lượng chức năng. Đặc biệt, việc sử dụng “bóng cười”, “shisha”… của một bộ phận thanh, thiếu niên xảy ra ngày càng phổ biến, tiềm ẩn nguy hại khó lường…Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hồ Xuân Hương cho biết, từ năm 2015 - 2017, các tổ hoà giải trên địa bàn TP đã hoàn giải thành công 20.679 trên tổng số 25.023 vụ tranh chấp, mâu thuẫn vi phạm pháp luật, đạt tỷ lệ 83,4%. Tính sơ bộ từ đầu năm 2018 cho đến nay, công tác hoà giải đạt 2045/3572 vụ việc đạt tỷ lệ 82,4%. Từ thực tiễn hoà giải tại cơ sở khu vực nông thôn cho thấy, mâu thuẫn không hoà giải kịp thời tiềm ẩn nguy cơ từ vụ việc dân sự chuyển thành hình sự, thậm chí trọng án bột phát nghiêm trọng. Các tranh chấp tại nông thôn chủ yếu về ranh giới đất đai, ruộng vườn, nếu không hoà giải kịp thời sẽ âm ỉ mâu thuẫn dẫn đến huy động người thân gây xô xát, thậm chí án mạng. Hay những vụ trộm “vặt” hoa màu tại nông thôn, chưa đủ xử lý hình sự, nếu hoà giải viên không kịp thời can thiệp thì dễ gây uất ức, bức xúc, bột phát đánh người gây thương tích… Chính vì vậy, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa chi bộ, tổ chức đoàn thể tại thôn xóm để tổ hoà giải kịp thời phát hiện, làm tốt công tác hoà giải mâu thuẫn.Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đánh giá cao kết quả của công tác hoà giải tại cơ sở, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và Công an TP đã chủ động vai trò tham mưu, có những biện pháp hữu hiệu đảm bảo ANTT trên địa bàn Thủ đô. Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn yêu cầu thời gian tới, các sở, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong quần chúng Nhân dân, nhất là giới trẻ, học sinh, sinh viên trên toàn địa bàn về đạo đức, lối sống, chính sách pháp luật, phương thức, thủ đoạn của hoạt động của các loại tội phạm; nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình “tổ hoà giải”, vai trò tổ trưởng dân phố nhằm phát hiện, hoà giải kịp thời mâu thuẫn tại cơ sở.Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, các sở, ngành của TP dựa trên thực tiễn cần nghiên cứu, tham mưu UBND TP xây dựng văn bản quy định đặc thù về kinh doanh ngành nghề nhạy cảm, tiềm ẩn mất ANTT tại Thủ đô. Từ quy định này, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm dấu hiệu DN, cơ sở kinh doanh vi phạm pháp luật.