Xử lý nghiêm trục lợi Covid-19

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - C03 Bộ Công an đã khởi tố Phan Quốc Việt - Tổng Giám đốc Công ty Việt Á cùng đồng bọn, trong đó có Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến về tội nâng giá khống thiết bị xét nghiệm. Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với 7 đối tượng liên quan. Bộ Công an đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán kít xét nghiệm Covid-19 cho CDC Hải Dương với tổng giá trị 151 tỷ đồng, Phan Quốc Việt đã chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến gần 30 tỷ đồng.

Kit test Covid-19 của Công ty Việt Á
Tháng 4/2020, Công ty Việt Á mới được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kít xét nghiệm Covid-19. Đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng kít xét nghiệm Covid-19 cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, TP trên cả nước với doanh thu khoảng gần 4.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mọi việc nóng lên khi tại Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng với cộng đồng DN và các địa phương diễn ra mới đây vào cuối tháng 9/2021, ông Đặng Hồng Anh - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam vừa gây chú ý với phát ngôn về giá một bộ kít test xét nghiệm nhanh Covid-19. Theo đó, ông Đặng Hồng Anh cho biết, giá bộ test xét nghiệm nhanh Covid-19 mua số lượng lớn tại nước ngoài chỉ khoảng 1,5 USD/test. Doanh nhân này công bố nếu mua số lượng lớn giá chỉ còn 1 USD/test, tiết kiệm được cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng.
Thông tin khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi về mức giá xét nghiệm hiện nay. Đến lúc này tra tìm trên mạng không khó để thấy một số loại giá kít ở Đức, có chứng chỉ CE mà giá bán chỉ 0,75 € tức chỉ khoảng 20.000 đồng. Lên website của Bộ Y tế thì thấy danh sách và giá bán các loại kít xét nghiệm, gồm cả PCR, Antibody và Antigen (Test nhanh tìm kháng nguyên). Trong đó rẻ nhất là kít của Medicon (Việt Nam) 135.000 đồng còn đắt nhất là 198.000 đồng. Cũng trong tháng 7 Bộ Y tế ban hành giá xét nghiệm Covid, trong đó qui định giá Test nhanh là 235.000 đồng ( dựa trên giá kít test của Medicon là 135.000 đồng, còn 100.000 đồng là công lấy mẫu xét nghiệm).

Báo chí vào cuộc và Bộ Y tế đã có những trả lời xung quanh vụ việc qua đó cho thấy, việc nhập những loại vật tư này do DN tự đăng ký. Điều đáng nói ở đây là kinh phí để mua những vật tư này do ngân sách chống dịch bỏ ra để phục vụ người người dân. Thực tế, trong thời gian qua, đã có không ít những chủ trương, chính sách được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương ban hành đáp ứng được những diễn biến phức tạp của dịch. Ngành y tế cũng đã chấp hành, đề xuất những giải pháp linh hoạt trong việc triển khai để bảo đảm hiệu quả công tác phòng, chống dịch từ tổ chức xét nghiệm diện rộng, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng đến việc bố trí nguồn lực, triển khai các biện pháp đối phó.

Tuy nhiên, những chủ trương, chính sách đó đã bị một số kẻ xấu lợi dụng. Đáng lẽ khi được giao trách nhiệm họ phải đề xuất, tìm những giải pháp để có thể mua được kít test với chất lượng tốt và giá rẻ nhất. Tuy nhiên thay vì điều đó, những đối tượng này lại lợi dụng kẽ hở, lợi dụng yêu cầu cấp thiết trong công tác phòng, chống dịch để thu lợi bất chính. Những lình xình trên tới đây sẽ được được cơ quan điều tra Bộ Công an làm rõ. Song điều quan trọng là trách nhiệm không nhỏ của cơ quan quản lý, những lỗ hổng pháp lý rất cần sớm hoàn thiện để bảo đảm phục vụ tốt nhất yêu cầu chống dịch cũng như bảo vệ sức khỏe người dân.