Lãnh đạo UBND một số địa phương thừa nhận lỗi này xuất phát từ việc chính quyền cơ sở buông lỏng quản lý.
Từ chỗ một vài hộ vi phạm dẫn đến nhiều hộ khác “đua nhau” tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp của gia đình. Thậm chí, người dân còn lấn chiếm cả đất công do chính quyền địa phương đang quản lý bằng cách đổ đất phế thải, cát san lấp ruộng, ao, hồ vẫn có chức năng chứa nước. Để thực hiện hành vi vi phạm, bước đầu các trường hợp thực hiện “động tác giả” trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường rồi nghe ngóng tình hình thấy thuận lợi là tiến hành làm nhà xưởng bằng tôn, thậm chí xây dựng nhà kiên cố bằng gạch, bê tông cốt thép. Ban đầu, diện tích vi phạm chỉ là một vài chục mét vuông. Và, khi thấy chính quyền địa phương không quyết liệt vào cuộc hoặc chỉ xử lý qua quýt, vậy là vài ngày sau, diện tích vi phạm đã tăng lên gấp nhiều lần.
Những vi phạm dạng này đều đã được báo Kinh tế & Đô thị đã phản ánh, như vụ việc: Phim trường “mọc” trên đất nông nghiệp tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì; Nhiều ao, hồ, đất nông nghiệp tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh bị san lấp trái phép; Xây dựng nhà xưởng “khủng” trên đất nông nghiệp tại xã Văn Tự, huyện Thường Tín… Ngay sau đó, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các sở, ngành chủ trì, phối hợp cùng UBND các huyện vào cuộc tuyên truyền, vận động các chủ hộ tự tháo dỡ công trình vi phạm. Qua đó, nhiều trường hợp đã tự giác tháo dỡ. Tuy nhiên, còn một số nơi chính quyền các cấp vẫn phải bố trí thời gian, công sức để hoàn thiện, củng cố hồ sơ vi phạm, ra quyết định xử phạt hành chính theo quy định rồi tổ chức cưỡng chế công trình gây tốn kém tiền của cho Nhà nước và thiệt hại cho người dân. Sau khi xảy ra sự việc, lãnh đạo UBND một số huyện cũng đã thừa nhận lỗi này xuất phát từ việc chính quyền cơ sở buông lỏng quản lý.
Nhiều ý kiến khác của người dân cho rằng, thời gian qua, do lãnh đạo, cán bộ một số xã, thị trấn chủ quan, lơi là trong công tác điều hành, quản lý đất đai, xây dựng để tập trung cho công tác bầu cử ĐB Quốc hội và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 được triển khai đúng luật, dân chủ, chất lượng cũng như đảm bảo tiến độ nên mới dẫn đến vi phạm gia tăng. Bên cạnh đó, một số nơi còn có hiện tượng lãnh đạo, cán bộ địa phương ngại va chạm, đối diện với việc xử lý vi phạm do sợ ảnh hưởng đến bản thân bởi vì sắp đến ngày bầu cử ĐB Quốc hội và HĐND các cấp. Thời điểm khá “nhạy cảm” khiến một số cá nhân sẽ lợi dụng gây mất an ninh trật tự hoặc làm ảnh hưởng đến lá phiếu bầu cho mình. Đây được coi là một trong nguyên nhân dẫn đến “vết trượt” vi phạm đất đai, xây dựng tại một số huyện trên địa bàn TP đã, đang và sẽ có nguy cơ ngày một gia tăng.
Để làm tốt công tác quản lý đất đai, xây dựng tại địa phương vùng nông thôn, UBND các huyện cần tuyên truyền liên tục hơn nữa về Luật Đất đai, Luật Xây dựng với các hình thức từ trực tiếp đến gián tiếp, qua đó người dân mới nắm bắt được thông tin để chấp hành theo quy định. Bên cạnh đó, cần tăng cường thanh, kiểm tra nhằm phát hiện kịp thời các vi phạm về đất đai, xây dựng. Khi phát hiện vi phạm, chế tài xử lý phải đủ mạnh để răn đe, phòng ngừa, quyết liệt, tránh vi phạm khác xảy ra. Mặt khác, giữa cán bộ chuyên môn các cấp cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc phối kết hợp để sớm phát hiện và đề xuất hướng xử lý một cách kịp thời ngay từ khi vi phạm mới manh nha, chưa gây ra thiệt hại nhiều cho người dân, DN và Nhà nước. Đồng thời, gắn kết trách nhiệm cho mỗi lãnh đạo, cán bộ, đảng viên ở những khu vực cụ thể, lấy đây là tiêu chí bình xét thi đua hàng năm để đánh giá năng lực, trình độ chuyên môn và thể hiện trách nhiệm trong công việc được giao. Đi đôi với những việc làm trên, việc tăng cường công tác giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước, giám sát của MTTQ Việt Nam và HĐND ở các cấp cần được áp dụng hết trách nhiệm, thường xuyên và liên tục để thể hiện rõ vai trò trong hoạt động kiểm tra, giám sát cơ quan chuyên môn khi xử lý vi phạm.
800m2 nhà xưởng bằng khung sắt mái tôn xây dựng trên đất nông nghiệp tại xã Văn Tự, huyện Thường Tín đã được tháo dỡ xong. Ảnh: Nguyễn Trường
|