Xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh hàng kém chất lượng

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Hà Nội (BCĐ 389 Hà Nội) tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng cuối năm 2016 do BCĐ 389 Hà Nội tổ chức.

Trong 6 tháng đầu năm, BCĐ 389 Hà Nội đã tích cực, chủ động tham mưu cho Chính phủ, BCĐ 389 Quốc gia và UBND TP Hà Nội các giải pháp, chỉ đạo điều hành, thực hiện tốt công tác đấu tranh chống gian lận thương mại, góp phần quan trọng bảo đảm quyền lợi kinh doanh hợp pháp chính đáng của DN, hộ kinh doanh và người tiêu dùng.
Quang cảnh hội nghị Ban chấp hành Liên đoàn lao động TP Hà Nội. Ảnh Thanh Hải
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Hà Nội (BCĐ 389 Hà Nội) phát biểu tại Hội nghị 
Các lực lượng chức năng thuộc BCĐ 389 Hà Nội đã kiểm tra 23.340 vụ, xử lý 11.129 vụ,  hàng tiêu huỷ... Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, trị giá hơn 1.397 tỷ đồng. Các vụ việc vi phạm đã được xử lý nghiêm, tịch thu phương tiện vi phạm, đưa ra khởi tố hình sự 111 vụ đối với 143 bị can. Tuy nhiên, việc phối hợp trao đổi thông tin giữa các đơn vị có lúc chưa đồng bộ, quyết liệt và kịp thời ở một số vụ và thời điểm. Các vụ việc xử lý có tính chất đường dây, ổ nhóm vẫn chưa nhiều.

Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị thành viên BCĐ 389 TP, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đánh giá, với sự quan tâm chỉ đạo của BCĐ 389 Quốc gia, TP và sự quyết tâm vào cuộc của các đơn vị, sự tích cực của nhân dân, 6 tháng đầu năm 2016, công tác QLTT đạt được nhiều kết quả khả quan. 

Công tác phối hợp của các đơn vị trong BCĐ 389 Hà Nội, nhất là hai đơn vị chủ lực là Sở Công Thương và Công an TP đã diễn ra hiệu quả và ngày càng được tăng cường. Công tác điều tra, khám phá đạt nhiều hiệu quả, phát hiện và ngăn chặn được nhiều vụ vi phạm lớn.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong công tác khi những vụ việc lớn chưa được phát hiện nhiều, kết quả đạt được so trách nhiệm vẫn chưa tương xứng; việc quản lý một số tụ điểm vẫn chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả…

Vì vậy, 6 tháng cuối năm thường là các tháng cao điểm về buôn bán hàng giả, hàng nhái, Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn yêu cầu, các đơn vị thành viên tiếp tục căn cứ vào tình hình thực tiễn trên địa bàn để xây dựng kế hoạch đấu tranh hiệu quả đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại. Trong đó, làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình thị trường, tập trung vào các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, tạo sự chuyển biến mạnh trong công tác đấu tranh, phòng ngừa các vi phạm gây bất ổn cho thị trường Hà Nội. Đồng thời nhấn mạnh, cần chú trọng kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng kém chất lượng, không bảo đảm ATTP; tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến đường giao thông, ga tàu, bến xe, kho hàng... thường tập kết hàng buôn lậu; các chợ đầu mối, trung tâm thương mại tập trung buôn bán hàng hoá số lượng lớn.

Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn đề nghị các đơn vị, tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trưởng ban BCĐ 389 Quốc gia trong việc quy định trách nhiệm người đứng đầu, thủ trưởng các ngành thành viên, Chủ tịch UBND các cấp phải chịu trách nhiệm nếu trên địa bàn quản lý xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại nghiêm trọng, kéo dài. 

Các lực lượng chức năng Hà Nội tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng T.Ư và các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh biên giới để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu. “Về phía DN, cần tập trung nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng hàng hoá, chủ động phối hợp với lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh chống hàng giả” - Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn yêu cầu.