Xử lý ngộ độc rượu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), mỗi năm, cả nước có hàng chục vụ ngộ độc rượu khiến nhiều người tử vong, trong đó tập trung nhiều vào dịp lễ, Tết. Vậy, cách nhận biết và xử trí khi bị ngộ độc rượu ra sao?

Nhận biết ngộ độc rượu

Ngày Tết, nhiều người vui "quá đà" dẫn đến say rượu. Nguy hiểm hơn, nhiều người không phân biệt được giữa say rượu và ngộ độc rượu, không đến các cơ sở y tế kịp thời dẫn tới tình trạng nguy kịch, thậm chí tử vong. Sau đây là cách phân biệt giữa say rượu và ngộ độc rượu: Người say rượu thường chếnh choáng, nói líu lưỡi, phối hợp cơ thể kém, mất thăng bằng, buồn nôn và nôn. Trong khi đó, chậm nhất là 24 giờ sau khi uống rượu pha cồn methanol, các triệu chứng của người bị ngộ độc rượu sẽ xuất hiện như chóng mặt, ăn vào lại nôn nhiều lần, đau bụng, lú lẫn, yếu cơ, mắt mờ hoặc nhìn thấy trắng mờ, rối loạn cảm nhận về màu sắc. Nếu nhận thấy những triệu chứng trên ở người trước đó đã uống rượu thì cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.

 
Bệnh nhân bị ngộ độc rượu được điều trị tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Ngọc Dung
Bệnh nhân bị ngộ độc rượu được điều trị tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Ngọc Dung
 
Ngộ độc rượu loại ethanol thường biểu hiện hai dạng, ngộ độc cấp tính và mạn tính, nhưng nguy hiểm ở chỗ, dù cấp tính hay mạn tính đều có thể gây tử vong. Ngộ độc mạn tính có thể dẫn đến sút cân, chán ăn, tiêu chảy, da xanh tái, tổn thương gan, mất trí nhớ, run, rối loạn tâm thần. Nguy hiểm hơn và thường dẫn đến tử vong là uống rượu tự pha chế có chứa methanol (cồn công nghiệp). Methanol sau khi được uống vào sẽ chuyển hoá thành formaldehyt, sau đó thành formic acid. Chính những chất này gây độc cho gan, thận, đặc biệt là gây toan hóa máu nặng nề. 

Xử lý thế nào?

Khi thấy nạn nhân có biểu hiện ngộ độc rượu, người nhà cần kê gối thấp cho bệnh nhân nằm nhằm làm nôn hết rượu ra. Sau đó, để bệnh nhân ngủ, cứ vài tiếng phải đánh thức bệnh nhân dậy cho ăn cháo loãng. Tránh trường hợp để bệnh nhân đói sẽ bị hạ đường huyết nguy hiểm. Có thể cho bệnh nhân uống một cốc sữa nóng, trà đặc. Không nên cho nạn nhân uống những loại thuốc có tác dụng bổ gan để giải độc rượu. Không nên uống thêm vitamin B1, B6, acid folic… để làm giảm đau đầu khi say, bởi sẽ có hại cho gan. Paracetamon, aspirin và một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt khi uống với rượu sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày, gây chảy máu đường tiêu hoá. Không nên uống các loại thuốc chống nôn vì sẽ làm giữ chất độc lại trong cơ thể, gan không thể lọc chất độc kịp càng tổn hại nghiêm trọng, lâu ngày sẽ bị xơ gan, ung thư gan.

Nếu nạn nhân có biểu hiện co giật, thở không đều, ngã chảy máu tai, mắt, loạn nhịp tim hoặc hôn mê thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời. Tại bệnh viện, sau khi bệnh nhân được rửa ruột, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân thuốc giúp tránh những độc tố của rượu ảnh hưởng đến chức năng gan. Để phòng, tránh ngộ độc rượu, đặc biệt trong những ngày Tết, người dân chỉ nên mua và sử dụng các loại rượu đóng chai có nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng. Tuy nhiên không nên quá lạm dụng rượu bia trong những ngày lễ, Tết, nhất là đối với người mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, tiểu đường, huyết áp... Rượu có thể giúp tiêu hóa tốt, hạn chế các bệnh về tim mạch và ngừa bệnh ung thư cũng như làm chậm tiến trình thoái hóa. Tuy nhiên, nếu uống quá nhiều rượu sẽ đối mặt với các nguy cơ ngộ độc; về lâu dài sẽ đối mặt với bệnh tật như tổn thương não, xơ gan, viêm loét dạ dày, nhồi máu cơ tim, mất trí nhớ... Do vậy, để uống rượu an toàn, không nên uống quá 30ml/ngày đối với rượu mạnh và 700ml/ngày đối với bia. Ngoài ra, không uống rượu pha chế, rượu ngâm với lá, rễ cây độc, phủ tạng động vật không rõ độc tính, mật cá hay những rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.