Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo: Giải pháp nào triệt để?

Vũ Lê – Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khoảng 10 năm trở lại đây, khi hàng loạt tuyến đường tại Hà Nội được xây mới, mở rộng phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện ngày càng nhiều.

Những ngôi nhà có hình thù kỳ dị thực sự giống như những cái “nhọt” gây nhức nhối và làm bộ mặt đô thị Thủ đô kém văn minh, hiện đại. Mặc dù các công trình này đã được chính quyền các quận, huyện, cơ quan chức năng rốt ráo vào cuộc, xử lý, song nhiều ý kiến cho rằng các giải pháp hiện nay chỉ như “ném đá ao bèo”.
Bài 1: “Đặc sản” trên các tuyến đường mới mở

Tại các quận nội đô, tình trạng đường mở đến đâu, nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện ở đó, bất chấp các quy định không còn là chuyện hiếm ở Hà Nội. Hình ảnh những căn nhà có hình thù kỳ dị đu bám mặt tiền các tuyến đường to rộng không chỉ làm bộ mặt đô thị lem nhem, xấu xí mà còn như một thách thức đối với công tác quy hoạch Thủ đô.

Liên tục tái diễn

Nhằm xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, giảm ùn tắc khu vực nội đô, thời gian qua, nhiều tuyến đường vành đai, đường nội đô tại các quận được Hà Nội tập trung nguồn lực để mở rộng, xây mới. Thế nhưng, từ hàng chục năm qua, mỗi khi các con đường mở ra cùng với việc đem lại bộ mặt đô thị khang trang cho nhiều địa phương cũng là thời điểm mặt tiền các tuyến đường trở nên lộn xộn, nhếch nhác bởi những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo mọc lên từ những thửa đất quá nhỏ, không đủ tiêu chuẩn xây dựng nhà ở hoặc từ các thửa đất không còn vuông vắn sau thu hồi thực hiện dự án.
  Khoảnh đất hình thang khoảng 10m2 đang được chủ nhà khẩn trương xây dựng tại đầu ngõ 9, phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Vũ Lê

Đi dọc các tuyến đường đã và đang được mở rộng như: Vành đai 3, đoạn từ Mai Dịch - cầu Thăng Long (đường Phạm Văn Đồng), đường Võ Chí Công, đường Vành đai 1, đoạn Xã Đàn – Ô Chợ Dừa, đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Vĩnh Tuy, Đào Tấn, Thanh Nhàn… không khó để bắt gặp những ngôi nhà có hình thù kỳ dị như hình thang, đa giác, tam giác… Những ngôi nhà này không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn nguy hiểm cho người sử dụng. Điển hình là ngôi nhà tại số 630 đường Trường Chinh, trong khi bức tường tầng 1 chỉ bằng cái cột nhà, diện tích mặt bằng cả mảnh đất chỉ khoảng 4m2 nhưng chủ công trình đã chồng lên 4 tầng và cơi nới khoảng không, thản nhiên sử dụng.

Ghi nhận trên thực tế tại tuyến Vành đai 2 (đoạn Minh Khai – Đại La – Trường Chinh) đang được giải phóng mặt bằng từ năm 2020 đến nay để làm đường trên cao, những ngôi nhà có hình thù kỳ dị, siêu mỏng, siêu méo, cao 3 - 4 tầng sừng sững xuất hiện dù tuyến đường chưa hoàn thiện. Cụ thể, các nhà hình tam giác tại 145 Đại La, số 2 Đại La (tại ngã tư Đại La – Bạch Mai); 256 Minh Khai; 6/169 Minh Khai; 48 Trường Chinh… Tại đầu ngõ 9, phố Minh Khai, khoảnh đất hình thang khoảng 10m2 đang được chủ nhà khẩn trương xây dựng. Ngoài ra, còn rất nhiều ô đất nhỏ hẹp chỉ 1 - 2m2 với đủ loại hình dạng méo mó đang được quây tôn, quây gạch để giữ đất như đầu ngõ 259 Giải Phóng, các ngõ 296, 258, 302 phố Minh Khai... Không ai có thể khẳng định chắc chắn rằng những ngôi nhà mỏng, méo không tiếp tục mọc lên trên các ô đất đó.

Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng cho hay, hiện nay trên địa bàn TP, số lượng nhà đất không đủ điều kiện xây dựng sau giải phóng mặt bằng là 130 trường hợp, đều phát sinh từ trước năm 2019. Trong đó, các quận, huyện có số lượng nhà siêu mỏng, siêu méo lớn nhất, gồm: Ba Đình 52 trường hợp; Cầu Giấy 24 trường hợp; Thanh Xuân 6 trường hợp; Đống Đa 12 trường hợp; Tây Hồ 33 trường hợp; Hoàng Mai, Thanh Oai và Bắc Từ Liêm mỗi địa bàn có 1 trường hợp.

Mới chỉ xử lý phần ngọn

Những năm qua, nhiều giải pháp đã được TP Hà Nội đưa ra, hàng loạt văn bản được ban hành, thậm chí giao trách nhiệm cho người đứng đầu ở hệ thống chính quyền cơ sở trong việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo. Cụ thể, Chủ tịch UBND TP đã ban hành Chỉ thị 20/CT-UBND (ngày 11/11/2016), trong đó nêu: Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP về tình trạng tồn tại hoặc phát sinh thêm các trường hợp siêu mỏng, siêu méo trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý.
 Nhà siêu méo trên đường Vành đai 2, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Chuyên gia quản lý đô thị Thạc sĩ Đinh Quốc Thái cho biết, thời gian qua, chính quyền TP Hà Nội đã dùng nguồn lực lớn để thực hiện các đề án chỉnh trang đô thị tại những tuyến phố nội đô. Đây là những khu vực chịu nhiều ảnh hưởng bởi công trình xây dựng không đồng bộ cách đây nhiều thập kỷ, thời điểm chưa có quy định, quy chuẩn rõ ràng về thiết kế đô thị. “Những trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo phát sinh trong thời gian gần đây sẽ gây ra những khó khăn cho chính quyền trong công tác quản lý. Nếu như không có biện pháp quyết liệt để ngăn chặn tình trạng phát sinh thì TP sẽ phải tốn thêm nhiều nguồn lực khác để xử lý những công trình này trong thời gian tới” – ông Định Quốc Thái nhìn nhận.

Còn theo đánh giá của Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm, rõ ràng để xảy ra việc xây dựng nhà siêu mỏng, siêu méo trên bất kỳ tuyến đường nào, trước hết trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương, chủ yếu là trách nhiệm của Thanh tra xây dựng. Lực lượng này đã được tổ chức từ quận, huyện đến phường, xã, do vậy, không thể nói chuyện "không biết để xử lý kịp thời". Tuy vậy, từ thực tế cho thấy cũng không thể "trăm dâu đổ đầu... cơ sở" khi cấp này đang "chạy theo" vi phạm và việc xử lý cũng chỉ là phần ngọn.

(còn nữa)

"Hiện tượng nhà siêu mỏng, siêu méo không chỉ xuất hiện ở Việt Nam, mà còn phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, để đảm bảo mỹ quan đô thị, các quốc gia này đã đưa phần diện tích đó để xây dựng công trình công cộng như vườn hoa, cây ATM... Việt Nam hoàn toàn có thể tham khảo kinh nghiệm để triển khai." - Chuyên gia quản lý đô thị, Thạc sĩ Đinh Quốc Thái