Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý nợ xấu: Đụng đâu cũng vướng

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xử lý nợ xấu cần phải có đột phá. Đặc biệt là cần phải nghiên cứu để có đạo luật riêng cho xử lý nợ xấu.

Tại Hội thảo “Xử lý nợ xấu - Những nút thắt cần tháo gỡ” tổ chức chiều 26/10, các chuyên gia cho rằng, xử lý nợ xấu cần phải có đột phá. Đặc biệt là cần phải nghiên cứu để có đạo luật riêng cho xử lý nợ xấu.
 Nợ xấu thực là bao nhiêu?
“Tỷ lệ nợ xấu cần được công bố cho đúng và đủ” - TS Cấn Văn Lực phát biểu. Theo ông Lực, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố cuối tháng 9 là 2,62%, nếu cộng thêm Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam - VAMC mua về tương đương 85% tổng nợ xấu thì nhiều tổ chức đánh giá nợ xấu phải lên tới 8,1%, IMF tính trên 10%.
 Việc xử lý các khoản nợ xấu hiện vẫn còn nhiều vướng mắc.           Ảnh: Công Hùng
Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay, theo tính toán của Ủy ban Kinh tế, hiện nợ xấu còn đọng ở các TCTD 147.000 tỷ đồng, 160.000 tỷ đồng nữa nằm ở VAMC, báo cáo nội bảng 145.000 tỷ đồng nữa nếu không xử lý nợ sẽ gây thêm nợ xấu. Muốn xử lý nợ, VAMC như bất cứ một “ông chủ” nào khác, cần phải có 2 thứ: “Tiền tươi thóc thật” và cơ chế. Vốn điều lệ của VAMC có 2.000 tỷ đồng so với 256.000 tỷ

Hiện nay, nợ xấu đang là một nguy cơ rất lớn của nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, nếu không có một đạo luật hay một số điều luật đặc biệt để xử lý, thì sẽ có nguy cơ kéo dài số năm giải quyết. Do đó, “bảo bối” để sớm thoát hiểm nợ xấu đang nằm trong tay tòa án, cơ quan thi hành án, Chính phủ và Quốc hội

Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO

đồng nợ gốc đã mua là “không nhằm nhò gì”. Về cơ chế, VAMC không đủ quyền hạn và đủ sức thiết lập một thị trường mua bán nợ. Như một định chế trung gian, khi mua bất kỳ món nợ nào, nợ xấu NH là thứ hàng hóa đang xuống giá khủng khiếp. “70% nợ xấu là tài sản thế chấp bằng bất động sản (BĐS). VAMC đang gặp rất nhiều nút thắt trong quá trình xử lý nợ xấu, khó khăn về xử lý tài sản đảm bảo” - ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch HĐTV VAMC chia sẻ.
Ông Hùng cho hay, Nghị định 53/2013/NĐ-CP chưa quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ đối với các cấp, các ngành trong việc thu giữ tài sản. Vì vậy, trong trường hợp UBND sở tại và cơ quan công an hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự để VAMC thực hiện thu giữ tài sản nhưng tại thời điểm thu giữ, chủ tài sản chống đối thì cũng không thể ép buộc đối tượng này bàn giao tài sản. Ngay cả quy định tại Điều 301 Bộ luật Dân sự 2015 mới, trong trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản bảo đảm thì bên nhận bảo đảm chỉ có quyền khởi kiện tại tòa án. Trong khi đó, việc xác định giá khởi điểm để phát mại tài sản cũng rất khó khăn để có đồng thuận giữa TCTD, khách hàng và VAMC... Một nút thắt khác là hành lang pháp lý để vận hành thị trường mua bán nợ còn nhiều hạn chế. VAMC mua nợ xấu của các TCTD nhưng không thể bán được nợ cho bên thứ ba (ngoài Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN (DATC), công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) của các TCTD) nếu không có chức năng kinh doanh về ngành nghề mua bán nợ. Quyền và trách nhiệm của người mua nợ, người bán nợ, người xử lý nợ chưa được quy định rõ ràng; việc định giá khoản nợ chưa có quy định cụ thể…
Cần một đạo luật riêng
Xử lý nợ xấu thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho các NHTM và các DN là ý kiến của TS Đặng Ngọc Đức - Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân. Với phương án này, ông Đức cho rằng, khoản nợ xấu sau khi được chứng khoán hóa thành trái phiếu Chính phủ và phiếu nợ phải đòi khi đưa vào giao dịch trên thị trường thì những người tham gia mua những trái phiếu này đều là tự nguyện, không đổ gánh nặng lên người dân hay đụng đến ngân sách Chính phủ…
Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên lại không đặt nhiều kỳ vọng vào phương thức này, bởi: Khi bán khoản nợ của DN sẽ liên quan đến cơ chế giá, mua xong thì bán như thế nào, cơ chế sau đó ai là người chịu trách nhiệm…, trong khi nợ công bây giờ đang rất lớn, nếu gánh thêm một khoản lớn như thế thì câu chuyện sẽ đi về đâu, hay nếu xử lý xong thì khối nợ mới sẽ tính như thế nào? Bởi nợ xấu chỉ có thể “triệt tiêu” bằng cách dùng “tiền tươi thóc thật”, chứ không thể chuyển hóa từ nơi này sang nơi khác được. Do đó, câu chuyện giải quyết triệt tiêu nợ xấu đối với nền kinh tế vẫn sẽ là vấn đề đau đầu.
TS Cấn Văn Lực đề xuất 3 đột phá để giải quyết nợ xấu: Thứ nhất là tạo thị trường mua bán nợ: Dứt khoát phải theo giá thị trường, như kinh nghiệm của Thái Lan, Malaysia. Thứ hai là định giá mua bán nợ, phải có cách thức để có sự thống nhất giá mua bán nợ giữa NH, DN và VAMC. Cần nhà đầu tư (NĐT) trong và ngoài nước tham gia. Với nước ngoài, giải pháp tối ưu cho phép NĐT nước ngoài ủy thác cho bên thứ 3, và Hàn Quốc đã thực hiện thành công vấn đề này. Thứ ba là nguồn lực, có dùng thêm nguồn lực Nhà nước hay không, cơ chế quan trọng nhưng không có tiền thì rất khó. Ngoài ra, cần có cơ chế chính sách đến lúc cần phải nghiên cứu để có đạo luật riêng cho xử lý nợ xấu.
Theo các chuyên gia, vấn đề hiện nay rất vướng là để xử lý được tài sản bảo đảm thì phải sửa rất nhiều luật, song luật pháp cần có sự ổn định và tính dài hạn. Không thể sửa một loạt luật để phục vụ cho việc xử lý nợ xấu. Nếu đặt giả thiết sau khi sửa luật để xử lý xong nợ xấu, lại hồi phục theo nội dung hiện hành, cũng là việc khó có thể chấp nhận. Đó là lý do tại sao các cơ quan vĩ mô đang cân nhắc việc sửa đổi hệ thống pháp lý để hỗ trợ NH xử lý nợ xấu nói riêng và tái cơ cấu nói chung. Vì lẽ đó, các chuyên gia đều đồng tình, trong tình huống này, một giải pháp cần được cân nhắc là NH Nhà nước báo cáo Chính phủ và xin ý kiến Quốc hội để xây dựng một luật riêng về xử lý nợ xấu. Luật này sẽ chi phối và quy định toàn bộ hoạt động hình thành nợ xấu trong giai đoạn hiện nay.