Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp Hà Nội: Chưa được quan tâm đúng mức - Bài 3: Rõ người, rõ trách nhiệm

Vũ Cúc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Chương trình công tác năm 2017, từ ngày 18/8 - 8/9, Ban Đô thị, HĐND TP Hà Nội đã tổ chức Đoàn giám sát việc thực hiện quy định pháp luật trong hoạt động thu gom và xử lý nước thải (XLNT) tại các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn Hà Nội.

 Đồng chí Nguyễn Nguyên Quân - Trưởng ban Đô thị, HĐND TP Hà Nội
Kết thúc đợt giám sát, báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Nguyên Quân - Trưởng ban Đô thị, HĐND TP Hà Nội về vấn đề này.
Là Trưởng đoàn giám sát, ông đánh giá gì về hiện trạng xử lý nước thải của các CCN trên địa bàn Hà Nội hiện nay?

- Có thể nói, trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường nói chung và thu gom XLNT tại các CCN nói riêng luôn được TP quan tâm. Nhiều chương trình, kế hoạch đã được ban hành. Hàng năm, UBND TP cũng ban hành các kế hoạch, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị tổ chức thực hiện.

Tính đến tháng 8/2017, trên địa bàn TP có 89 CCN đang hoạt động, trong đó 43 CCN đã hoạt động ổn định. Đến nay, 21 cụm đã được TP, quận, huyện, thị xã và các DN đầu tư kinh doanh hạ tầng đầu tư xây dựng hoàn thành và cơ bản hoàn thành hệ thống XLNT tập trung với công suất hoạt động từ 200 – 4.500m3/ngày/đêm, trong đó nhiều trạm XLNT vận hành hoạt động ổn định, hiệu quả.

Dẫu vậy, qua khảo sát trực tiếp 6 CCN tại 5 huyện cho thấy, việc XLNT tại các CCN của Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống XLNT tập trung tại các CCN đã hoạt động ổn định còn rất chậm. Một số dự án đầu tư hệ thống XLNT tập trung nhưng không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp như tại CCN Tân Triều (Thanh Trì), cụm tiểu thủ công nghiệp làng nghề Duyên Thái (Thường Tín)...

Theo ông, những tồn tại trên có nguyên nhân chủ yếu từ đâu?

- Tôi cho rằng, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan, do nhiều CCN được hình thành từ các điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề nên có quy mô nhỏ, lưu lượng xả thải ít. Công tác đền bù, bồi thường GPMB ở một số CCN, địa phương gặp nhiều khó khăn. Nguồn lực ngân sách TP, quận, huyện bố trí để đầu tư xây dựng trạm, hệ thống thu gom XLNT tập trung tại các CCN còn hạn chế. Hoạt động thu gom, XLNT công nghiệp đòi hỏi đầu tư vốn lớn, thời gian thu hồi vốn dài nên khó thu hút DN tham gia đầu tư.

Về nguyên nhân chủ quan, công tác phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc tiến độ của các sở chuyên ngành TP thiếu sát sao, chưa quyết liệt. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền một số quận, huyện, xã, phường chưa quan tâm đúng mức việc đầu tư xây dựng hệ thống XLNT. Bên cạnh đó, công tác thống kê, điều tra, khảo sát, tính toán lưu lượng xả thải chưa chính xác, dẫn đến hoạt động của trạm chưa hiệu quả…

Qua đợt giám sát cũng cho thấy, một số chủ đầu tư CCN chưa chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng hệ thống XLNT tập trung, về quan trắc môi trường tự động. Ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của một số DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong CCN, chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN chưa cao, một số tổ chức, cá nhân, DN vẫn cố tình vi phạm.

Ban Đô thị, HĐND TP đã có những kiến nghị với UBND TP Hà Nội nhằm nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực xử lý nước thải tại các CCN?

- Sau khi nắm bắt tình hình thực tiễn và làm việc với các sở ngành, quận huyện, Ban Đô thị đã tổng hợp 9 kiến nghị gửi UBND TP. Trong đó, giải pháp lâu dài quan trọng nhất, các sở ngành chức năng cần rà soát tổng thể, đánh giá thực trạng đầu tư và nghiên cứu phương án quản lý vận hành hệ thống XLNT tập trung toàn bộ các CCN trên địa bàn TP. Trên cơ sở đó đề xuất phương án, kế hoạch cụ thể về đầu tư, kêu gọi đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp hệ thống XLNT tập trung.

Giai đoạn trước mắt, các sở ngành, địa phương cần kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư các CCN đảm bảo thực hiện đúng tiến độ cam kết về đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và XLNT, để đảm bảo thực hiện đạt chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2017 đã được HĐND TP quyết nghị (đến hết năm 2017 có 55,8% CCN đang hoạt động ổn định trên địa bàn TP có hệ thống XLNT tập trung).

Ngoài ra, đối với các CCN đã được đầu tư xây dựng hệ thống XLNT tập trung nhưng chưa đưa vào hoạt động phải có phương án nâng cấp để đưa vào sử dụng tránh lãng phí. Các CCN chưa được đầu tư xây dựng hệ thống XLNT tập trung có quy mô nhỏ, lượng xả thải ít, có vị trí gần nhau, nên kết hợp đấu nối để đầu tư xây dựng hệ thống XLNT tập trung. Các CCN không thể xây dựng hệ thống XLNT theo mô hình kết hợp nước thải các CCN kết hợp xử lý nước thải tại các làng nghề để nâng cao hiệu quả đầu tư. Đặc biệt, rà soát lại hiệu quả đầu tư, mô hình quản lý của các chủ đầu tư CCN là UBND cấp huyện, xã hiện hoạt động không hiệu quả, có kế hoạch, lộ trình chuyển đổi chủ đầu tư CCN cho các đơn vị có đủ năng lực.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVI đề ra mục tiêu đến năm 2020, 100% CCN có khu XLNT tập trung và được HĐND TP đã cụ thể hóa trong Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Để hoàn thành mục tiêu này, UBND TP cần chú trọng rà soát, đề xuất HĐND TP bổ sung, sửa đổi các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư đủ mạnh nhằm huy động mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa từ các DN tham gia đầu tư xây dựng, quản lý vận hành hệ thống XLNT tập trung tại các CCN. Đồng thời, công tác kiểm tra, giám sát cần phải được thực hiện thường xuyên theo thẩm quyền và xử lý nghiêm, kịp thời các DN, cơ sở sản xuất không chấp hành.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đoàn giám sát Ban Đô thị, HĐND kiểm tra hệ thống XLNT của doanh nghiệp nằm trong CCN Đông Anh. Ảnh: Vũ Cúc