Không có nơi tập kết rác thải đạt tiêu chuẩn, bãi rác quá tải, người dân vô tư đổ rác ra đường, rác thải không được thu dọn kịp thời, dẫn đến tình trạng ô nhiễm kéo dài. Đó là thực trạng đã và đang diễn ra tại các vùng ngoại thành Hà Nội. Theo ghi nhận của chúng tôi, dọc Quốc lộ 6, đoạn qua địa phận huyện Chương Mỹ trung bình vài trăm mét lại xuất hiện một bãi rác lộ thiên với đủ các loại, từ rác sinh hoạt đến rác thải xây dựng… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân và những người thường xuyên qua lại khu vực này. Thậm chí tại nhiều nơi, người dân còn ngang nhiên đổ rác thải thẳng xuống sống, làm thay đổi dòng chảy, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường nước như tại cầu 72II, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức… Tình trạng rác thải rắn chưa được xử lý bị đổ thẳng ra môi trường không chỉ diễn ra tại Hà Nội mà còn diễn ra tại nhiều địa phương khác.
Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ trưởng TN&MT cho biết, lượng chất thải rắn ngày càng gia tăng với mức tăng bình quân khoảng 10% mỗi năm và thành phần ngày càng phức tạp. Trong đó, khoảng 46% chất thải rắn phát sinh từ các đô thị, 17% từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, còn lại là từ khu vực nông thôn, làng nghề và lĩnh vực y tế. "Dự báo đến năm 2015, tỷ lệ chất thải rắn tại đô thị tăng tới 51%, từ các hoạt động sản xuất công nghiệp tăng tới 22%. Kèm theo mức tăng này, mức độ độc hại sẽ tăng lên", ông Tùng cảnh báo.
Theo Báo cáo Môi trường Quốc gia năm 2011, ngoài gây ô nhiễm môi trường, gây tốn kém cho công tác xử lý, chất thải rắn còn là tác nhân gây ra nhiều loại bệnh tật nguy hiểm cho con người, đặc biệt là người dân sống gần khu vực làng nghề, khu công nghiệp, bãi chôn lấp rác thải... |
Thống kê chỉ số phát sinh chất thải rắn bình quân đầu người ở các đô thị cho thấy, Hạ Long (Quảng Ninh) là thành phố có chỉ số chất thải rắn sinh hoạt bình quân đầu người cao nhất, với 1,38 kg/người/ngày. Tiếp đến là Ninh Bình, Đà Lạt, với lượng thải lần lượt 1,3kg/người/ngày và 1,06kg/người/ngày. TP. HCM và Hà Nội cũng là các đô thị có lượng chất thải rắn sinh hoạt bình quân cao, với mức thải lần lượt 0,98kg/người/ngày và 0,9kg/người/ngày.
Tăng cường xã hội hóa quản lý chất thải rắn
Theo Bộ trưởng TN&MT Nguyễn Minh Quang, việc thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu hủy chất thải rắn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, bởi đến thời điểm này, hầu hết các địa phương chưa xây dựng quy hoạch quản lý chất thải rắn. Hiện, mới chỉ có một vài địa phương lập quy hoạch quản lý chất thải rắn như TP. HCM, Bình Định, Đắk Lắk, Quảng Ninh. Theo thống kê tại các đô thị, hiện mới chỉ có 76 - 80% chất thải rắn thu gom được chôn lấp, trong đó chỉ 50% được chôn lấp hợp vệ sinh. Chất thải rắn ở khu vực nông thôn chủ yếu xử lý theo hình thức chôn lấp nhưng đa phần ở các bãi rác hở và để phân hủy tự nhiên.
Trước thực tế trên, các chuyên gia đề xuất các cơ quan chức năng cần xây dựng khu xử lý chất thải rắn thông thường riêng từng địa phương và khu xử lý chất thải nguy hại liên vùng, liên tỉnh, đồng thời kiến nghị các bộ, ngành quản lý chặt chẽ đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu vào mục đích sản xuất, tái chế. Đặc biệt, tăng cường xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn; huy động doanh nghiệp, cộng đồng và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia các hoạt động quản lý chất thải rắn; chú trọng công tác thanh, kiểm tra…
Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam cho rằng, việc thu gom, xử lý chất thải rắn phải xây dựng quy hoạch 10 - 15 năm. Năng lực thực tế của các cơ quan thu gom rác vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng được khi khối lượng rác thải ngày càng gia tăng, độc tố rác thải ngày càng phức tạp. Những việc cần làm ngay như: Sớm triển khai các dự án mở rộng các khu xử lý rác thải; đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực xã hội vào đầu tư dự án thu gom, xử lý chất thải rắn; áp dụng các công nghệ xử lý mới, chẳng hạn công nghệ Seraphin đang khá thành công ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội.