Để khắc phục vấn nạn này, luật giao thông đã “liệt kê” hàng loạt hành vi vào danh sách cấm. Thế nhưng, đến thời điểm này, việc xử lý vẫn gặp muôn vàn khó khăn, đặc biệt là trên các tuyến đường chưa được đặt tên, đường hẹp, không có biển cấm.
Nhiều quy định... nằm trên giấyMặc dù Luật Giao thông đường bộ đã nghiêm cấm hành vi: Dừng xe, đỗ xe trên đoạn đường cong hoặc gần đầu dốc nơi tầm nhìn bị che khuất; Dừng, đỗ xe nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe… Thế nhưng, việc xử lý tình trạng này gặp không ít khó khăn. Cụ thể, theo Nghị định 46, những hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 600.000 – 800.000 đồng. Tuy nhiên, do vì nhiều lý do nên đến thời điểm này việc xử lý của các lực lượng chức năng chủ yếu vẫn dừng lại ở mức nhắc nhở.Đơn cử, tại phố Tô Hiệu, hướng từ đường Hoàng Quốc Việt đi vào, Sở GTVT Hà Nội đã cắm biển cấm dừng, đỗ phương tiện dưới lòng đường. Trong khi đó, theo hướng ngược lại, do không có biển cấm nên vào bất cứ thời điểm nào tại đây cũng xuất hiện một dãy dài xe ô tô dừng, đỗ ngay dưới lòng đường, gây cản trở giao thông.Hàng loạt xe ô tô dừng, đỗ tại đường Tô Hiệu. |
Như vậy, nếu đối chiếu theo các quy định của Luật Giao thông đường bộ, các phương tiện trên sẽ bị xử lý với lỗi dừng, đỗ phương tiện tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe. Thậm chí, tùy theo mức độ, các phương tiện sẽ bị xử lý thêm lỗi dừng xe gây cản trở giao thông. Tuy nhiên, lợi dụng việc tuyến đường không có biển cấm, các phương tiện đỗ thành hàng dài khó xác định được xe nào đỗ trước, xe nào đỗ sau (theo quy định khi đỗ xe tại nơi đường hẹp, xe đỗ sau phải cách xe đỗ trước 20m - PV) nên nhiều trường hợp vẫn cố tình vi phạm.
Đây cũng là thực trạng đã và đang diễn ra tại các tuyến đường trong các khu đô thị như Dịch Vọng (Cầu Giấy), Linh Đàm (Hoàng Mai)… nơi nhiều tuyến đường nội bộ vẫn thuộc quyền quản lý của chủ đầu tư.Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một số phường chia sẻ, theo phân cấp, những tuyến đường trên không thuộc quyền quản lý của chính quyền địa phương, nên biện pháp xử lý chủ yếu vẫn chỉ là nhắc nhở. Và đã là nhắc nhở thì hiệu quả chỉ là “con số không”.Cần những biện pháp đồng bộTrong hoàn cảnh Hà Nội đang thiếu điểm đỗ xe tĩnh như hiện nay, việc xử lý các trường hợp dừng, đỗ tại các tuyến không tên, mặt cắt lòng đường nhỏ gây cản trở giao thông, đặc biệt tại các tuyến đường không có biển cấm là rất khó khăn. Liên quan đến vấn đề này, Đội phó Đội CSGT – Trật tự - Cơ động quận Thanh Xuân Bùi Doãn Ngọc cho rằng, để khắc phục tình trạng này, các cơ quan chức năng cần xem xét bổ sung thêm biển cấm tại các “điểm nóng” về tình trạng dừng, đỗ phương tiện gây cản trở giao thông. Tuy nhiên, ông Bùi Doãn Ngọc cũng cho rằng, đây chỉ là biện pháp tạm thời, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của người tham gia giao thông. Bởi, suy cho cùng những tấm biển cấm đó chỉ tạo điều kiện cho công tác xử lý, nhưng không phải lúc nào lực lượng chức năng cũng có mặt kịp thời để xử lý vi phạm.Có thể thấy, sau hơn 4 tháng cao điểm tăng cường xử lý các hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, dừng, đỗ phương tiện sai quy định, bộ mặt đô thị tại Thủ đô đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển phương tiện như hiện nay, thì công tác quản lý trật tự đô thị được dự báo sẽ đối mặt với rất nhiều chông gai. Và dường như đã không còn là dự báo, hàng loạt vụ việc chủ nhà dùng bút xóa, đổ sơn, thậm chí dùng gạch đá hủy hoại phương tiện của người “chót” đỗ xe trước cửa nhà, cửa hiệu diễn ra trong thời gian qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những bất cập trong công tác quản lý việc dừng, đỗ phương tiện tại các ngõ nhỏ, các tuyến đường hẹp, nơi không có biển cấm. Để khắc phục tình trạng nêu trên, ngoài việc bổ sung biển cấm, tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, thì một trong những vấn đề cần phải làm ngay chính là quy hoạch thêm các điểm đỗ xe tĩnh phục vụ nhu cầu của người dân.