Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý rác thải xây dựng: Cần giải pháp quản lý mới

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quản lý, xử lý rác thải xây dựng (RTXD) trên địa bàn Hà Nội vẫn luôn là vấn đề nóng trong nhiều năm qua. Để giải quyết tốt việc này, cùng với trách nhiệm của chính quyền cơ sở cũng cần phải sớm có những giải pháp quản lý mới, áp dụng công nghệ hiện đại.

Tình trạng đổ trộm phế thải vẫn tái diễn tại nhiều địa phương trên địa bàn TP. Ảnh: Hà Ánh
Vấn đề bức thiết
Với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, Hà Nội là một trong những địa phương đang phải đối mặt với bài toàn xử lý RTXD. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trung bình mỗi ngày, lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh trên địa bàn TP ước tính khoảng 2.500 - 3.000 tấn, trong khi đó các bãi tập kết chung của TP đã gần như lấp đầy. Thực tế cho thấy, để giảm chi phí xử lý RTXD, không ít chủ đầu tư, DN, hộ gia đình đã tìm mọi cách đổ trộm ra đường, khu vực đất trống, ao hồ, nơi thưa dân cư… Điều này đã gây ra nhiều hệ lụy như mất vệ sinh môi trường, ô nhiễm, bụi bẩn, mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị.
Nhận thức rõ vấn đề này, thời gian qua, chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều đợt ra quân xử lý tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng, song vẫn chưa giải quyết triệt để. Tại không ít nơi, do vẫn còn buông lỏng quản lý nên vi phạm vẫn diễn ra. Đơn cử, phế thải xây dựng vẫn xuất hiện dọc bờ sông Hồng, đoạn qua các phường Tứ Liên, Nhật Tân, Yên Phụ, Phú Thượng (quận Tây Hồ); khu đất nông nghiệp thuộc xã An Thượng (huyện Hoài Đức), giáp cầu vượt Song Phương. Đáng lưu ý, tại xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) đã được quy hoạch hai điểm tập kết phế thải xây dựng ở thôn Yên Xá và Triều Khúc với tổng diện tích khoảng 2.000m2 nhưng nhiều người vẫn cố tình đổ trộm phế thải ra một số tuyến đường, khu đất xen kẹt.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội đang triển khai nhiều dự án trọng điểm, khối lượng RTXD lên đến hàng nghìn mét khối. Ví như dự án đầu tư mở rộng đường Vành đai 3 đoạn từ Mai Dịch - cầu Thăng Long (ước tính khối lượng phá dỡ khoảng 58.500m3); dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2 kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã tư Vọng (ước tính GPMB khoảng 2.400 hộ dân và 15 cơ quan, khối lượng chất thải rắn xây dựng khoảng 150.000m3)... Do vậy, việc quản lý và xử lý chất thải rắn xây dựng là một vấn đề rất bức thiết. Nếu chỉ trông đợi vào việc xử lý hành vi vi phạm ở mức độ sự vụ hoặc san gạt, chôn lấp sẽ không thể giải quyết tận gốc vấn đề. 
Ứng dụng công nghệ tiên tiến
TS Thạch Minh Quân – giảng viên trường Đại học Giao thông vận tải nhìn nhận, chúng ta cần phải ủng hộ chính sách quản lý nghiêm các nguồn phát thải, RTXD. Trước tiên, cần thể chế hóa chính sách đó thành các quy định, quy phạm pháp luật, chế tài xử phạt để thay đổi nhận thức và hành vi của xã hội. Thứ hai, đối với các công trình thi công trên đất có sẵn công trình xây dựng muốn nhận được giấy phép xây dựng, chủ đầu tư phải bảo đảm trong hồ sơ xin phép xây dựng có phương án xử lý RTXD từ công trình cũ. Thứ ba, với DN vận tải khi vận chuyển RTXD, cần phải có hợp đồng xin phép đổ thải giữa công ty vận tải và DN có bãi thải.
Hiện nay, Việt Nam đã áp dụng nhiều phương pháp xử lý RTXD như thu gom, vận chuyển tại nguồn đến điểm tập kết, trạm chung chuyển hay tái chế chất, xử lý chất thải rắn xây dựng bằng cách nghiền, sàng, chôn lấp, thiêu đốt… Tuy nhiên, để xử lý RTXD một cách hiệu quả, an toàn với môi trường, theo TS Thạch Minh Quân, đối với những dự án lớn tại Hà Nội cần ứng dụng công nghệ tiên tiến để xử lý, tái chế như nghiền, sàng. Điều này vừa bảo đảm tiết kiệm tài nguyên, giữ vệ sinh môi trường mà không phải đầu tư nhiều khu xử lý, giảm việc đổ trộm, trộn lẫn chất thải rắn xây dựng với chất thải sinh hoạt.
Một số chuyên gia cho rằng, việc áp dụng công nghệ nghiền, tái chế RTXD tại Việt Nam và Hà Nội mới ở giai đoạn sơ khai nhưng nếu quyết liệt hơn, trong tương lai gần sẽ giải quyết tốt vấn đề này. Từ đó, không những bảo đảm mỹ quan đô thị mà còn giảm thiểu tác hại của chất thải rắn xây dựng đối với môi trường, góp phần xây dựng Thủ đô phát triển bền vững hơn.
Bên cạnh việc quản lý, xử lý RTXD, vấn đề giáo dục, tuyên truyền cho người dân thay đổi nhận thức để bảo vệ môi trường vô cùng quan trọng, nhất là nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương. Đi đôi với chế tài phải có giáo dục và quản lý mới từng bước giải quyết vấn đề RTXD.
Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, PGS. TS Bùi Thị An