70 năm giải phóng Thủ đô

Xử lý taxi "đại náo" bệnh viện: Bỏ ngỏ trách nhiệm của doanh nghiệp!

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng xe taxi bủa vây các cổng bệnh viện, gây mất an ninh trật tự, ATGT trên địa bàn Hà Nội đã diễn ra nhức nhối từ lâu, dẹp được ít hôm lại đâu vào đấy. Nhiều ý kiến cho rằng, việc chỉ phạt tài xế mà bỏ quên trách nhiệm của các DN là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “ném đá ao bèo” trong xử lý vi phạm.

Xe taxi dừng đỗ trước cổng Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Hùng Phi
Thách thức mọi nỗ lực
Tại khu vực cổng các bệnh viện lớn tại Hà Nội như Bạch Mai, Phụ Sản T.Ư, Bệnh viện K, Bệnh viện T.Ư quân đội 108, Việt Đức… không khó để chứng kiến cảnh tượng taxi dàn hàng bủa vây, hoặc quay vòng đón, mời, chèo kéo khách. Tình trạng này không chỉ gây mất an ninh, trật tự, mà còn gây rối loạn giao thông trong khu vực nội thành, khiến người dân vô cùng bức xúc.

Nhiều đơn vị chức năng như CSGT, Thanh tra GTVT, Cảnh sát trật tự… khi được hỏi đều khẳng định liên tục tuần tra, xử phạt, nhắc nhở, đẩy đuổi xe taxi. Thậm chí có nơi như cổng Bệnh viện Bạch Mai đã có cả camera ghi hình phục vụ phạt nguội. Con số xe taxi bị xử phạt vì lỗi dừng, đỗ tại các khu vực này lên đến cả nghìn trường hợp. Nhưng như một căn bệnh mãn tính không thuốc chữa, xe taxi vẫn ngang nhiên “vây chặt” các cổng bệnh viện, đẩy đuổi thì bỏ đi, nhưng sau đó quay lại ngay lập tức. Không ít tuyến đường đã trở thành điểm nóng giao thông của Hà Nội, mà nguyên nhân chính do xe taxi dừng đỗ, quay vòng. Ví dụ như đường Giải Phóng, đoạn cổng Bệnh viện Bạch Mai; Đê La Thành, đoạn cổng Bệnh viện Phụ Sản, Nhi T.Ư; Trần Hưng Đạo, đoạn cổng Bệnh viện T.Ư quân đội 108…

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông trật tự, Công an quận Hai Bà Trưng, Đại uý Nguyễn Văn Kiệt cho biết: “Rất khó xử lý triệt để xe taxi dừng đỗ trước cổng các bệnh viện, vì lực lượng chức năng không đủ người chốt trực 24/24 giờ. Chỉ vắng bóng anh em là tài xế taxi cho xe dừng đỗ sai quy định”. Ghi nhận thực tế cho thấy, nhận định của Đại úy Nguyễn Văn Kiệt là có cơ sở. Ví như tại cổng Bệnh viện T.Ư quân đội 108, chỉ cần 3 phút sau khi các đơn vị dời đi, taxi lại dàn hàng, nối đuôi dừng đỗ bất chấp biển cấm. Mỗi khi nhác thấy xe hoặc sắc phục của lực lượng chức năng, một người hô hào, cả chục chiếc taxi nổ máy bỏ chạy. Hoặc như tại cổng Bệnh viện Bạch Mai, để đối phó với camera ghi hình phạt nguội, các xe taxi che một phần hoặc toàn bộ biển kiểm soát. Phó trưởng Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, Thượng tá Đinh Thanh Thảo nhận định: “Càng ngày càng có nhiều chiêu trò chống đối, gây khó khăn cho công tác xử lý. Không thể chỉ trông chờ vào camera được, quan trọng nhất vẫn phải là lực lượng tuần tra kiểm soát”. Mới đây, Sở GTVT Hà Nội đã phân luồng, hạn chế xe taxi tại một số điểm như phố Trần Hưng Đạo, Phủ Doãn… bước đầu đã cho hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy nhất là các xe taxi chỉ phải đi vòng xa hơn để quay lại quần thảo các cổng bệnh viện, chứ không từ bỏ thói quen cũ.

Chờ câu trả lời

Ghi nhận thực tế tại nhiều cổng bệnh viện cho thấy, nhiều thương hiệu taxi như G7; Sao Thủ Đô, Thành Lợi, Thanh Nga… thường xuyên có xe dừng đỗ, chèo kéo khách, gây mất an ninh trật tự, rối loạn giao thông. Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm quản lý của các DN này ở đâu, vì sao lại để xe và người lao động của mình ngang nhiên vi phạm pháp luật như vậy? Mặt khác, cơ quan quản lý Nhà nước liệu có xem xét đến hay vẫn bỏ ngỏ trách nhiệm của các DN này? Phó Đội trưởng Đội CSGT số 1, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, Trung tá Nguyễn Ngọc Thuyên cho biết: “Đơn vị đã có thông báo đến DN chủ quản của các xe vi phạm; kiến nghị Sở GTVT xem xét trách nhiệm DN có nhiều xe taxi hay vi phạm, tái phạm, nhưng chưa nhận được phản hồi nào từ phía Sở”. Đại uý Nguyễn Văn Kiệt cũng cho hay, trong nhiều cuộc họp liên ngành, đã kiến nghị Sở GTVT Hà Nội xem xét xử lý các DN có nhiều xe taxi vi phạm tại cổng Bệnh viện T.Ư quân đội 108.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, lực lượng chức năng cũng có nơi xử phạt chưa thường xuyên, nghiêm túc, để xe vi phạm nhởn nhơ. Nhưng cũng có nơi phạt mãi không xuể, đuổi bắt với xe vi phạm như đèn kéo quân. Vì sao lại phải vất vả như vậy? Ông Nguyễn Mạnh Thắng phân tích: “Sở GTVT Hà Nội quản lý các DN, DN lại quản lý người lao động, phương tiện. Chỉ cần làm một việc rất minh bạch, rõ ràng, quyết liệt và nghiêm túc là DN nào có nhiều xe vi phạm, tái phạm, phạt thật nặng, thậm chí thu hồi phù hiệu, Giấy phép kinh doanh. Tự nhiên các DN phải quản lý lái xe tốt hơn, lực lượng chức năng cũng đỡ vất vả hơn bao nhiêu lần”.

Nhưng trên thực tế, Sở GTVT Hà Nội hầu như không công bố hình thức xử lý các DN kinh doanh taxi có xe vi phạm, cũng chưa có DN nào bị xử lý thu hồi phù hiệu, giấy phép kinh doanh vì để nhiều xe “quây” bệnh viện. Bên cạnh đó, hiện có rất nhiều xe taxi sử dụng phù hiệu do tỉnh ngoài cấp, thường xuyên hoạt động tại khu vực các bệnh viện lớn của Hà Nội. Với các xe này, việc xử lý DN còn phức tạp hơn vì thuộc thẩm quyền sở GTVT địa phương khác.

Liên quan đến vấn đề này, Kinh tế & Đô thị đã gửi câu hỏi đến Sở GTVT Hà Nội và hiện vẫn đang phải chờ đợi câu trả lời. Chia sẻ với phóng viên, một tài xế taxi (xin giấu tên) nói: “Có ai muốn bị xua đuổi suốt ngày đâu, đều là vì miếng cơm manh áo cả thôi. Chúng tôi có bị phạt bao nhiêu tiền, có kiếm được khách hay không, hàng tháng vẫn phải nộp cho công ty đủ mọi khoản, chẳng bớt đồng nào. Không cố mà chạy thì lấy gì nộp, lấy gì mà sống?”.

Chỉ có xử phạt DN, bắt buộc DN chấn chỉnh lái xe, người lao động mới có thể giải quyết dứt điểm vi phạm.

Đại uý Nguyễn Văn Kiệt - Đội trưởng Đội Cảnh sát GTTT, Công an quận Hai Bà Trưng