Xử lý thế nào với người phụ nữ lén cào xước xe ô tô của người khác?

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, vụ việc một người phụ nữ ăn mặc "sang chảnh", sử dụng vật sắc nhọn cào xước chiếc xe ô tô hiệu Camry đang đỗ bên đường ở phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Những vết xước trên ô tô của chị N.
Theo đó, đêm 28/9, tài khoản facebook cá nhân Nguyễn N. đăng tải lên mạng xã hội đoạn video khoảng 1 phút với mong muốn cộng đồng mạng chia sẻ.
Chị N. cho biết, khoảng gần 18 giờ ngày 28/9, chị đi xe ô tô Camry trên đường Tam Trinh, quận Hai Bà Trưng. Khi vừa qua chợ đầu mối Đền Lừ, hướng về phía phường Yên Sở thì một bắt gặp một chiếc xe Hyundai đi ngược chiều. Trên xe có 2 người phụ nữ, họ đi ngược chiều nên CSGT đến nhắc nhở họ lùi lại để cho xe của chị đi vì phía sau còn rất nhiều phương tiện khác.
“Sau khi họ bị yêu cầu lùi xe, tôi tiếp tục đi về nhà mà không biết rằng họ đã đuổi sau xe mình. Khi tôi về đỗ xe trước cửa nhà khoảng hơn 10 phút quay ra cất xe thì phát hiện xe của mình bị xước hết. Sau đó, tôi trích xuất camera thì phát hiện chính người phụ nữ ngồi trong xe ô tô đi ngược chiều trước đó đã cào xước xe của mình. Tôi chỉ nhớ họ đi xe Hyundai, không nhớ biển số xe” - chị N. cho biết.
Theo chị N., nếu trích xuất camera khu vực người phụ nữ này đi xe ngược chiều trước đó thì dễ dàng xác định được. Hiện tại chị đang phối hợp với Công an phường Yên Sở và Công an quận Hoàng Mai để xác định đối tượng đã có hành vi phá hoại xe của mình. Đồng thời cho biết, sáng 29/9, chị đã mang xe ra hãng Toyota Hoàn Kiếm để định giá sửa chữa. Sau khi xem xét các vết xước hư hỏng, nhân viên hãng báo giá chi phí sơn lại hết hơn 24 triệu đồng.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Công an quận Hoàng Mai đã phối hợp với Công an phường Yên Sở trích xuất camera khu vực chị N. có xảy ra va chạm với xe ô tô đi ngược chiều vào. Cùng đó, công an sẽ trích xuất camera dọc tuyến đường chị N. về nhà để làm rõ về hành vi người phá hoại.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh đã đưa ra quan điểm đánh giá vụ việc như sau: Quyền sở hữu là một trong các quyền cơ bản, quan trọng nhất của công dân. Do vậy, bất kỳ quốc gia nào cũng đều có những quy định để bảo vệ quyền sở hữu. Mọi hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu của công dân đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Hóa đơn báo giá sửa chữa ô tô của Xí nghiệp Toyota Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Luật sư đánh giá, vụ việc một người phụ nữ có hành vi dùng vật sắc nhọn cào xước một chiếc xe ô tô Camry đang đỗ bên đường cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Nguyên nhân vụ việc, theo thông tin ban đầu của chủ xe Camry cho biết, trước đó có xảy ra mâu thuẫn với xe ô tô Hyundai đi ngược chiều vào chiều tối 28/9. Sau đó, CSGT đã có đến nhắc nhở họ lùi lại để cho xe đi. Do bực tức, xe ô tô Huyndai đi theo sau xe Camry để tìm cách trả thù bằng phương thức dùng vật sắc cào xước phần sơn bên ngoài xe Camry. Hành vi cào xước xe của người khác đã làm giảm giá trị sử dụng của chiếc xe và gây thiệt hại đến tài sản của chủ sở hữu.
Theo Hãng Toyota Hoàn Kiếm, để định giá sửa chữa khắc phục lại thì chi phí sơn hết 24.200.000 đồng là căn cứ để Cơ quan điều tra xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm xử lý theo quy định của pháp luật.
Xét hành vi của người phụ nữ đã cố ý làm gây thiệt hại tài sản của người khác đã có dấu hiệu phạm tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015.
Kết quả định giá tài sản bị hư hỏng của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự sẽ là căn cứ xử lý tương ứng theo định khung hình phạt quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự.
“Xét về mặt pháp luật cũng như đạo đức con người, hành vi của người phụ nữ là rất đáng lên án. Trong cuộc sống cần phải có những ứng xử văn minh. Không vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt, bực tức thiếu kiềm chế mà xâm hại đến tài sản của người khác” - luật sư Thơm chia sẻ.

Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 7 năm:

a) Có tổ chức;

b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

c) Tài sản là bảo vật quốc gia;

d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Để che giấu tội phạm khác;

e) Vì lý do công vụ của người bị hại;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.

4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm”.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần