Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh:

Xử lý trách nhiệm các đơn vị thực hiện chậm dự án đường Vành đai 3

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường Vành đai 3. Đồng thời, sẽ xử lý trách nhiệm các đơn vị nếu để xảy ra việc chậm phối hợp đối với lĩnh vực phụ trách.

Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản khẩn, yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 trên địa bàn TP. Văn bản nêu, sẽ phê bình và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó được giao phụ trách thay người đứng đầu của phòng, ban, đơn vị trực thuộc để xảy ra việc chậm phối hợp, tham gia ý kiến góp ý đối với lĩnh vực phụ trách. Đề xuất hình thức khen thưởng, động viên khích lệ tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Dự án đường Vành đai 3 đi qua 4 địa phương TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An và Đồng Nai. Đồ họa: Phương Anh
Dự án đường Vành đai 3 đi qua 4 địa phương TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An và Đồng Nai. Đồ họa: Phương Anh

Cụ thể, UBND TP Hồ Chí Minh giao thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và TP Thủ Đức khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được giao; trong đó, nâng cao kỷ cương, kỷ luật trong thực hiện công việc đến từng công chức, người lao động; chủ động rà soát các nội dung phối hợp thuộc lĩnh vực phụ trách, khẩn trương có ý kiến góp ý đối với các nội dung chưa có ý kiến, gửi về cơ quan, đơn vị chủ trì thực hiện dự án theo quy định.

Đồng thời, khẩn trương tập trung trong công tác phối hợp, tham gia ý kiến góp ý đối với lĩnh vực phụ trách, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đảm bảo các nội dung như: Có trách nhiệm và nêu rõ quan điểm xử lý theo chức năng, đúng thời hạn yêu cầu của cơ quan, đơn vị chủ trì; không đùn đẩy các công việc thuộc thẩm quyền quản lý lên cơ quan cấp trên hoặc cơ quan khác. Cử cán bộ, công chức tham gia xuyên suốt trong quá trình thực hiện dự án (tham gia đầy đủ các buổi họp giao ban định kỳ, các buổi họp đột xuất của cơ quan, đơn vị chủ trì) đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng công việc theo yêu cầu.

Sở Giao thông vận tải (cơ quan Thường trực của Ban Chỉ huy dự án Thành phần 1), Sở Tài nguyên và Môi trường (cơ quan Thường trực của Ban Chỉ huy dự án Thành phần 2) chủ trì, phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông và các cơ quan liên quan tham mưu đề xuất Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh hình thức xử lý phù hợp các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức theo dõi dự án không tham dự các cuộc họp, không có ý kiến hoặc chậm phản hồi nội dung đề nghị lấy ý kiến quá hai lần liên tiếp, để làm cơ sở xem xét đánh giá, kiểm điểm theo đúng quy định.

Sở Nội vụ chủ trì, tham mưu, đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh đánh giá, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó được giao phụ trách thay người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để xảy ra việc chậm phối hợp, tham gia ý kiến góp ý đối với lĩnh vực phụ trách; đề xuất hình thức khen thưởng, động viên khích lệ tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

 

Đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh có tổng chiều dài 76,34 km (TP Hồ Chí Minh 47,51 km; Đồng Nai 11,26 km; Bình Dương 10,76 km; Long An 6,81 km). Điểm đầu của dự án là nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai và điểm cuối là nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành (huyện Bến Lức, tỉnh Long An).

Đây là dự án trọng điểm quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Hiện tại, đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đang tiến gần đến mốc khởi công vào tháng 6/2023. Tuy nhiên, dự án gặp khó khi đứng trước nguy cơ thiếu nguồn vật liệu xây dựng. 

Theo tính toán, dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh cần hơn 14,8 triệu m3 vật liệu, trong đó đất đắp nền cần hơn 1,6 triệu m3, cát đắp nền hơn 7,2 triệu m3, cát xây dựng cần gần 1,5 triệu m3, đá xây dựng 4,4 triệu m3.