70 năm giải phóng Thủ đô

Xử lý triệt để lấn chiếm vỉa hè, lòng đường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội, tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh buôn bán diễn ra thường xuyên.

Hình ảnh những gian hàng đủ chủng loại nằm chiễm chệ trên vỉa hè, tràn xuống cả lòng đường cùng kẻ bán, người mua không những mất trật tự đô thị mà làm tăng nguy cơ tiềm ẩn tai nạn và ùn tắc giao thông (UTGT).

Tùy tiện chiếm dụng

Theo thống kê, hiện nay, phần lớn các tuyến đường chính trong nội đô Hà Nội đều trong tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, gây mất ATGT, trật tự đô thị và vệ sinh môi trường. Tại khu vực ngoại thành, các sạp hàng hoa quả đặt ngay dưới lòng đường, các khách hàng bất chấp nguy hiểm vô tư đi ngược chiều, vượt dải phân cách để mua bán là cảnh không hiếm thấy. Tình trạng này còn diễn ra phổ biến ở nhiều tuyến phố nội thành, đi qua những đoạn đường Chùa Bộc, Giải Phóng, Phố Huế… không ít người ngạc nhiên và thắc mắc trước cảnh tượng cả chục hộ kinh doanh "nuốt" trọn 1/3 lòng đường để làm nơi buôn bán. Có hộ còn tùy tiện làm hàng rào có khóa, quây vỉa hè lại để làm nơi chứa đồ đạc, hay khoanh vỉa hè thành nơi để bán trà đá. Rất nhiều cửa hàng vật liệu xây dựng tận dụng vỉa hè làm nơi tập kết cát đá, đổ vương vãi khắp lòng lề đường. Bất bình nhất là những khi khách đến mua hàng đông, phương tiện của họ đỗ la liệt trước các cửa tiệm, khiến người dân qua lại phải di chuyển trên nửa phần đường còn lại. Đã có không ít vụ va quệt xe xảy ra tại các tuyến đường này.
Lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán trên phố Hoàng Ngọc Phách. 	 Ảnh:  Linh Anh
Lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán trên phố Hoàng Ngọc Phách. Ảnh: Linh Anh
Việc các hộ dân trên nhiều tuyến phố tùy tiện lấn chiếm kinh doanh đã tạo đà cho gánh hàng rong, xe đẩy thừa cơ tập trung buôn bán đông đúc, tạo nên một khung cảnh lộn xộn, nhếch nhác thậm chí gây ách tắc giao thông vào những giờ tan tầm. Hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán quanh khu vực trung tâm Hà Nội đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình trật tự ATGT. Những người tham gia giao thông khi đi qua những tuyến phố này luôn cảm thấy bức xúc, bất an. Ngoài việc liên tục bấm còi, các chủ phương tiện còn phải cảnh giác trước sự bất ngờ xuất hiện của người bán có “máu liều” sẵn sàng băng xuống đường bất cứ lúc nào. Nếu các chủ phương tiện không xử lý kịp TNGT rất dễ xảy ra. Đó là chưa kể những hôm trời mưa, đường vừa đông lại vừa mất vệ sinh do rác thải của những người thiếu ý thức vứt bừa bãi trên đường.

Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu

Dẫu biết việc buôn bán để mưu sinh chẳng ai cấm đoán, nhưng nếu mỗi người đều làm theo ý muốn của mình, xem nhẹ pháp luật và tính mạng người đi đường thì tình trạng giao thông như hiện nay khó có thể thay đổi. Khi không thể trông chờ vào ý thức của mỗi cá nhân trong công tác đảm bảo trật tự ATGT tại Thủ đô, lực lượng chức năng cần sử dụng những chế tài đủ mạnh để xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm. Cần yêu cầu các địa phương phải đăng ký cụ thể tuyến đường nào sẽ lập lại trật tự, không để lấn chiếm, đồng thời công khai để người dân theo dõi; tổ chức rà soát tất cả các điểm tràn xuống dưới lòng đường buôn bán, gây cản trở lưu thông phải điều chỉnh. Sau thời gian triển khai, đơn vị nào không hoàn thành nhiệm vụ phải chịu trách nhiệm trước UBND TP.

Theo điều 12 Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 -  200.000 đồng đối với người bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng. Phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 - 6 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi vi phạm sau đây: Họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng; sửa chữa xe, rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo, làm mái che trên lòng đường đô thị, hè phố hoặc thực hiện các hoạt động, dịch vụ khác trái phép trên lòng đường đô thị, hè phố gây cản trở giao thông. Tuy nhiên, mức phạt hiện tại vẫn chưa đủ răn đe các trường hợp vi phạm, bởi xử phạt xong lại… đâu vào đấy. Thiết nghĩ, để cho người dân thường trực ý thức chấp hành pháp luật cần tăng thêm mức phạt nhằm tạo tính răn đe.

Một số người sử dụng xe gắn máy, xe đạp để buôn bán, họ di chuyển địa điểm liên tục, chỉ cần có khách hỏi là họ lập tức dừng xe bán hàng. Khi lực lượng chức năng đến kiểm tra, họ bắt đầu thu dọn vào phía trong. Tuy nhiên, khi lực lượng này dời đi, thì tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường lại tái diễn. Do đó, các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trên đường cần xây dựng kế hoạch phối hợp các quận tham gia kiểm tra thường xuyên, linh động trên tuyến phố; đặc biệt những nơi thường xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, ách tắc giao thông. Thời gian kiểm tra không nên có sự cố định mà linh hoạt thay đổi để xử lý triệt để tình trạng đối phó của người dân. Khi phát hiện vi phạm áp dụng cả biện pháp đình chỉ kinh doanh do “vi phạm điều kiện kinh doanh” nếu vi phạm lần thứ ba. Để thực hiện tốt các quy định này đòi hỏi công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng phải thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ.