Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý vi phạm đê điều: Vẫn thiếu sự quyết liệt từ cơ sở

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm 2020 đến nay, toàn TP phát sinh 46 vụ vi phạm đê điều. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng mới xử lý được 8 vụ. Đặc biệt, các vụ việc phức tạp hiện vẫn tồn tại, gây bức xúc trong dư luận.

Tỷ lệ xử lý vi phạm đạt thấp
So với cùng kỳ năm 2019, tổng số vụ vi phạm đê điều trên địa bàn Hà Nội trong 8 tháng qua giảm 21 vụ. Dù vậy, các vi phạm vẫn diễn ra trên phạm vi rộng. Từ đầu năm 2020 đến nay, 13 quận, huyện ghi nhận tổng số 46 vụ vi phạm.
Trong đó, huyện Ứng Hòa để phát sinh nhiều vi phạm nhất với 17 vụ. Các vi phạm chủ yếu là xây dựng công trình bê tông, kiên cố; xây tường chắn, cổng trụ cột; dựng lều lán tạm. Một số đối tượng chất chứa vật tư, chất tải lên phạm vi bảo vệ đê, hoặc đào ao, đào đất, khai thác đất cát trong phạm vi đê…
Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội Trần Thanh Mẫn cho biết, hàng tháng, đơn vị đều tổng hợp các vi phạm, gửi đến UBND các quận, huyện, thị xã đề nghị xử lý theo thẩm quyền. Tuy nhiên, các địa phương mới dừng ở việc… ra văn bản đôn đốc. Việc xử lý, giải tỏa vi phạm theo thẩm quyền chưa được quan tâm thực hiện. Do đó, kết quả xử lý vi phạm đạt thấp.
 Một công trình vi phạm xây dựng trên mái đê tại xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Lâm Nguyễn
Theo thống kê, từ đầu năm 2020 đến nay, tổng số vi phạm mới phát sinh được xử lý chỉ là 8 vụ; hiện còn tồn đọng 38 vụ xảy ra trong năm 2020. Các địa phương cũng đã xử lý được 29 vụ vi phạm tồn đọng từ những năm trước. Tuy nhiên, số lượng vi phạm về đê điều còn tồn đọng từ những năm về trước vẫn rất lớn.
Xử lý hình sự vi phạm nghiêm trọng
Không chỉ chậm xử lý các vi phạm mới phát sinh, rất nhiều vụ việc nổi cộm, gây bức xúc dư luận trong thời gian qua vẫn tồn tại, chưa được các cấp chính quyền cơ sở giải quyết dứt điểm, mặc dù đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc của UBND TP Hà Nội và liên ngành. Điển hình như các vi phạm xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ kè Phương Độ tại xã Sen Chiểu (huyện Phúc Thọ); xây dựng công trình trái phép ở bãi sông Hồng thuộc phường Yên Phụ (quận Tây Hồ); hay xây dựng trái phép công trình lấn sông Cà Lồ tại hai huyện Sóc Sơn, Đông Anh…
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, hiện nay đang trong giai đoạn mùa mưa bão, nhưng tình hình vi phạm đê điều vẫn diễn ra rất phức tạp. Một số địa phương xảy ra nhiều vi phạm nhưng kết quả xử lý đạt rất thấp như: Ứng Hòa, Ba Vì, Thường Tín… Chính vì vậy, để bảo đảm an toàn đê điều, hành lang thoát lũ, ông Mỹ đề nghị các cấp, ban, ngành của TP tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả “Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn Hà Nội”. Trong đó, cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc để xảy ra vi phạm phức tạp và kéo dài nhưng chậm được xử lý.
UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với các Hạt quản lý đê, tiến hành kiểm tra thường xuyên, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, dứt điểm các vi phạm về đê điều mới phát sinh. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng những quy định của pháp luật về đê điều để người dân hiểu, nghiêm túc chấp hành…
Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị Công an TP bố trí lực lượng phối hợp với các cơ quan, đơn vị, chính quyền các địa phương để tổ chức ngăn chặn, xử lý, cưỡng chế, giải tỏa các vi phạm pháp luật về đê điều. Đặc biệt, chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành điều tra, lập hồ sơ, xử lý nghiêm theo quy định đối với các vụ việc vi phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm hình sự.