Phá dỡ hạng mục vi phạm
Dự án Khu du lịch Thác Bạc – Suối Sao do Công ty CP Du lịch KOVA (trước đây là Công ty CP Phú Bình) làm Chủ đầu tư, đã được triển khai đầu tư xây dựng từ năm 2002 và được chia làm 2 giai đoạn thực hiện: Từ năm 2002 đến 2007, Dự án thuộc địa giới hành chính xã Yên Trung, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình với quy mô đất dự án là 59,2ha. Trong đó gồm 4,2ha được UBND tỉnh Hòa Bình thu hồi và giao Chủ đầu tư tại Quyết định số 1542/QĐ-UBND ngày 15/10/2002 để trồng rừng và khai thác du lịch sinh thái, thực hiện đầu tư xây dựng công trình; 55ha đất rừng sản xuất Chủ đầu tư trực tiếp ký hợp đồng liên doanh liên kết với các hộ gia đình, cá nhân được giao đất.
Từ năm 2002 – 2006, Dự án cơ bản hoàn thành trên diện tích đất 59,2ha với 39 hạng mục công trình xây dựng và bắt đầu đưa vào khai thác, sử dụng cuối năm 2006. Năm 2007, Chủ đầu tư lập Hồ sơ báo cáo UBND tỉnh Hòa Bình về việc mở rộng quy mô dự án và đã được UBND tỉnh Hòa Bình đồng ý về chủ trương tại Văn bản số 713/UBND-ĐT ngày 8/5/2008, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết TL1/500 tại Quyết định số 1406/QĐ-UBND ngày 1/7/2008 (với quy mô Dự án sau mở rộng khoảng 233ha, thuộc xã Yên Trung và xã Yên Bình). Năm 2008, xã Yên Trung, xã Yên Bình huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình được điều chỉnh địa giới hành chính, tách khỏi tỉnh Hòa Bình và sáp nhập về TP Hà Nội. Việc mở rộng Dự án buộc phải tạm dừng thực hiện để đảm bảo phù hợp Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, Quy hoạch chung xây dựng huyện Thạch Thất, Quy hoạch phát triển rừng TP Hà Nội, Quy hoạch phát triển Du lịch TP Hà Nội và các Đồ án Quy hoạch liên quan khác.
Tháng 3/2015, Chủ đầu tư có báo cáo gửi UBND TP Hà Nội xin tiếp tục thực hiện các thủ tục đầu tư mở rộng quy mô Dự án, trên cơ sở tiếp nối các nội dung đã thực hiện từ năm 2008 trở về trước theo quy định của pháp luật. Năm 2017, dự án được UBND TP Hà Nội chấp thuận Chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1819/QĐ-UBND ngày 21/3/2017.
Trong thời gian vừa qua, Công ty CP Du lịch KOVA đã tự tổ chức cải tạo sửa chữa, xây thêm một số hạng mục công trình trong phạm vi đất và hạ tầng giai đoạn 1 của dự án, gồm (6 hạng mục công trình). Các hạng mục công trình cải tạo sửa chữa, xây thêm đều là các công trình cấp 4, có quy mô nhỏ, 1 tầng, xây dựng tại vị trí trên phần công trình cũ đã sụp đổ hoặc đất sân hạ tầng hiện trạng. Điều đáng nói việc xây dựng các hạng mục công trình này đều nằm trong phạm vi đất dự án và không vi phạm đất rừng, không phá rừng.
Công ty CP Du lịch KOVA cho rằng, trong giai đoạn từ tháng 6/2016 đến 12/2017, một số hạng mục công trình thuộc Giai đoạn 1 của dự án bị xuống cấp nghiêm trọng (đã có hạng mục bị sụp đổ), nguyên nhân chủ yếu do điều kiện thời tiết, điều kiện tự nhiên, địa hình và do không sử dụng (Dự án tạm dừng hoạt động từ tháng 12/2014 để thực hiện thủ tục đầu tư mở rộng Dự án). Để đảm bảo an toàn, chủ động phòng chống nguy cơ tiếp tục xuống cấp, Công ty đã buộc phải tổ chức cải tạo, sửa chữa một số hạng mục công trình và bổ sung một số hạng mục phụ trợ để phục vụ việc quản lý, phục vụ người lao động và phục vụ công tác bảo vệ chung cho dự án. Đồng thời, Chủ đầu tư cũng đã và đang thực hiện tốt công tác trồng rừng phát triển rừng, bảo vệ rừng, giữ gìn vệ sinh môi trường, và kể từ tháng 12/2014 đến nay Dự án cũng đã tạm dừng toàn bộ mọi hoạt động.
Đối với những công trình vi phạm trật tự xây dựng nêu trên, UBND huyện Thạch Thất đã có các văn bản yêu cầu: Công ty CP Du lịch KOVA chấm dứt việc đầu tư xây dựng các công trình xây dựng, tự giác khắc phục hậu quả đối với các công trình vi phạm. Công ty CP Du lịch KOVA đã tự phá dỡ một số công trình vi phạm trật tự xây dựng như: nhà vệ sinh, nhà bảo vệ… Hiện tại toàn bộ dự án đã tuyệt đối dừng triển khai và Chủ đầu tư cam kết chỉ triển khai tiếp khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cũng liên quan đến những tồn tại trong quản lý trật tự xây dựng tại dự án này, trước đó UBND TP Hà Nội đã yêu cầu tổ chức Đoàn thanh tra, kiểm tra những nội dung phản ánh của báo chí. Ngày 31/5/2019, Sở Xây dựng Hà Nội đã có Báo cáo số 180/BC-SXD (TTr) về Kết quả kiểm tra, làm rõ những thông tin liên quan đến việc xây dựng khu tâm linh trái phép trên đất rừng tại dự án Khu du lịch Thác Bạc – Suối Sao, xã Yên Trung, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội. Theo đó, Báo cáo số 180/BC-SXD nêu rõ: Trên cơ sở kết quả kiểm tra thực tế, kết quả xem xét hồ sơ, tài liệu do Chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan cung cấp, nội dung phản ánh của cơ quan báo chí về: Việc triển khai đầu tư xây dựng của Chủ đầu tư có hành vi vi phạm trong hoạt động xây dựng và việc xây dựng các công trình có kiến trúc tâm linh là có cơ sở. Tại thời điểm kiểm tra, những khu vực, địa điểm xây dựng được kiểm tra, Đoàn kiểm tra nhận thấy không có dấu hiệu vi phạm về: công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, chặt phá rừng và hoạt động tâm linh.
Qua kết quả kiểm tra, Sở Xây dựng Hà Nội đã có kiến nghị: Các hạng mục công trình xây dựng vi phạm tại dự án Khu du lịch Thác Bạc – Suối Sao, UBND huyện Thạch Thất đã chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra, thiết lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với 6 hạng mục công trình vi phạm nêu trên. Ngoài ra, có 6 hạng mục được xây dựng từ trước nhưng tổng hợp chưa đầy đủ để vào danh sách số công trình đã chấp thuận chủ trương đầu tư, các công trình này có kết cấu đơn giản nhằm mục đích trang trí, không có kết cấu bao che, công trình kết cấu gỗ làm nhà kho, và các công trình này được dự kiến sẽ là cảnh quan cây xanh mặt nước của Dự án, Chủ đầu tư đã nhận thức sai phạm, cam kết ngừng thi công để khắc phục hậu quả vi phạm, thiếu sót trong quá trình kiểm kê, tổng hợp báo cáo Thành phố khi lập hồ sơ đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư. UBND huyện Thạch Thất cần chỉ đạo quyết liệt các phòng chuyên môn trực thuộc, Đội quản lý TTXD đô thị huyện phối hợp với UBND xã Yên Trung, Yên Bình kiểm tra, xử lý dứt điểm vi phạm của chủ đầu tư về quản lý, sử dụng đất, các vi phạm về trật tự xây dựng; kiên quyết tháo dỡ công trình vi phạm theo quy định.
Sở Xây dựng thay mặt liên ngành kính đề xuất UBND TP giao nhà đầu tư – Công ty CP Du lịch KOVA: Nghiêm túc chấp hành các quyết định về việc khắc phục hậu quả, xử lý các công trình vi phạm của UBND huyện Thạch Thất; Ngừng tuyệt đối thi công xây dựng công trình, nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật và khẩn trương rà soát trình tự thủ tục trong hoạt động đầu tư xây dựng; Thường xuyên duy trì và nâng cao công tác đảm bảo vệ sinh môi trường tại các khu vực đã triển khai dự án, khu vực nghiên cứu lập dự án và các khu vực lân cận của dự án; Nghiêm túc thực hiện đầy đủ các trách nhiệm của chủ rừng về công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng theo quy định tại Luật Lâm nghiệp; Chủ động liên hệ với các Sở ngành theo nội dung tại Quyết định số 1819/QĐ-UBND ngày 21/3/2017 của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư để được hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai đầu tư xây dựng; quản lý và sử dụng đất; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Ban Tôn giáo – Sở Nội vụ Hà Nội là cơ quan chức năng tham mưu giúp Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, UBND Thành phố thực hiện công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo trên địa bàn Thành phố để được hướng dẫn cụ thể về việc quản lý, tổ chức hoạt động đối với các công trình được đặt tên có yếu tố văn hóa tâm linh.
Sở Xây dựng Hà Nội cũng yêu cầu UBND huyện Thạch Thất nghiêm túc rút kinh nghiệm; chấn chỉnh các phòng ban chuyên môn thuộc huyện, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện và UBND cấp xã trong công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng. Giao UBND huyện Thạch Thất chỉ đạo UBND xã Yên Trung, Yên Bình nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc để xảy ra các vi phạm theo thẩm quyền do không phát hiện ngăn chặn kịp thời, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm theo quy định; Giám sát việc chấp hành Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với 6 trường hợp vi phạm đã ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo đúng quy định pháp luật; Chỉ đạo các phòng chuyên môn trực thuộc huyện, Đội Quản lý TTXD đô thị huyện, UBND xã Yên Bình, Yên Trung kiểm tra, giám sát việc chấp hành của Chủ đầu tư về dừng thi công xây dựng công trình, thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, không để phát sinh vi phạm mới tại dự án.
Xem xét việc khắc phục hậu quả
Về phương hướng xử lý đối với các công trình đã xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu: Đối với 48 công trình tại dự án, trong đó 39 công trình đã được rà soát, thống kê và đánh giá cơ bản phù hợp Quy hoạch xây dựng chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, Quy hoạch chung xây dựng huyện Thạch Thất đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000 đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 5785/QĐ-UBND ngày 7/11/2014 và các Quy hoạch về sử dụng đất, phát triển du lịch, kinh tế xã hội.
Trong tổng số 12 công trình (gồm: 3 công trình cải tạo, sửa chữa; 3 công trình xây mới; 6 công trình chưa thống kê đầy đủ), có 1 công trình (nhà vệ sinh cấp 4, tường gạch, lợp ngói, diện tích 30m2) vi phạm vào ranh giới sử dụng đất thuộc giai đoạn 2 của dự án theo nội dung Quyết định số 1819QĐ-UBND ngày 21/3/2017 của UBND Thành phố, yêu cầu Chủ đầu tư phải thực hiện tự tháo dỡ, khẩn trương khắc phục hậu quả. Các công trình còn lại, căn cứ vào hiện trạng công trình, hồ sơ do Chủ đầu tư cung cấp và việc cam kết, chấp hành khắc phục hậu quả vi phạm trật tự xây dựng của Chủ đầu tư, trên cơ sở Đồ án Quy hoạch chung đô thị vệ tinh Hòa Lạc, tỷ lệ 1/10.000 đang trong giai đoạn hoàn thiện báo cáo Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Sở Xây dựng thay mặt Liên ngành đề xuất UBND Thành phố xem xét việc khắc phục hậu quả của Chủ đầu tư thực hiện song song với quá trình thực hiện Quy hoạch chung đô thị vệ tinh Hòa Lạc và Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của Dự án đã được UBND Thành phố giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc hướng dẫn Chủ đầu tư lập.
Theo đó, trường hợp hiện trạng công trình phù hợp Quy hoạch chung đô thị vệ tinh Hòa Lạc, kính đề xuất UBND Thành phố giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc xem xét hướng dẫn Chủ đầu tư cập nhật khi lập quy hoạch chi tiết 1/500 phù hợp với quy hoạch chung để có cơ sở triển khai các thủ tục pháp lý dự án, giữ nguyên hiện trạng. Trường hợp không phù hợp quy hoạch, Chủ đầu tư phải tổ chức tháo dỡ ngay các công trình, hạng mục công trình không phù hợp.
Về công tác đảm bảo vệ sinh môi trường: Tại thời điểm kiểm tra, trên hiện trường đầu tư dự án không có hiện tượng tập kết rác thải, phế thải và không có bãi đổ vật liệu bừa bãi.
Về công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng: Tại thời điểm kiểm tra, không có hiện tượng chặt phá rừng. Đồng thời, Sở NN&PTNT xác nhận tại Văn bản số 1496/SNN-KL ngày 17/5/2019: Trong quá trình kiểm tra không phát hiện hành vi phá rừng, khai thác rừng trái phép. Chủ đầu tư thường xuyên quan tâm tới công tác trồng rừng, cải tạo rừng và thực hiện các trách nhiệm của chủ rừng theo quy định của Luật bảo vệ phát triển rừng năm 2004, nay là Luật Lâm nghiệp năm 2017. Hàng năm thực hiện tốt công tác PCCCR; Căn cứ vào hồ sơ, bản đồ kiểm kê rừng năm 2015, toàn bộ 42 công trình, cụm công trình (trong đó có 39 công trình, cụm công trình đã xây dựng từ giai đoạn 1 của Dự án, đã được quyết định chủ trương đầu tư, và 03 công trình xây mới) đều nằm ngoài các lô rừng đã kiểm kê và được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định 7478/QĐ-UBND ngày 31/12/2015. Do xây dựng tại vị trí đất trống nên không có hành vi chặt phá rừng trái phép và 42 công trình, cụm công trình xây dựng nêu trên thuộc diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp.
Đối với việc quản lý, tổ chức hoạt động đối với các công trình văn hóa tâm linh theo phản ảnh của báo chí: Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra nhận thấy không có hoạt động du lịch tâm linh, tuy nhiên, một số công trình có kiểu dáng kiến trúc của công trình tâm linh.