70 năm giải phóng Thủ đô

Xử lý vi phạm tại gầm cầu Thăng Long: Đá ném ao bèo

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gầm cầu Thăng Long (đoạn chạy qua xã Hải Bối, huyện Đông Anh) mấy năm nay bị người dân chiếm dụng để kinh doanh đồ cũ, xưởng sửa chữa ô tô xe máy, thậm chí còn làm nhà hàng ăn uống, buôn bán suốt ngày đêm. Dù chính quyền xã đã nhiều lần cưỡng chế, nhưng chỉ được một thời gian, sự việc lại tái diễn.

Xử lý vi phạm tại gầm cầu Thăng Long: Đá ném ao bèo - Ảnh 1

Nhà hàng kinh doanh khu gầm cầu Thăng Long hiện bị chiếm dụng trái phép. Ảnh: Trần Thụ

Trên đường sắt, dưới là “đường buôn”
Từ mấy năm nay, gầm cầu Thăng Long (đoạn chạy qua địa phận xã Hải Bối, huyện Đông Anh) đã bị người dân chiếm dụng gần như hoàn toàn. Trừ đoạn gầm cầu có tuyến đường liên xã chạy qua, còn lại tất cả các điểm nối tiếp giữa các trụ cầu đều bị biến thành cửa hàng, xưởng sửa chữa ô tô, xe máy, điểm tập kết đồ cũ, nhà hàng ăn uống, quán bia, karaoke...
Nhiều người đã tận dụng không gian gầm cầu để làm nơi sản xuất, kinh doanh buôn bán, mặc cho phía trên là tuyến đường sắt mà mỗi khi có đoàn tàu chạy qua, tiếng ồn kéo cả tràng dài. Nhìn quang cảnh nhà hàng, cửa hiệu tại đây, nhiều người không thể ngờ rằng – tất cả đều thuộc diện xâm lấn trái phép nhưng thực tế tất cả những vi phạm này đều đã ngang nhiên tồn tại suốt nhiều năm qua. Đi qua dãy gầm cầu, người ta rất dễ nhầm tưởng là một khu phố, bởi nơi đây người dân kinh doanh, buôn bán và sinh sống hàng ngày!
Chính quyền bất lực?
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Đình Ngọc – Phó Chủ tịch UBND xã Hải Bối cho biết: Tại đoạn gầm cầu chạy qua địa bàn Hải Bối có tất cả 38 điểm vi phạm. Chính quyền xã Hải Bối đã nhiều lần tổ chức cưỡng chế các công trình vi phạm và bàn giao mặt bằng lại cho đơn vị quản lý gầm cầu là Công ty CP Đường sắt Hà Thái nhưng do phía Công ty lỏng lẻo trong quản lý nên vi phạm liên tục tái diễn. "Với chức năng quản lý Nhà nước trên địa bàn, xã đã làm hết sức mình nhưng phía Công ty CP Đường sắt Hà Thái là đơn vị quản lý trực tiếp mà buông lỏng thì chính quyền địa phương cũng bất lực. Tính đến nay, nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh sự việc này nhưng mọi việc vẫn như “bắt cóc bỏ đĩa” - ông Ngọc nói tiếp.
Để chứng minh cho những việc chính quyền đã làm, ông Nguyễn Đình Ngọc đã cung cấp cho phóng viên Kinh tế & Đô thị “Biên bản bàn giao mặt bằng giải tỏa an toàn giao tông gầm cầu đường sắt Hà Thái”. Theo đó, từ tháng 8 đến tháng 10/2018, UBND xã Hải Bối đã lập và bàn giao cho Công ty CP Đường sắt Hà Thái 18 biên bản. Tất cả các biên bản nói trên đều thể hiện: Tổ công tác đã giải tỏa hành lang an toàn đường sắt trên địa bàn xã Hải Bối. Hai bên thống nhất bàn giao diện tích (đã giải tỏa), Công ty CP Đường sắt Hà Thái có trách nhiệm quản lý không để các hộ dân tái vi phạm…
Tuy nhiên, ghi nhận từ thực tế cho thấy, các trường hợp đã được giải tỏa lại… tự mọc lên. Vậy nên việc làm của chính quyền xã Hải Bối chẳng khác nào “đá ném ao bèo”?
Theo thống kê, TP Hà Nội có 6 tuyến đường sắt đi qua với tổng chiều dài hơn 162km, nhưng có tới hơn 1.130 vị trí vi phạm hành lang, hạ tầng đường sắt. Trong đó, có 252 vị trí vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt; 883 vị trí vi phạm kết cấu hạ tầng đường sắt chưa được xử lý.