Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý vi phạm trật tự xây dựng: Trách nhiệm của chính quyền cơ sở

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền TP Hà Nội, thời gian gần đây, số lượng các vụ vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn TP đã giảm đi rõ rệt.

Nhưng vi phạm lại diễn ra với hình thức tinh vi hơn, khó xử lý hơn, theo đánh giá để giải quyết triệt để vấn nạn này thì cần phải nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý từ chính quyền cơ sở.
Tồn đọng nhiều
Theo báo cáo từ Sở Xây dựng Hà Nội về kết quả xử lý các công trình vi phạm TTXD còn tồn đọng năm 2015 - 2016 trên địa bàn TP từ tháng 5/2019 đến nay, UBND các quận, huyện mới xử lý được 2/40 trường hợp, còn tồn đọng 38 trường hợp chưa xử lý, không đạt kết quả và tiến độ theo yêu cầu.
 Công trình sai phép số 8 Lê Trực.  Ảnh:  Hải Linh
Tình trạng vi phạm TTXD diễn ra ở hầu hết các quận, huyện, thị xã, trong đó nổi cộm lên một số địa bàn như: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Thanh Trì, Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm, Hoài Đức, Thạch Thất…
Trước vấn nạn này, đầu năm 2019, lần đầu tiên Sở Xây dựng Hà Nội buộc phải “bêu” tên công khai các công trình vi phạm tồn đọng (phát sinh giai đoạn 2015 - 2016). Dẫn đầu là quận Hoàn Kiếm (8 trường hợp), tiếp theo là Hai Bà Trưng (7 trường hợp), quận Thanh Xuân và huyện Thanh Trì (mỗi nơi 5 trường hợp), Ba Đình (3 trường hợp), Nam Từ Liêm (3 trường hợp)…
Đáng chú ý, trong danh sách này có sự góp mặt của những dự án lớn như: Dự án Đầu tư xây dựng công trình Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở để bán và cho thuê số 8B Lê Trực (Ba Đình); Tòa nhà Hòa Bình Green City số 505 Minh Khai (Hai Bà Trưng); Chung cư cao tầng số 62 Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân); Công trình chức năng hỗn hợp Đại Thanh và Công trình hỗn hợp nhà ở - Trung tâm thương mại CT5 Tân Triều (Thanh Trì); Nhà ở thấp tầng 108 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân); Tòa HH01 và tòa 04 - HH02 dự án Khu chức năng đô thị Đại Mỗ (Nam Từ Liêm)...
Ngoài các dự án kể trên, còn có hàng chục công trình nhà xưởng, khu công nghiệp tồn tại vi phạm mà đến nay chưa thể giải quyết dứt điểm. Đáng chú ý, tình trạng vi phạm còn diễn ra tại các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ của các hộ dân, đây là đối tượng gây nhiều khó khăn trong quá trình xử lý, sẵn sàng chống đối không tuân thủ theo quy định.
 Lực lượng chức năng xử lý vi phạm TTXD tại quận Hai Bà Trưng.  Ảnh:  Quỳnh Anh
Theo Thạc sĩ quản lý đô thị Trần Tuấn Anh, mặc dù tình trạng vi phạm TTXD diễn ra ở hầu hết các quận, huyện trên địa bàn Thủ đô, nhưng các công trình có mức độ vi phạm nghiêm trọng lại chủ yếu xảy ra ở các quận, xuất phát từ giá trị thương mại lớn của các mảnh đất tại khu vực trung tâm.
“Quỹ đất hẹp khiến cho giá đất tại khu vực trung tâm cao hơn gấp nhiều lần so với các khu vực khác. Khi các trung tâm thương mại tổng hợp được xây dựng lên, vì mục đích lợi nhuận các chủ đầu tư đã không “ngần ngại” trong việc vi phạm TTXD, tự ý thay đổi thiết kế, chồng thêm tầng, cắt xén diện tích sử dụng công cộng (khuôn viên cây xanh, nhà sinh hoạt cộng đồng…)” - ông Trần Tuấn Anh nói.
Cùng quan điểm, KTS Trần Huy Ánh - Hội KTS Hà Nội cho biết, hiện nay, các chế tài xử phạt vẫn chưa thực sự đủ sức răn đe đối với các chủ đầu tư, vì lợi ích to lớn từ những mảnh đất “vàng” tại trung tâm mà các chủ đầu tư sẵn sàng chịu phạt để “được” làm sai.
“Theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP khung xử phạt hành chính tối đa đối với các hoạt động xây dựng là 1 tỷ đồng, số tiền này không thấm vào đâu so với lợi nhuận mà chủ đầu tư thu được từ hàng chục căn hộ sai phép” - ông Ánh nhìn nhận.
Trách nhiệm từ chính quyền cơ sở
Mặc dù tình trạng vi phạm TTXD diễn ra với nhiều hình thức tinh vi hơn, nhưng nhìn nhận ở góc độ khách quan thì trong thời gian gần đây, công tác quản lý TTXD đã được TP Hà Nội coi là nhiệm vụ trọng tâm, qua công tác kiểm tra, giám sát đã kịp thời phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm, vì vậy số lượng các vụ vi phạm đã giảm dần theo từng năm.
Tại phiên giải trình của Thường trực HĐND TP Hà Nội về quản lý trật tự xây dựng vào cuối tháng 3/2019, qua theo dõi báo cáo cho thấy, tỷ lệ công trình có phép tăng qua từng năm: Năm 2016 đạt 95,61%, năm 2017 đạt 95,61% và năm 2018 đạt 97,9%.
Trong khi, tỷ lệ công trình vi phạm TTXD giảm qua từng năm: Năm 2016 có 2.469 trường hợp, chiếm 13,5%; năm 2017 có 1.916 trường hợp, chiếm 10,99% và năm 2018 có 1.065 trường hợp, chiếm 5,22%.
Tháng 4/2019, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND quy định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của các sở, ngành chuyên môn trong công tác quản lý TTXD trên địa bàn TP. Giao nhiệm vụ trực tiếp cho Sở Xây dựng, Thanh tra Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện, thị xã, Đội quản lý TTXD cấp quận, huyện, thị xã và UBND cấp phường, xã.
Mới đây nhất, UBND TP Hà Nội cũng ban hành Quyết định số 4710/UBND-ĐT ngày 23/10/2019 yêu cầu UBND các quận, huyện có các dự án tồn đọng từ giai đoạn 2015 - 2016 nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc chưa xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm còn tồn đọng trên địa bàn; quyết liệt chỉ đạo các lực lượng quận, huyện, xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai cưỡng chế xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm TTXD còn tồn đọng năm 2015 - 2016 trên địa bàn TP theo đúng quy định pháp luật.
Mặc dù UBND TP đã có những chỉ đạo quyết liệt và tất cả các công trình vi phạm đều được chính quyền cơ sở thực hiện theo đúng quy trình từ kiểm tra, xử phạt, quyết định đình chỉ, quyết định phá dỡ. Nhưng theo đánh giá, sau đó các công trình vi phạm vẫn tồn tại và nhiều công trình vi phạm mới lại “mọc” lên.
Cũng theo KTS Trần Huy Ánh, để giải quyết vấn đề này thì cần phải nâng cao trách nhiệm từ chính quyền cơ sở. “TP phải quyết liệt hơn trong việc quy trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cơ sở nếu để xảy ra tình trạng vi phạm, không chỉ dừng lại ở cảnh cáo, khiển trách nữa mà phải cách chức và buộc cho thôi việc” - ông Ánh cho biết thêm.

"Ngoài việc nâng cao trách nhiệm từ các cơ quan quản lý, cũng cần phải nâng cao chế tài xử lý đối với các dự án, công trình sai phạm. Nếu tháo dỡ được thì kiên quyết tháo dỡ; nếu không tháo dỡ được thì chính quyền sẽ thu toàn bộ tiền lợi nhuận mà chủ đầu tư thu được từ phần vi phạm để sung công, sau đó sử dụng toàn bộ phần vi phạm cho mục đích công cộng, có như vậy thì mới có thể tạo được tính răn đe hiệu quả." - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng