Toàn cảnh buổi tọa đàm trực tuyến ''Hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại - thực trạng và giải pháp'' |
Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Theo các chuyên gia và nhà quản lý, những năm gần đây, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại diễn biến ngày càng phức tạp, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi. Thống kê của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho thấy, 9 tháng đầu năm 2021, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý hơn 100.000 vụ vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại, khởi tố 1.615 vụ việc, tăng 90% với 2.148 đối tượng, tăng gần 90% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy số lượng các vụ việc vi phạm bị phát hiện và xử lý có giảm so với cùng kỳ nhưng tính chất phức tạp tăng lên, đặc biệt vi phạm qua thương mại điện tử tăng lên nhanh chóng. Các mặt hàng bị làm giả, làm nhái, buôn lậu nổi lên là khẩu trang, thiết bị phòng chống dịch, thuốc điều trị Covid-19…, đặc biệt phức tạp ở địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, các mặt hàng buôn lậu như thuốc lá ngoại, đường cát, mỹ phẩm, tân dược vẫn diễn biến phức tạp tại các tỉnh, TP như: Quảng Trị, Đà Nẵng, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Bình Phước, An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang... Tình trạng sản xuất, buôn bán hàng kém chất lượng, hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ cũng được buôn bán tràn lan trên không gian mạng tại các website, trang mạng xã hội như zalo, facebook…
Ông Nguyễn Xuân Khương, Cục điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, không chỉ có buôn lậu hàng giả, hàng nhái mà tình trạng gian lận xuất xứ cũng diễn biến phức tạp. Nhiều doanh nghiệp tìm cách hưởng ưu đãi thuế quan với hàng hóa xuất xứ Việt Nam. Một số hình thức được các đối tượng sử dụng như nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam, sau đó dán nhãn hàng hóa xuất xứ Việt Nam rồi xuất đi nước ngoài; hoặc hàng hóa được đặt làm sẵn ở nước ngoài và ghi xuất xứ Việt Nam để xuất đi nước khác...
Một hình thức khác là doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu linh kiện, nguyên vật liệu để sản xuất trong nước nhưng thực chất sản phẩm nhập gần như hoàn chỉnh, sau đó xuất khẩu đi nước ngoài và mang xuất xứ Việt Nam. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp lợi dụng loại hình hàng quá cảnh nhập hàng lậu theo đường mòn, lối mở ở biên giới.
Nâng mức xử phạt để tăng tính răn đe
Theo các chuyên gia, nhà quản lý, sở dĩ tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại còn diễn biến phức tạp là do thời gian qua, chúng ta chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc.
Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội QLTT số 9 (Cục QLTT Hà Nội) phát hiện, thu giữ nhiều mặt hàng có dấu hiệu giả mạo thương hiệu tại kho hàng số 76 đường An Dương, phường Yên Phụ, Hà Nội |
Tại một số địa phương, chính quyền chưa quyết liệt trong chỉ đạo, thực hiện. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao; còn có biểu hiện nể nang, bao che, thậm chí có trường hợp “bảo kê” cho hành vi vi phạm pháp luật, nhất là đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc.
Để nâng cao công tác đấu tranh, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại, cần tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của hàng giả. Trong đó, các doanh nghiệp sản xuất cần tuyên truyền để người dân nhận biết hàng thật, hàng giả; có trách nhiệm phối hợp, phát hiện xử lý hàng giả, hàng nhái; thường xuyên giám sát việc tiêu thụ hàng hóa trên thị trường; cải tiến công nghệ, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Các lực lượng chức năng cần tham mưu, sửa đổi quy định không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; nắm bắt tình hình, chỉ đạo quyết liệt; xây dựng phương án bắt giữ những đối tượng cầm đầu sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) Nguyễn Đăng Sinh, để công tác chống hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại đạt hiệu quả, các lực lượng chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý các vi phạm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các lực lượng thực thi phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp nhằm tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Hiệp hội VATAP cũng kêu gọi các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật, nâng cao ý thức tự bảo vệ thương hiệu sản phẩm, hàng hóa của mình, bảo đảm chất lượng đối với công bố, chịu trách nhiệm trước pháp luật, sản phẩm, hàng hóa do doanh nghiệp mình sản xuất, kinh doanh; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong công tác phòng chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu.
Dự báo thời gian tới, tình hình buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại còn diễn biến phức tạp, nhất là vào dịp cuối năm khi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân tăng cao, bà Đỗ Thị Minh Thủy, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng, cần một chế tài đủ mạnh để có thể răn đe các đối tượng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này; đồng thời nên có quy định rõ hơn về xác định xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.