Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, 9 tháng đầu năm 2017, từ 16/12/2016 - 15/9 vừa qua, cả nước xảy ra 14.346 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 6.113 người, bị thương 11.785 người (trong đó, tại Hà Nội xảy ra 1.045 vụ TNGT, làm 414 người chết, 828 người bị thương). So với cùng kỳ 2016, TNGT giảm 6,24% số vụ, 5,11% số người chết và 13,35% số người bị thương.
|
Xe khách dừng, đỗ bắt khách trái quy định trên đường Võ Văn Kiệt. Ảnh: Công Hùng |
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, đã có 43 tỉnh, TP giảm được số người chết vì TNGT. Trong đó 9 địa phương giảm trên 20% số người chết là: Cao Bằng, Cà Mau, Quảng Ninh, Lào Cai, Thái Nguyên, Điện Biên, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Yên Bái. Đặc biệt Cà Mau, Cao Bằng, Quảng Ninh giảm trên 35%. Tuy nhiên, còn 15 tỉnh, TP có số người chết vì TNGT tăng so với cùng kỳ 2016. Trong đó 8 tỉnh tăng trên 10% là: Quảng Bình, Khánh Hòa, Quảng Trị, Cần Thơ, Hải Phòng, Tuyên Quang, Hậu Giang, Lai Châu; 2 tỉnh có số người chết tăng trên 40% là: Hậu Giang, Lai Châu.
Ông Hùng cũng cho biết, dù TNGT đã giảm tích cực, nhưng tình trạng UTGT, đặc biệt tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng… có dấu hiệu diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này do nhiều công trình hạ tầng đang trong giai đoạn thi công, ảnh hưởng đến giao thông; ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân còn kém. Bên cạnh đó, nhiều nơi chưa xử lý được dứt điểm hiện tượng xe “dù”, bến “cóc”, xe khách “trá hình”; xe Uber, Grab chưa được quản lý chặt chẽ, hoạt động tự do trên các đường phố cấm vào giờ cao điểm khiến gia tăng áp lực giao thông cho một số đô thị lớn.
Luật chưa kín kẽTại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đề nghị Bộ GTVT đẩy nhanh quá trình xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 86/NĐ - CP, quy định về điều kiện kinh doanh vận tải khách, trình Chính phủ phê chuẩn. Đây cũng là mong muốn được nhiều địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng… gửi đến Bộ GTVT. Bởi lẽ, Nghị định 86 hiện nay đang tồn tại quá nhiều kẽ hở, khiến loại hình xe “dù”, xe khách “trá hình” nở rộ, gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác đảm bảo trật tự, ATGT của các địa phương.
Hiện tượng núp bóng “xe hợp đồng”, hoạt động như xe khách liên tỉnh, luồn sâu vào tận vùng lõi của các đô thị lớn, đón trả khách đã làm gia tăng áp lực giao thông các đô thị. Dự thảo sửa đổi Nghị định số 86/2014/NĐ - CP của Bộ GTVT cũng đã dành sự quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng các quy định để quản lý chặt chẽ loại hình này. Tuy nhiên, vấn đề là thời gian thực hiện sửa đổi Nghị định 86 đang kéo dài trong khi các địa phương phải đối diện với áp lực gia tăng từng ngày từ xe khách “trá hình”.
Cùng với đó, các địa phương trong diện thí điểm ứng dụng đồng điện tử vào vận chuyển hành khách (theo Quyết định số 24/QĐ - BGTVT) cũng đề nghị Bộ GTVT đưa ra các quy định để quản lý taxi công nghệ chặt chẽ hơn. Do không chịu sự kiểm soát của các quy định liên quan đến taxi nên hàng nghìn xe Uber, Grab… vẫn ngày ngày ra vào khu vực trung tâm của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… khiến áp lực giao thông tăng vọt.
Nhiều chuyên gia cho rằng, những bất cập, tồn tại về cơ chế quản lý “xe hợp đồng” tại Nghị định 86 đã nhìn thấy rõ. Bộ GTVT chậm chạp trong việc tham mưu cho Chính phủ sửa đổi cơ chế, chính sách ngày nào, các địa phương phải gồng mình chịu đựng thêm áp lực hạ tầng giao thông ngày đó.