Xử phạt hơn 900 cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương từng bước chuẩn hoá sản xuất để xây dựng những vùng canh tác an toàn. Bên cạnh đó, quản lý chặt chẽ thông qua kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm tại một cơ sở trên địa bàn Hà Nội.
Kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm tại một cơ sở trên địa bàn Hà Nội.

Theo Bộ NN&PTNT, thời gian qua, đơn vị đã chỉ đạo tổ chức triển khai tương đối hiệu quả 2 đề án về “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2021 - 2030”, và “Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025”, nhằm xây dựng và phát triển chuỗi giá trị cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, chất lượng.

Đến nay, cả nước đã có 2.510 chuỗi giá trị được thiết lập, duy trì; 225.620ha cây trồng được chứng nhận VietGAP với 16.061 cơ sở, doanh nghiệp được chứng nhận. Diện tích nuôi trồng thủy sản được cấp chứng nhận VietGAP là 10.998ha với 759 cơ sở được chứng nhận; 4.135 trang trại và hộ chăn nuôi cũng đã được chứng nhận VietGAHP.

Mặc dù vậy, vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay vẫn là nỗi lo lớn đối với ngành nông nghiệp. Hiện, cả nước còn khoảng 7% số cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thuỷ sản chưa ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm. Tỷ lệ cơ sở được thẩm định, duy trì đủ điều kiện an toàn thực phẩm xếp loại A/B đạt 99,4%.

Đáng chú ý, thống kê riêng trong 6 tháng đã qua của năm 2024, các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT đã thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với 8.773 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thuỷ sản. Qua giám sát, đã lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính 901 cơ sở (chiếm 10,2% tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra), thu nộp ngân sách Nhà nước tổng số tiền 11,23 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm và “hậu kiểm” theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương, và chủ động xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm…