Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử phạt trên 1.700 vụ vi phạm hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 3 tháng đầu năm 2023, đã có 1.764 vụ vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được xử lý với số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 15,7 tỷ đồng.

Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), từ năm 2018 đến nay, khi chuyển đổi mô hình hoạt động sang ngành dọc, liên quan đến các các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã xử lý hàng chục ngàn vụ việc vi phạm.

Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra một kho hàng thời trang có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu nổi tiếng trên địa bàn quận Hà Đông. Ảnh: Tổng cục QLTT
Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra một kho hàng thời trang có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu nổi tiếng trên địa bàn quận Hà Đông. Ảnh: Tổng cục QLTT

Năm 2022 lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã xử lý 3.069 vụ việc vi phạm, số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 38 tỷ đồng. Riêng 3 tháng đầu năm 2023, đã có 1.764 vụ vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được xử lý với số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 15,7 tỷ đồng.

Tổng cục Quản lý thị trường đánh giá, vấn đề xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang là một trong những hình thức gian lận thương mại phổ biến tại Việt Nam bởi vị trí địa lý thuận lợi, có đường biên giới dài, giáp ranh với nhiều quốc gia. Bên cạnh đó, một phần do nhận thức của người tiêu dùng chưa cao, còn khá dễ dãi nên việc sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn có cơ hội lưu thông.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh, tại Việt Nam, lực lượng Quản lý thị trường là nòng cốt trong công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; có chức năng xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm: Buôn lậu, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm và những hành vi vi phạm khác trên môi trường thương mại điện tử.

Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như bảo vệ uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp đang kinh doanh tại thị trường Việt Nam, ông Trần Hữu Linh cho biết: Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng Quản lý thị trường sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng khác như: Hải quan, Biên phòng, Công an... tiến hành kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…

“Phòng, chống và ngăn chặn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng Quản lý thị trường trong những năm qua và tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu của lực lượng trong giai đoạn sắp tới” – ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.