Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử phạt vi phạm giao thông: Còn làm ngơ, còn ùn tắc

Nguyễn Thị Tuyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng thiếu ý thức, vi phạm luật giao thông của bộ phận không nhỏ người dân là một trong những nguyên nhân chính gây UTGT tại Hà Nội.

Thế nhưng, việc xử phạt vi phạm của lực lượng chức năng lại thiếu quyết liệt, chưa tập trung đúng vào nhóm lỗi phổ biến, trực tiếp gây UTGT, nên hiệu quả chưa được như mong muốn.

“Vỡ trận” giờ cao điểm

Hàng ngày, vào giờ cao điểm, những tuyến đường, nút giao trọng yếu của Thủ đô như: Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Giải Phóng, Minh Khai… thường xuyên lâm vào cảnh giao thông “hỗn loạn”. Mạnh ai nấy đi, ô tô dàn hàng chiếm hết lòng đường, xe máy leo lên vỉa hè, luồn lách giữa những kẽ hở bất kể sai làn, lấn vạch. Nhiều nơi, đèn tín hiệu giao thông, vạch kẻ có cũng như không, người người ào ạt vượt đèn vàng, đèn đỏ; dừng chờ thì chen chúc, đỗ xe ngay trên vạch dành cho người đi bộ…
Xử phạt hành chính người vi phạm giao thông trên phố Thái Hà. Ảnh: Quỳnh Linh
Xử phạt hành chính người vi phạm giao thông trên phố Thái Hà. Ảnh: Quỳnh Linh
Anh Trần Tuấn Hưng (quận Thanh Xuân) cho biết: “Nhiều lúc không muốn đi lấn đường, sai vạch hay vượt đèn đâu nhưng không đi thì ùn tắc, bị xe sau rú còi giục, thậm chí là văng tục, mạt sát”. Vẫn biết hạ tầng đường sá của Hà Nội còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại, nhưng không thể phủ nhận, một bộ phận lớn người dân đang rất thiếu “văn hóa giao thông”, không hề có ý thức tôn trọng luật pháp cũng như cộng đồng.

Tuy nhiên, anh Hưng cũng nêu lên một khía cạnh khác: “Có luật, có xử phạt, mức phạt ngày càng tăng, tại sao vi phạm vẫn tràn lan, đâu đâu cũng thấy?”. Cử nhân Tâm lý học Nguyễn Anh Minh nhận định, sở dĩ có tình trạng này là do việc xử phạt không thường xuyên, không nghiêm túc và quan trọng nhất là thiếu trọng tâm. Lý giải rõ ràng hơn, ông Minh nêu ví dụ: “Trong giờ cao điểm, lỗi vi phạm phổ biến nhất là vượt đèn vàng, đèn đỏ, lấn làn, đè vạch. Mỗi ngày có đến hàng trăm ngàn trường hợp vi phạm kiểu này không bị xử lý. Từ đó dẫn đến tâm lý “nhờn” luật của người dân”.

Anh Hưng nêu vấn đề, có lần vào giờ cao điểm, anh thấy CSGT dừng xe, xử phạt rất nhiều người do lỗi không đội mũ bảo hiểm; còn những người dù có đội mũ bảo hiểm nhưng lấn làn, đè vạch, vượt đèn lại yên ổn… đi tiếp. Ông Minh nhận xét: “Có thể do trong giờ cao điểm, CSGT ngại dừng xe xử phạt vì sợ gây UTGT. Cả loạt xe vi phạm dàn hàng, phạt người này để người kia đi sẽ bị người dân phản ứng nên CSGT càng ngại ngần”. Thực tế này cho thấy, tình trạng xử phạt vi phạm giao thông vào giờ cao điểm của lực lượng chức năng Hà Nội đang rất thiếu quyết liệt và hiệu quả không cao.

Tổ chức giao thông từ trong ý thức

Theo ông Minh, lực lượng CSGT cần xác định trọng tâm xử phạt vào khung giờ cao điểm. Tất nhiên không phải không phạt người thiếu mũ bảo hiểm, mà là tập trung xử phạt mạnh, liên tục các trường hợp vượt đèn, lấn làn, đè vạch trước. Duy trì đều đặn một thời gian sẽ tổ chức được giao thông từ trong ý thức của người dân. Anh Hưng cũng cho rằng, số lượng ô tô ở Hà Nội chỉ bằng 1/10 xe máy, thế nhưng nhiều tuyến đường sáng - chiều nào cũng tắc do ô tô dàn hàng. Mặt đường càng rộng thì càng nhiều ô tô chen chúc lên song song với nhau. Ngay trên cầu vượt Ngã Tư Sở, một làn dành cho ô tô, một làn cho các phương tiện khác, nhưng giờ cao điểm cứ 2 hàng ô tô song song, chiếm hết cả lối lưu thông. “TP càng ngày càng nhiều ô tô, ô tô chiếm hết mặt đường mà có thấy bị CSGT xử lý đâu?” - anh Hưng bức xúc.

Hiện, Hà Nội đã huy động rất nhiều lực lượng tham gia điều tiết giao thông và xử phạt vi phạm. Ngoài CSGT còn có Cảnh sát cơ động, Thanh tra Sở GTVT, Cảnh sát trật tự…, trong đó Cảnh sát cơ động và CSGT luôn có lực lượng tuần tra trên đường. Theo phân tích của ông Minh, các nhóm tuần tra hầu như chỉ để ý ai không đội mũ bảo hiểm thì nhắc nhở hoặc xử phạt. Còn các lỗi phổ biến, trực tiếp gây ùn tắc như đi sai làn, dàn hàng lấn đường, vượt đèn, dừng đỗ tùy tiện thì lại rất ít khi thấy xử lý. Thực tế này cho thấy vì sao hiệu quả của công tác tuần lưu, kiểm soát không cao, vi phạm vẫn tràn lan, UTGT vẫn xảy ra ở nhiều nơi.

Ông Minh đề xuất: “Mong rằng lực lượng CSGT, Cảnh sát cơ động trước hết hãy tập trung vào nhóm lỗi phổ biến nhất, gây UTGT nhiều nhất để xử lý kiên quyết và triệt để. Chừng nào còn ô tô dàn hàng kín mặt đường, xe cộ vượt đèn vàng, đèn đỏ dồn cục trong nút giao, xe máy leo lên vỉa hè thì giao thông còn ùn tắc và quan trọng nhất là ý thức của người dân không những không được nâng cao mà còn có nguy cơ sa sút, tạo thành hiệu ứng đám đông, đua nhau phạm luật”.