Số thùng rác công cộng cũng phải tăng gấp nhiều lần. Thiết nghĩ, đấy là nói về số lượng. Dù số lượng có tăng như ước lượng vẫn chưa đủ. Phải nâng lên một bước nữa cả chất lượng thậm chí phải thay đổi hẳn phương thức, quan niệm phục vụ mới mong giải quyết được triệt để.
Bài 2: Nhìn bạn, ngẫm mình
Về rác thải nơi công cộng thì đơn giản hơn. Tăng số lượng thùng rác công cộng ở chính những nơi “thiên hạ” vẫn vứt rác thì sao? Người ta ngại phải thò tay mở nắp thùng ra để bỏ vì sợ bẩn, thì thiết kế để chỉ cần dùng chân (cả giày, dép) đạp vào cần gạt để nắp thùng mở ra như thùng rác trong nhà mình thì sao? Có ai nghĩ đến chi tiết cụ thể đến mức ấy không? Về WC thì lắm chuyện hơn. Có ai khảo sát xem đi chơi phố cổ Hà Nội, khách nước ngoài thích nhất cái gì, ngại nhất cái gì không? Vì sao về khách sạn, việc đầu tiên là họ vào ngay khu phụ? Bởi đi bộ (hay xe điện) khắp cả phố cổ không có chỗ nào để giải quyết nhu cầu dị hóa?
Tôi đã thăm Bắc Kinh nhiều lần, cứ một quãng ngắn đã tìm thấy một buồng WC xen giữa những cửa hàng bán đủ thứ cho khách, kể cả hương hoa và các đồ lễ cho khách vào hành lễ một ngôi chùa cổ kính nổi tiếng gần đấy.
Dù có biển cấm, nhưng nhiều người dân vẫn cố tình vứt rác tại một điểm dân cư trên địa bàn quận Đống Đa. Ảnh: Chiến Công |
Đặc điểm của nơi WC này là vô cùng nhỏ, chỉ là một hố WC, nhìn bên ngoài, nếu không để ý biển chỉ dẫn xen kẽ giữa các nhà hàng bên cạnh thì không biết, bởi gần như không có sự phân biệt, cũng không hôi hám. Nó nhỏ hơn cả phòng vệ sinh trong nhà mình. Trong đó duy nhất chỉ có một hố xí xổm (chứ không phải bệt). Xổm để không phải chạm da thịt mình vào. Mà cũng không phải động tay vào bất cứ thứ gì khác, kể cả việc ấn nút xả nước. Chỉ cần giẫm lên một bàn đạp là nước xả đi hết. Rửa tay xong đưa vào sấy khô. Cái khó là làm sao có được một buồng WC bé xíu này giữa phố đông đúc. Ngay cả phố đi bộ Tiền Môn gần Quảng trường Thiên An Môn rộng nhất thế giới để khách du lịch mua sắm đủ các thứ, kể cả đến tận nhà thuốc Đồng Nhân Đường mua An cung ngưu hoàng hoàn chính hiệu hay nhà bán trà, nhân viên ra tận cửa hàng dâng trà mời khách hoặc nhà hàng vịt quay Bắc Kinh nổi tiếng ngay gần đấy, buồng WC cũng chen vào giữa các nhà hàng (tất nhiên trong nhà hàng thì có chỗ giải quyết rồi).
Hẳn bạn đã nghĩ đến nhu cầu dị hóa của khách du lịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào cũng được đáp ứng. Để làm được việc ấy, hẳn bạn phải giải quyết được vấn đề cốt lõi là làm sao có hơn mét vuông giữa phố toàn cửa hàng sang trọng, lộng lẫy, tấp nập khách hàng trong nước và quốc tế này? Lại không phải tùy địa thế mới đặt mà là đặt bất kỳ chỗ nào theo quy hoạch, miễn sao để cứ sau một khoảng ngắn đi bộ đã có một WC như thế.
Phải có một chính sách đúng đắn. Ấy là đầu tư vào WC để gián tiếp đầu tư vào du lịch, vào an sinh xã hội cho cộng đồng. Chính sách ấy phải được Nhân dân hiểu. Có hiểu mới ủng hộ, mới chịu cắt hơn mét vuông để làm WC. Hơn mét vuông ấy phải được đền bù xứng đáng, bởi cả phố được hưởng lợi từ nguồn thu nhờ tăng thêm khách đến. Khách đến ta một lần rồi nhiều người cạch đến già chính vì các dịch vụ du lịch kém cỏi mà trước hết là các khu vệ sinh. Thái Lan có 30% khách trở lại, trong khi ở ta chỉ là 5%!
Chưa hết. 8 giờ ngày 8/8/2008, khai mạc Olympic Bắc Kinh. Thử tưởng tượng xem người đến dự đông đến mức nào. Vào sân vận động Tổ chim ngày thường tham quan cũng 50 Nhân dân tệ (thời điểm ấy là 150.000 VNĐ). Còn dự Olympic thì hàng chục lần hơn thế. Làm sao giải quyết được nhu cầu vệ sinh? Hàng ngàn buồng vệ sinh, trông như những đoàn tàu nhỏ. Tôi mở cửa bước vào, không phải vì nhu cầu mà vì tò mò. Không hề có chỗ đặt chân đạp nước. Người ta dùng một thiết bị đùn bọt hóa chất để xử lý cả nước tiểu lẫn phân.
Gần đấy có một nhà WC to đẹp như một công trình kiến trúc thì có nước xả tự động, nước nóng rửa tay mà không cần thò tay vào bất cứ chỗ nào.
Điều lạ là tất cả các WC ở đấy hoặc trong bất kỳ siêu thị nào, hay ngoài đường phố đều… miễn phí. Ta thì có người trông để bán vé (nhưng nhiều khi không có mặt) và dọn. Chắc là một cách xã hội hóa để bớt ngân sách.
Chẳng lẽ người ta không biết tính toán?
Mấy lần đi Côn Minh thăm Vườn hoa Trung Quốc và thế giới, mặc dù có nhiều WC, nhưng vẫn thấy phát cho khách những túi nilon ngoài đề rõ không dùng đựng thực phẩm. Hỏi ra mới biết dùng cho đàn ông nếu cần (ngay cả trên xe ô tô). Có thể dùng để tiểu vào. Tất nhiên phụ nữ thì không. Có lẽ bạn biết sinh lý thường đàn ông khác phụ nữ. Dân gian ta có câu “Giai khôn lắm nước đái, gái khôn lắm nước mắt” mà!
Một lần, trong đoàn ta, có anh hút thuốc xong vứt đầu mẩu xuống đất. Một phụ nữ đang làm tạp vụ đến, chỉ vào mẩu thuốc vừa vứt, dùng một chiếc gậy rỗng ruột, phía dưới là hai chiếc càng (như càng cua) để không cần cúi xuống. Tay bóp nhẹ cái lẫy trên tay, hai càng cua đã nhặt được mẩu thuốc lên, bỏ vào thùng. Rồi ra hiệu yêu cầu người vừa vi phạm nộp phạt 2 Nhân dân tệ. Anh bạn không chịu, cãi bằng tiếng ta. Phiên dịch đến. Mọi người trong đoàn nói mới nghe, nhưng bực tức bỏ đi, không nhận biên lai thu tiền. Chị kia đuổi theo, nhét biên lai vào tay. Mọi người bảo nếu không nhận biên lại thì tiền ấy vào túi chị ta à? Mà chị ta đang làm công vụ kia mà!
Chuyện phạt ai, ai phạt của bạn như thế. Tác dụng của những người xung quanh (dư luận) là như thế.
Nên chăng?