Sáng ngày mai 27/3, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh sẽ đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với 16 bị cáo thuộc Công ty Cổ phần Bất động sản Alibaba (Công ty Alibaba) vì có đơn kháng cáo.
Ngoài 16 bị cáo có đơn kháng cáo kêu oan và xin giảm nhẹ mức án, trong vụ án này có 98 bị hại có đơn kháng cáo; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có kháng cáo là Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh và bà Nguyễn Thị Thúy Nguyệt.
Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm là thẩm phán Võ Văn Khoa cùng các thẩm phán: Đặng Văn Ý, Phạm Văn Công. Đại diện Viện KSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh giữ quyền công tố tại phiên tòa gồm các kiểm sát viên: Trần Anh Dũng và Trần Ngọc Đảm.
Thời gian phiên tòa phúc thẩm xét xử dự kiến từ ngày 27/3 đến ngày 5/4, ở hội trường lớn lầu 2 - TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, số 8 đường 57, phường Cát Lái, TP Thủ Đức.
Trước đó tại phiên tòa sơ thẩm do TAND TP Hồ Chí Minh xét xử vào tháng 12/2022, đã tuyên phạt 23 bị cáo thuộc Công ty Alibaba về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”. Trong 20 bị cáo thuộc nhóm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bị xét xử theo khoản 4 điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, Nguyễn Thái Luyện (SN 1985, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Alibaba), được xác định cầm đầu, bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên án tù chung thân; Nguyễn Thái Lĩnh (SN 1989, Giám đốc Công ty Alibaba, em trai Luyện) 17 năm tù; 18 bị cáo là thuộc cấp của Luyện bị tuyên từ 10-20 năm tù.
Đối với bị cáo Võ Thị Thanh Mai (SN 1987, vợ Nguyễn Thái Luyện) bị tuyên 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 12 năm tù về tội “Rửa tiền”, tổng hợp mức án là 30 năm tù. Bị cáo Nguyễn Thái Lực (SN 1999, em trai Luyện) bị xử 17 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 10 năm tù về tội “Rửa tiền”, tổng hợp mức án là 27 năm tù.
Riêng bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng (SN 1995, nhân viên kế toán) bị tuyên 3 năm tù về tội “Rửa tiền”, nhưng được hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm.
Về trách nhiệm dân sự, bản án sơ thẩm cũng tuyên buộc Nguyễn Thái Luyện và Võ Thị Thanh Mai phải liên đới bồi thường 2.446 tỷ đồng cho 4.548 bị hại. Các cơ quan chức năng tiếp tục kê biên 698 thửa đất, tiếp tục giữ 455 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) do các bị cáo dùng tiền lừa đảo để mua, nhằm đảm bảo thi hành án.
HĐXX phiên tòa sơ thẩm cũng kiến nghị Cơ quan CSĐT tiếp tục điều tra làm rõ nhằm thu hồi số tiền bị cáo Võ Thị Thanh Mai khai đã chi cho những người “không tiện nói tên”. Đối với 20 thỏi kim loại màu vàng mà cơ quan công an thu tại Công ty Alibaba, tòa án cấp sơ thẩm xác định không phải là vàng và tuyên trả lại cho bị cáo Nguyễn Thái Luyện.
Sau khi TAND TP Hồ Chí Minh tuyên án sơ thẩm, có 16 bị cáo kháng cáo. Trong đó Nguyễn Thái Luyện cùng vợ Nguyễn Thị Thanh Mai kháng cáo kêu oan. Các bị cáo: Nguyễn Thái Lực, Nguyễn Thái Lĩnh, Trương Thị Hồng Ngọc, Phan Ngọc Nguyên, Trang Chí Linh, Huỳnh Thị Ngọc Như, Nguyễn Lê Hoàng Lan, Võ Văn Trần Quang…, kháng cáo xin giảm nhẹ mức án tù.
Theo nội dung bản án sơ thẩm, Công ty Alibaba được thành lập và được cấp giấy chứng nhận vào ngày 5/5/2016, vốn điều lệ đăng ký 1 tỷ đồng; trụ sở tại 321 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh). Ngày ngày 26/9/2017, Công ty Alibaba thay đổi lần thứ 3, vốn điều lệ tăng lên 1.600 tỷ đồng, do Nguyễn Thái Lĩnh làm Giám đốc, các cổ đông gồm: Nguyễn Thái Lĩnh (49,5%); Võ Thị Thanh Mai (49,5%); Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành (1%).
Để phục vụ cho hoạt động lừa đảo, Nguyễn Thái Luyện chỉ đạo lập thêm 22 công ty trực thuộc Công ty Alibaba, hoạt động ở các lĩnh vực: bất động sản, truyền thông, vận tải… Giám đốc và làm đại diện pháp luật cho các công ty là người thân trong gia đình Luyện (gồm em ruột, vợ) và một số nhân viên dưới quyền. Sau đó Luyện chỉ đạo nhân viên tổ chức mua số lượng lớn đất nông nghiệp tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu rồi vẽ ra và tự đặt tên 58 dự án nhà ở trên đất nông nghiệp khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Để tạo lòng tin và thu hút khách hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Luyện sử dụng thủ đoạn bán hàng như: Cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; hoặc thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng. Với phương thức này, hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng đất dưới dạng nền thổ cư do Công ty Alibaba chào bán đều không nhận được giấy chứng nhận QSDĐ dưới dạng thổ cư như cam kết khi đến hạn, mà sẽ được Công ty Alibaba chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.
Bản án sơ thẩm tuyên 18 bị cáo cùng tội danh với Nguyễn Thái Luyện:
- Trang Chí Linh (SN 1991, nguyên Phó Tổng pháp lý Công ty Alibaba) 19 năm tù.
- Trương Thị Hồng Ngọc (SN 1989, nguyên Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh) 18 năm.
- Cùng bị mức án 17 năm tù là Huỳnh Thị Ngọc Như (SN 1992, nguyên Phó Tổng giám đốc phụ trách đào tạo) và Bùi Minh Đức (SN 1981, nguyên Phó Tổng giám đốc phụ trách đầu tư).
- Nguyễn Lê Hoàng Lan (SN 1991, nguyên Phó Tổng giám đốc phụ trách truyền thông) 16 năm.
- Cùng bị mức án 15 năm tù là Trần Huy Phúc (SN 1989, nguyên Giám đốc Công ty Chiến Binh Thép) và Phan Ngọc Nguyên (SN 1994, nhân viên).
- Trịnh Minh Pháp (SN 1988, nguyên Giám đốc Công ty 108) 13 năm.
- Cùng bị mức án 12 năm tù: Nguyễn Trần Phúc Nguyên (SN 1990, nguyên Giám đốc Công ty Ali Land), Vũ Hoàng Hải (SN 1990, nguyên Giám đốc Công ty Big Bang), Nguyễn Thị Vân Anh (SN 1991, nguyên Giám đốc Công ty Chiến Thắng) và Đào Thị Thanh Lợi (SN 1994, nguyên Phó Tổng tổ chức Công ty Alibaba).
- Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (SN 1995, nhân viên pháp lý) 12 năm, tổng hợp bản án trước đó về tội “Gây rối trật tự công cộng” và “Cố ý làm hư hỏng tài sản” là 16 năm 6 tháng tù.
- Cùng bị mức án 10 năm tù là các bị cáo: Nguyễn Quang Sơn (SN 1985, nguyên Giám đốc Công ty Ali Land), Nguyễn Văn Kiên (SN 1981, nguyên Giám đốc Công ty Spartaland), Nguyễn Trung Trường (SN 1992, nguyên Giám đốc Công ty Long Thành Capital), Vi Thị Hiến (SN 1993, nguyên Giám đốc Công ty Sunny Land) và Võ Văn Trần Quang (SN 1998, nhân viên, em bị cáo Mai).