Thiếu đầu tư sản xuất
Theo TS. Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện VLXD (Bộ Xây dựng), các loại vật liệu hữu cơ được sử dụng trong xây dựng là những sản phẩm được nhận diện như: Sơn, Vật liệu chống thấm, Vật liệu dán tường, Xốp cách nhiệt, Vật liệu ván sàn, ván gỗ nhân tạo, Sản phẩm tấm thạch cao, Sản phẩm tấm phẳng xi măng sợi không amiăng, Sản phẩm khung trần treo kim loại và khung vách kim loại, Sản phẩm phụ gia cho bê tông và vữa, Sản phẩm Nhựa và Cao su.
Vật liệu hữu cơ sẽ được ưa chuộng nhiều trong các công trình tương lai (Dây chuyền sản xuất tấm thạch cao) |
Hiện nay, Sơn là sản phẩm vật liệu hữu cơ được sử dụng nhiều nhất trong ngành xây dựng, được dùng để trang trí và bảo vệ các công trình xây dựng dân dụng, công trình công nghiệp, giao thông, các sản phẩm máy móc công nghiệp, đồ điện tử, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, bao bì, đồ hộp và nhiều lĩnh vưc khác.
Số lượng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng tăng mạnh, nếu như năm 2002 cả nước mới có khoảng 60 doanh nghiệp thì đến hết năm 2017 đã tăng lên 600 doanh nghiệp, trong đó có 70 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, bình quân hàng năm ngành sản xuất sơn tăng trưởng từ 8 – 10% về sản lượng. Tổng sản lượng sơn sản xuất tại Việt Nam đạt gần 250 triệu lít/năm, trong đó sơn trang trí chiếm 180 triệu lít, chiếm khoảng 65% và đạt giá trị khoảng 54% của toàn ngành. Hầu hết các nguyên liệu sản xuất sơn đều được nhập khẩu từ nước ngoài, chỉ có bột độn đã sản xuất được ở trong nước.
Các loại vật liệu hữu cơ khác, như: Vật liệu chống thấm, Vật liệu dán tường, Xốp cách nhiệt, Ván sàn ván gỗ nhân tạo, Tấm thạch cao... cũng được thị trường ngày càng ưa chuộng, sản lượng tiêu thụ trên thị trường tăng nhanh. Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm này đều được nhập khẩu từ nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước cũng có thể sản xuất được nhưng số lượng không nhiều.
TS. Lê Trung Thành cho biết, do hiện nay dây chuyền công nghệ của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn hạn chế, phần lớn các doanh nghiệp muốn sản xuất được các sản phẩm này đều phải đi nhập máy móc từ nước ngoài. Các dây chuyền chỉ được nhập một cách nhỏ lẻ, một số sản phẩm phải đi nhập hoàn toàn, trong nước chưa có doanh nghiệp nào đầu tư dây chuyền sản xuất ví dụ như vật liệu dán tường, dùng trong nhà để trang trí cho phòng khách, phòng ngủ, khách sạn, phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm thay thế cho sơn tường... vẫn còn thiếu các doanh nghiệp đầu tư sản xuất.
Cần nắm bắt thời cơ
Cũng theo TS. Lê Trung Thành, trong thời gian tới, trước nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa. Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng nhiều hơn nữa các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nên nhu cầu sử dụng các sản phẩm VLXD nói chung và vật liệu hữu cơ trong xây dựng sẽ tiếp tục gia tăng, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất VLXD và các doanh nghiệp Việt cần phải nhanh chóng nắm bắt thời cơ này, trước sự “xâm lấn” và cạnh tranh ngày càng quyết liệt của các doanh nghiệp nước ngoài.
Cách mạng công nghệ 4.0 sẽ tạo điều kiện cho ngành sản xuất VLXD đột phá, từ những ứng dụng của khoa học công nghệ sẽ giúp sản xuất ra các sản phẩm với nhiều tính năng hơn, bền đẹp, thân thiện với môi trường, chi phí xây lắm giảm và thích ứng được với sự thay đổi của điều kiện thời tiết.
Một trong những vật liệu hữu cơ tại các công trình xây dựng dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, đó là sản phẩm tấm thạch cao. Trong khi tỷ lệ sử dụng thạch cao trên đầu người ở các nước châu Âu và khu vực Bắc Mỹ lên đến 10 - 11 m2/người/năm và ở các nước châu Á phát triển là 3 - 4 m2/người/năm, thì tại Việt nam, con số này mới chỉ dừng lại ở 0,5 m2/người/năm. Với tổng mức tiêu thụ thạch cao 45 triệu m2, tỷ lệ sử dụng tường thạch cao tại nước ta mới chỉ tương đương 1% so với tỷ lệ sử dụng tường gạch, vì vậy xu thế sử dụng tấm thạch cao chắc chắn sẽ càng tăng đối với các công trình xây dựng trong tương lai.
“Đặc biệt là từ năm 2015 khi thị trường bất động sản phục hồi trở lại đã giúp cho ngành VLXD đạt tốc độ tăng trưởng ổn định, hứa hẹn sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trong thời gian tới” - TS. Lê Trung Thành nói.